Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu tại buổi gặp mặt kỷ niệm 15 năm Ngày Khuyến học Việt Nam, sáng 29/9/2023. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Nhân kỷ niệm 15 năm Ngày Khuyến học Việt Nam (2/10/2008 - 2/10/2023), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã trao đổi với phóng viên TTXVN về những kết quả góp phần nâng cao dân trí của việc khuyến học, khuyến tài cũng như những định hướng lớn trong thời gian tới.
Trước hết, xin chúc mừng Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan và cán bộ, hội viên Hội Khuyến học Việt Nam nhân Ngày Khuyến học Việt Nam. Giáo sư có thể chia sẻ một số kết quả nổi bật của Hội trong chặng đường 27 năm hoạt động vì khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập?
Kết quả có ý nghĩa lịch sử của Hội, đồng thời cũng là dấu ấn cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo là việc hình thành cấu trúc xã hội học tập ở Việt Nam thông qua thực hiện thành công đề tài khoa học độc lập cấp nhà nước “Xây dựng mô hình xã hội học tập ở Việt Nam” mà Thủ tướng Chính phủ giao cho Hội chủ trì. Việc này đã tạo tiền đề cho sự ra đời các chỉ thị tiếp theo của Thủ tướng, chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy Đảng, chính quyền về xã hội học tập.
Hội đã tham mưu cho Bộ Chính trị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và từ Chỉ thị 11, Hội đã đưa nhiều nội dung về công tác khuyến học, khuyến tài để Đảng đưa ra những chủ trương, chính sách, hướng đi cho Hội. Ngày 10/5/2019, Ban Bí thư ra Kết luận số 49-KL/TW về Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập chính là một sự chuyển biến về chất đối với sự lãnh đạo của Đảng và đối với công tác của Hội trong xây dựng xã hội học tập.
Hội đã đổi mới căn bản về nhận thức, tư duy, phương pháp điều hành, triển khai khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Điều đó được thể hiện qua việc làm thế nào để nâng cao nhận thức cho các tổ chức Đảng, đảng viên và toàn bộ người dân trong xã hội biết rằng học là con đường tốt nhất để có thể thành công ở bất cứ vị trí nào. Bởi trong giai đoạn hiện nay, không phải ai cũng quan tâm đến sự học mặc dù đã có Kết luận số 49-KL/TW. Cho nên, việc đầu tiên các cấp Hội tập trung là nâng cao nhận thức của xã hội về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập
Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII có nêu, giáo dục - đào tạo phải chuyển hướng theo hướng mở. Vậy thì tài nguyên giáo dục mở ở đâu? Giáo dục mở như thế nào? Hội đã tổ chức các hội thảo về tài nguyên giáo dục mở. Thành công là sau đó Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị tất cả các trường đại học xây dựng một hệ thống tài liệu gọi là “tài nguyên giáo dục mở”. Từ đó, các trường đại học có kho tư liệu mở. Có thể nói rằng, Hội Khuyến học Việt Nam cũng tiên phong trong việc thúc đẩy các trường đại học trên cả nước xây dựng tài nguyên giáo dục mở.
Từ những đổi mới căn bản về mặt tư duy, lý luận thực tiễn kết hợp với phương pháp dân vận khéo nên hàng chục năm qua, Hội Khuyến học Việt Nam đã tập hợp được nhiều lực lượng trong xã hội tham gia vào công tác khuyến học. Đến nay, số hội viên khuyến học cả nước đạt trên 26 triệu người. Trong khi mục tiêu đến năm 2026, số hội viên chỉ tiêu đặt ra là 25% dân số, như vậy đã vượt hơn 2 năm so với mục tiêu đặt ra. Tổ chức Hội đã phủ kín 100% xã, phường, thị trấn, thôn, ấp; 2/3 trường đại học, phổ thông đều có Ban Khuyến học. Hoạt động của Hội không chỉ dừng lại ở các cấp cơ sở mà có cả trong lực lượng vũ trang, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp… Nhờ có mạng lưới này nên công tác khuyến học, khuyến tài của Hội mới thành công.
Bên cạnh đó, Hội đã thực hiện thành công các quyết định của Thủ tướng Chính phủ qua các giai đoạn về thực hiện 4 mô hình học tập: Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập, Đơn vị học tập. Đến nay, 100% địa phương trên cả nước thực hiện các phong trào này rất tốt.
Quỹ Khuyến học từ trung ương đến địa phương phát triển mạnh, hàng triệu xuất học bổng đã trao cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, người lớn có thành tích xuất sắc trong học tập ở các lĩnh vực. Các cấp hội cũng thực hiện nhiều hình thức gây quỹ, tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tạo mọi cơ hội và điều kiện cho nhân dân để ai cũng được học hành nhờ đó thúc đẩy sự học trong toàn quốc.
Ngày 10/6/2023, Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào thi đua “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời gian đoạn 2023 - 2030”. Đây được xem là dấu ấn quan trọng, là động lực thúc đẩy toàn dân thi đua học tập. Vậy Hội Khuyến học Việt Nam có kế hoạch hưởng ứng, thực hiện phong trào thi đua này như thế nào?
Cách đây 74 năm, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra rất gay go, ác liệt, dân ta hầu hết mù chữ. Bác Hồ đã ra lời kêu gọi “thi đua ái quốc”, trong đó có phong trào thi đua “diệt giặc dốt”. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, 2 triệu người dân Việt Nam biết chữ, nhờ đó tiếp thu được khoa học công nghệ của thế giới và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc đã thành công. Hội nhận thấy, qua 74 năm không có một phong trào nào để thúc đẩy toàn dân học tập, nên đã cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu để Thủ tướng phát động một phong trào mang tên “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời”. Phong trào mang ý nghĩa xóa mù chức năng (xóa mù nghề, mù công nghệ thông tin, mù ngoại ngữ…).
Nếu thực hiện tốt 5 mô hình học tập hiện nay của Hội (Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập, Đơn vị học tập, Công dân học tập) thì đã đảm bảo được người người đi học, nhà nhà đi học, ai cũng biết đọc, biết viết, ai cũng có thể xóa mù chức năng, khi đó phong trào thi đua của Thủ tướng sẽ thành công.
Trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng).
Công tác khuyến học, khuyến tài thời gian qua nhận được sự quan tâm rất lớn của Chính phủ, thông qua việc Thủ tướng phê duyệt nhiều chương trình, phong trào nhằm thúc đẩy việc xây dựng xã hội học tập thời gian tới. Bên cạnh thuận lợi trên, các cấp Hội đang gặp phải những khó khăn gì trong quá trình hoạt động? Hội có những giải pháp gì để giải quyết các khó khăn đó, thưa bà?
Khó khăn lớn nhất phải kể đến là nhận thức của xã hội và nhiều người đứng đầu tổ chức, chính quyền về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời còn hạn chế; nhận thức về sự học và sự đọc của nhiều người dân cũng chưa cao, chưa được xem trọng. Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số hiện nay khiến điều kiện hoạt động của cán bộ Hội ở địa phương gặp nhiều khó khăn do không được đầu tư nên thiếu trang thiết bị làm việc.
Tại một số địa phương, Trung tâm học tập cộng đồng bị lãng quên hoặc bị sáp nhập vào Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Du lịch, điều này là trái với Luật Giáo dục. Đến nay để có một đánh giá chính thức về vấn đề này, Hội đang đề nghị địa phương đánh giá tác động của việc sáp nhập đối với việc học tập của cộng đồng. Hội sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo phát triển Trung tâm này lên đúng theo Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và Chỉ đạo của Thủ tướng trong Quyết định 1373/QĐ-TTg về xây dựng xã hội học tập.
Một khó khăn khác là vai trò của các trường đại học đối với việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở chưa đạt như mong muốn. Bên cạnh đó, từ trước đến nay, có nhiều người chỉ hiểu khuyến học, khuyến tài là khuyến khích học tập của trẻ con, đi trao học bổng cho trẻ em từ cấp 1 đến sinh viên Đại học… còn người lớn thì ít ai nói đến. Thế nên, Hội đã bắt đầu thúc đẩy học tập của người lớn bằng cách có những suất học bổng, đặc biệt là những người lớn tuổi vẫn đi học nâng cao trình độ…
Trước đây, trong Chỉ thị số 11-CT/TW chưa đề cập đến vai trò của tổ chức Đảng và đảng viên trong việc xây dựng xã hội học tập thì nay khi Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư ra đời đã giúp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ đảng viên trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong công việc, đời sống. Trong kết luận có nêu, viêc giữ vững và phát huy phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trước tiên thuộc trách nhiệm của tổ chức Đảng và đảng viên, trước hết là người đứng đầu. Thực tế cũng cho thấy, ở đâu có sự lãnh đạo của Đảng, vai trò của người đứng đầu thì ở đó thành công. Do đó, để giải quyết những khó khăn nêu trên, tôi nghĩ rằng cần nêu cao vai trò của tổ chức Đảng, đảng viên theo đúng Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư.
Hiện nay, Tổ chức Đảng đã giao Ban Tuyên giáo thành lập các đoàn kiểm tra việc triển khai thực hiện Kết luận số 49-KL/TW tại các tổ chức Đảng, đây cũng là một giải pháp. Bên cạnh đó cần tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác khuyến học, khuyến tài để giúp Hội thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ. Đánh giá một sản phẩm khoa học hoặc đào tạo, con người… không phải ngày một, ngày hai. Con đường tri thức phải 10 năm, 20 năm sau mới đem lại lợi ích cho nên rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.