Hôm 17/9, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho rằng những thông tin về khả năng Washington có thể bật đèn xanh cho việc cung cấp hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) cho Kiev là nhằm mục đích "định hình dư luận" .
Ngoại trưởng Sergey Lavrov nhấn mạnh những thông tin này sẽ không thay đổi thực tế rằng "trong nhiều năm qua, Ukraine đã được chuẩn bị sẵn sàng để chiến đấu nhằm gây ra thất bại chiến lược cho Nga".
Ông Lavrov cũng cáo buộc Mỹ đang kiểm soát xung đột giữa Kiev và Moskva.
"Mỹ đang gửi vũ khí, đạn dược, thông tin tình báo và dữ liệu vệ tinh. Họ đang tiến hành chiến tranh chống lại chúng tôi", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói.
Mới đây, truyền thông Mỹ cho hay, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang xem xét viện trợ hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) và hệ thống tên lửa phóng loạt dẫn đường (GMLRS) chứa đạn chùm nói trên cho Ukraine.
Tên lửa GMLRS với tầm bắn khoảng 70-80 km chứa 404 quả đạn con, còn tên lửa ATACMS có thể đánh trúng mục tiêu cách vị trí khai hỏa 300 km và mang theo trên 300 quả đạn.
Mỹ vẫn thận trọng trong việc chấp thuận gửi các hệ thống tên lửa này cho Kiev. Mỹ cho rằng các cuộc tấn công tiềm tàng của Ukraine vào sâu trong lãnh thổ Nga có thể khiến xung đột leo thang.
Đến nay, Ukraine nhận được tên lửa tầm xa từ Anh và Pháp, theo các quan chức địa phương, chúng được sử dụng để tấn công các mục tiêu dân sự và cơ sở hạ tầng ở bán đảo Crimea và vùng Donbass, các khu vực Nga đang tuyên bố kiểm soát.