Làm gì để chuỗi cung ứng xuất khẩu nông sản Việt được an toàn hơn?

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhìn từ câu chuyện một số lô hàng mít, sầu riêng, chuối mới đây bị dừng xuất khẩu sang Trung Quốc đột ngột vì bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật, hoặc trước đó là thông tin trái thanh long có dư lượng thuốc trừ sâu tại thị trường Anh, để thấy vẫn còn không ít mối lo về tính an toàn thực phẩm của chuỗi cung ứng xuất khẩu nông sản Việt. Vậy, cần làm gì để cho chuỗi cung ứng này an toàn hơn?
Làm gì để chuỗi cung ứng xuất khẩu nông sản Việt được an toàn hơn?
Nâng cao chất lượng nôngsản cần gắn với truy xuất nguồn gốc theo chuẩn mực quốc tế, “cần thực hiện từ gốc, tại từng công đoạn” và trong toàn bộ chuỗi giá trị ngành hàng nông, lâm, thủy

Liên quan đến hàng trăm container các lô hàng mít, sầu riêng, chuối bị dừng xuất khẩu (XK) để làm rõ vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật được phía Trung Quốc thông báo, thông tin cập nhật vào ngày 11/9 cho thấy tất cả lô hàng này đã được làm thủ tục thông quan.

Không lơ là trước những cảnh báo

Tuy nhiên, đây cũng là bài học để các doanh nghiệp (DN) XK rau quả không chủ quan, lơ là những cảnh báo của cơ quan chức năng trước đó. Bởi lẽ, cách đây gần 2 tháng, một số lô hàng sầu riêng, thanh long, xoài… của DN Việt Nam xuất sang bị Trung Quốc cảnh báo do phát hiện vẫn còn sinh vật gây hại, chưa được làm sạch sâu bệnh, không đáp ứng đúng theo yêu cầu của nghị định thư đã ký kết.

Trước thực tế trên, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã thông báo đến các địa phương đề nghị một số mã vùng trồng, cơ sở đóng gói phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc cũng như các yêu cầu nêu trong nghị định thư.

Đơn vị này cũng đã có văn bản thông báo đến các địa phương đề nghị tạm dừng xuất khẩu 74 mã số vùng trồng và đề nghị thu hồi 47 mã số cơ sở đóng gói vi phạm quy định kiểm dịch thực vật theo thông báo từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Trong đó có nhiều mã số vùng trồng sầu riêng, thanh long, chuối…

Mới đây nhất, có thông tin Cục Tiêu chuẩn Thực phẩm Anh (FSA) và Cục Tiêu chuẩn Thực phẩm Scotland (FSS) cho rằng trái thanh long Việt Nam có dư lượng thuốc trừ sâu, tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, FSA và FSS đang đề xuất đưa trái thanh long Việt Nam từ Phụ lục II (sản phẩm phải được xét nghiệm và được cấp giấy chứng nhận an toàn tại Việt Nam trước khi XK) sang Phụ lục I (sản phẩm phải được xác minh và tái kiểm thực tế 50% tại cảng đến trước khi được phép lưu thông trên thị trường). Nếu đề xuất này được đưa vào thực thi sẽ rất khó khăn đối với các DN XK trái thanh long của Việt Nam.

Từ những trường hợp nêu trên sẽ thấy vẫn còn đó mối lo là cần làm gì để chuỗi cung ứng XK rau quả nói riêng và nông lâm thủy sản Việt nói chung được an toàn hơn, không có vi phạm về kiểm dịch thực vật, đảm bảo các yêu cầu từ thị trường nhập khẩu để các DN không phải gặp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình XK?

Trong khi đó, trên thực tế, theo thống kê từ Cục Bảo vệ thực vật, trong 7 tháng đầu năm 2023, các nước nhập khẩu nông sản của Việt Nam đã phát hiện và cảnh báo 370 lô hàng (chuối, xoài, thanh long, mít, sầu riêng...) ở 13 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam có vi phạm về kiểm dịch thực vật.

Cần kiểm soát từ gốc, tại từng công đoạn

Cần lưu ý, trong báo cáo gần đây của Bộ NN&PTNT về vấn đề “Đảm bảo an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến nâng cao chất lượng cho phát triển thị trường nông lâm thủy sản trong tình hình mới” có lưu ý tỷ trọng sản phẩm được kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm tại từng công đoạn và trong toàn chuỗi cung ứng theo chuẩn quốc tế chưa cao.

Theo thống kê, chỉ khoảng 10-15% sản lượng sản phẩm chủ lực, đặc sản duy trì kiểm soát chất lượng, an toàn thực tại từng công đoạn và trong toàn chuỗi do sự liên kết ngang giữa các hộ sản xuất cũng như liên kết dọc với cơ sở thu mua, sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh hiện nay còn rất lỏng lẻo, thiếu bền vững.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng phát triển khá nhanh nhưng đã bộc lộ rõ một số hạn chế, chẳng hạn như tỷ trọng sản lượng nông lâm thủy sản được kiểm soát theo chuỗi cho tất cả sản phẩm đặc thù vẫn còn thấp.

Ngoài ra, tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết chưa đạt yêu cầu. Vi phạm về an toàn thực phẩm, lô hàng bị trả về tuy giảm nhưng còn ở mức cao.

Trong đó, điều đáng lo là nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng về chất lượng, an toàn thực phẩm còn hạn chế. Không chỉ vậy, lãnh đạo một số địa phương chưa thực sự quan tâm hoàn thiện tổ chức bộ máy và đầu tư, điều hòa, lồng ghép các nguồn lực thỏa đáng cho lĩnh vực quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm đối với chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản.

Chính vì vậy, giải pháp được Bộ NN&PTNT đưa ra là cần bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng gắn với truy xuất nguồn gốc theo chuẩn mực quốc tế, “cần thực hiện từ gốc, tại từng công đoạn” và trong toàn bộ chuỗi giá trị ngành hàng nông lâm thủy sản.

Cần nhắc thêm, trong tài liệu “Chiến lược xuất khẩu quốc gia Việt Nam với ngành nông nghiệp” được xây dựng mới đây dưới sự bảo trợ của Bộ Công Thương, có lưu ý một trong những thách thức, trở ngại mà ngành nông nghiệp Việt Nam cần vượt qua là “Chất lượng các sản phẩm XK chưa đồng đều, ảnh hưởng hình ảnh của Việt Nam như một nhà cung cấp đáng tin cậy và gây bất lợi cho mối quan hệ với khách hàng”.

Bên cạnh đó, một thách thức khác chính là việc “Các quy định từ quốc gia nhập khẩu, ví dụ đóng gói, an ninh lương thực và kiểm dịch động thực vật, cùng với vận chuyển, thời hạn sử dụng, hư hỏng có thể khó đáp ứng và hài hòa”.

Cho nên, trước bối cảnh các thị trường nhập khẩu có thể có yêu cầu khắt khe và rộng, càng đòi hỏi các DN và chuỗi cung ứng XK nông sản Việt không những cần tuân thủ chính sách mà còn cần đảm bảo thực hiện và duy trì các thực hành sản xuất nông nghiệp bền vững. Hơn nữa, cần đẩy mạnh đào tạo, nâng cao năng lực quản lý về an toàn thực phẩm, về kiểm dịch thực vật, xem đây là yếu tố cốt lõi để giúp cho XK nông sản không gặp phải những trở ngại trong thời gian tới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật