Mới đây, Zhanna Samsonova, 39 tuổi, một blogger nổi tiếng tại Nga đã tử vong vì thiếu chất, suy nhược cơ thể sau một thời gian chỉ ăn rau củ quả chưa qua chế biến. Thực tế, việc ăn thuần chay, ăn thô các thực phẩm rau củ quả không qua chế biến hoàn toàn không tốt như nhiều người nghĩ.
Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên Khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y dược TP.HCM, cho biết thời gian gần đây rất nhiều chế độ ăn uống được chia sẻ trên mạng xã hội. Nhiều chế độ ăn được quảng cáo tốt cho sức khỏe nhưng giới y khoa lại bày tỏ sự lo lắng. Việc đề cao các chế độ ăn thiếu cân bằng dinh dưỡng như thuần chay, ăn thô, thực dưỡng, nhin ăn, keto... có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe nếu áp dụng lâu dài.
Theo y học cổ truyền, ăn nhiều đồ sống lạnh sẽ làm tỳ vị hư hàn, dẫn tới một số biểu hiện như bụng sẽ kêu óc ách, ăn uống khó tiêu, hay trung tiện, đôi khi kèm theo tiêu chảy rất khó chịu, làm mất ngủ...
Ngoài ra, nguy cơ lớn nhất khi ăn thô là thiếu dinh dưỡng và ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn, virus hoặc độc tố trong thực phẩm đó chưa được phá vỡ khi còn sống.
Theo bác sĩ Vũ, nhiều loại đậu có chứa saponin và legumin, hoạt chất này thường có biểu hiện như ói mửa, đau bụng và dẫn đến tiêu chảy, có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Tuy nhiên, saponin và legumin là hai độc tố có thể bị phá vỡ khi gặp nhiệt độ cao. Do đó, thực phẩm được chế biến và làm chín ở nhiệt độ cao sẽ an toàn khi sử dụng.
Ăn sống các loại rau còn có nguy cơ gây tiêu chảy do E.coli, Salmonella, Staphyococcus, Campylobacteria, giun xoắn ký sinh, virus viêm gan A, viêm gan E…. Khi nấu chín ở nhiệt độ cao, các loại vi khuẩn này sẽ bị tiêu diệt.
Theo bác sĩ Tạ Huy Hải, bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Hà Nội), các loại rau củ quả ăn sống, thực phẩm sống ngoài ngộ độc cấp tính còn nguy cơ mắc phải ký sinh trùng rất lớn. Đặc biệt là các rau sống không đảm bảo vệ sinh như tưới bón phân tươi, phân chưa ủ kỹ, sử dụng thuốc trừ sâu không đúng quy định… Điều đó khiến món ăn mang theo mầm bệnh như giun sán, nhiễm độc thuốc trừ sâu. Các loại ký sinh trùng hay gặp trên rau củ quả sống như giun kim, giun móc, giun tóc, trứng giun đũa chó, sán lá gan, ký sinh trùng amip gây bệnh lỵ.
Trước đó, viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương đã làm một thí nghiệm: Các loại rau để ăn sống rửa 3 lần bằng nước sạch theo cách rửa thông thường rồi được làm xét nghiệm lại. Kết quả cho thấy tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng sau rửa lần thứ nhất là 97%, lần thứ hai 77,9% và lần thứ ba 51,9%. Vì vậy, theo bác sĩ Hải, người dân cần ăn chín, uống sôi dù sử dụng bất kỳ loại thực phẩm nào.