Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc tiếp tục kiểm tra, rà soát toàn bộ các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, doanh trại tại khu vực ven sông, suối, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện, cảnh báo khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét, ngập lụt; triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi có mưa lớn xảy ra.
Trong đó, tập trung vào các khu vực đồi núi có nguy cơ sạt lở, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện gần khu dân cư. Khi có sự cố xảy ra phải chủ động tổ chức lực lượng xử lý ngay, phát huy có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ”, “ba sẵn sàng”.
Đặc biệt, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các địa phương trong tỉnh kiên quyết di dời, sơ tán ngay các hộ dân, người làm việc trong cơ quan, đơn vị tại khu vực chân núi, khu vực có độ dốc lớn nguy hiểm, nguy cơ sạt lở đất nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn đến tính mạng và tài sản. Đồng thời, chủ động thực hiện phương án bố trí, hỗ trợ, ổn định nơi tránh trú và đời sống cho các hộ dân phải di dời.
Lâm Đồng kiên quyết di dời, sơ tán ngay các hộ dân ở khu vực chân núi, khu vực có độ dốc lớn nguy hiểm
Riêng khu vực đèo Bảo Lộc, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở GTVT phối hợp với Công an tỉnh, Khu quản lý đường bộ IV nghiên cứu phương án ứng trực suốt cả ngày đêm trong trường hợp thời tiết tiếp tục có mưa lớn, kể cả phương án sạt taluy, sạt nền đường và có biện pháp, giải pháp khắc phục để nối lại giao thông nhanh nhất nếu có sự cố.
Cùng với đó, tiếp tục đánh giá mức độ, nguy cơ sạt trượt đất, từ đó đề xuất thực hiện ngay các giải pháp xử lý, không để xảy ra sự cố tương tự vụ sạt lở đất vào 30/7 khiến 4 người tử vong do bị vùi lấp.