Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng nay (24/7), bão Doksuri đã mạnh lên cấp 13, dự báo còn có khả năng mạnh lên cấp 15-16, đi qua vùng biển giữa bán đảo Lu-dông (Philippines) và Đài Loan (Trung Quốc) đi vào phần đông bắc của khu vực Bắc Biển Đông. Cơ quan khí tượng nhận định, bão Doksuri rất ít khả năng ảnh hưởng tới đất liền nước ta, nhưng khu vực đông bắc của Bắc Biển Đông sẽ có mưa bão và gió giật mạnh, rất nguy hiểm cho tàu thuyền trong 48-96 giờ tới.
Cơn bão Doksuri ở phía Đông Philippines được nhận định là ít có khả năng đi vào biển Đông, tuy nhiên cơn bão này sẽ gây thời tiết xấu cho một phần của Biển Đông. Dự báo bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc và có khả năng mạnh lên cấp 15, giật trên cấp 17, cấp siêu bão trong khoảng 2 ngày tới khi bão tiến sát khu vực phía Đông Bắc đảo Lu-dông, (Philippines).
Sau đó, bão tiếp tục đi lên phía Bắc và có khả năng đổ bộ vào tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Dù bão Doksuri ít khả năng đi vào Biển Đông, tuy nhiên với hướng đi như dự báo thì siêu bão cũng sẽ gây mưa to, gió mạnh cho khu vực phía Đông của vùng biển Bắc và giữa Biển Đông.
Ngoài ra, bão tương tác khiến gió Tây Nam trên khu vực biển phía Nam từ Bình Thuận - Cà Mau, khu vực Nam Biển Đông bao gồm vùng biển huyện đảo Trường Sa của Việt Nam cũng mạnh lên cấp 6, giật cấp 8, biển động, kèm mưa giông mạnh. Trên đất liền, gió mùa Tây Nam mạnh cũng khiến khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ liên tục mưa nhiều, có nơi mưa rất to trong những ngày tới.
Bão Doksuri ngoài khơi khiến miền Bắc nằm gần hoàn toàn trong đai áp cao cận nhiệt đới, do vậy duy trì nắng nóng oi bức cho đến khoảng hết ngày 26-27/7. Có một khả năng là sau ngày 27/7, miền Bắc sẽ có mưa lớn diện rộng do ảnh hưởng của bão Doksuri.
Về tình hình nắng nóng, cơ quan khí tượng cho biết, ngày hôm qua (23/7) ở khu vực Bắc Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ như: Sông Mã (Sơn La) 38 độ, Bắc Mê (Hà Giang) 37.3 độ, Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) 37.2 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 55-60%.
Ngày 24-25/7, khu vực Bắc Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 55-60%; khu vực Bắc Trung Bộ có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 34-35 độ, có nơi trên 35 độ.
Dự báo nắng nóng ở Bắc Bộ còn có khả năng kéo dài trong vài ngày tới; từ ngày 26/7 nắng nóng mở rộng ra khu vực Trung Bộ. Do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Cơ quan khí tượng lưu ý, nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết thêm, từ nay đến nửa đầu tháng 8, dải hội tụ nhiệt đới tiếp tục hoạt động và có khả năng hình thành áp thấp nhiệt đới/bão trên Biển Đông. Dự báo từ ngày 21/7-20/8 có khoảng 1- 2 cơn áp thấp nhiệt đới/bão hoạt động trên Biển Đông.
Ngoài ra, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dải hội tụ nhiệt đới cũng là tác nhân gây ra gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh ở các vùng biển phía Nam, cần đề phòng gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động hàng hải và đánh bắt hải sản của ngư dân.
Cũng do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động tăng cường nên Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có mưa lớn kéo dài đến hết tháng.
Dự báo từ chiều tối ngày 22/7 đến ngày 24/7, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 180mm (mưa lớn tập trung vào chiều và đêm).
Tại khu vực Trung và Nam Trung Bộ từ chiều tối 22/7 đến ngày 23/7 cũng có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 15-30mm, có nơi trên 60mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.