Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua, Hà Nội đã ghi nhận 170 ca mắc sốt xuất huyết tại 23 quận, huyện và không có ca tử vong.
Ca sốt xuất huyết ghi nhận gia tăng so với tuần trước đó (132/0). Trong đó, một số quận huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân: Thạch Thất (48), Hoàng Mai (21), Bắc Từ Liêm (11), Phú Xuyên (11).
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 823 ca mắc sốt xuất huyết. Đến nay, thành phố chưa ghi nhận ca tử vong. Số ca mắc tăng gần 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022 (238 ca mắc, 0 ca tử vong). bệnh nhân phân bố tại 29/30 quận, huyện; 246/579 xã, phường, thị trấn.
Trong tuần qua, thành phố đã ghi nhận 7 ổ dịch mới tại: Hoàng Mai (2), Nam Từ Liêm (2), Phú Xuyên (1), Quốc Oai (1), Thạch Thất (1).
Đến nay, Hà Nội đã có tổng cộng 48 ổ dịch, hiện còn 13 ổ dịch đang hoạt động, trong đó một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Phùng Xá - Thạch Thất (126), Hữu Bằng - Thạch Thất (21), Nguyên Hanh - Văn Tự - Thường Tín (15), Xuân La - Phượng Dực - Phú Xuyên (7).
CDC Hà Nội dự báo, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn có xu hướng gia tăng, đã xác định một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài.
Kết quả kiểm tra giám sát tại các ổ dịch cho thấy các chỉ số côn trùng cao vượt mức nguy cơ... Dự báo thời gian tới số ca mắc có thể tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt tại các khu vực ổ dịch cũ, các xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp.
Theo TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương lý giải, một trong những yếu tố tác động lớn nhất chính là thời tiết. Dưới ảnh hưởng của elnino và hiệu ứng nhà kính, thời tiết không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới đang diễn biến rất thất thường.
Miền Bắc năm nay nắng nóng, mưa nhiều tạo điều kiện rất tốt cho muỗi phát triển. Kiểu thời tiết này khiến chu kỳ của muỗi rút ngắn. Thời gian từ trứng đến trưởng thành sẽ rút ngắn lại, khoảng 7-9 ngày. Khi vòng đời ngắn lại thì khả năng sinh sản sẽ nhiều hơn, tăng mật độ tiếp xúc với con người. Chỉ cần nguồn bệnh là sẽ bùng phát.
Mùa đông hiện tại ở miền Bắc cũng không lạnh như trước đây. Do đó, dự báo trong thời gian tới sẽ có nguy cơ rất cao bùng phát các đợt dịch.
Để phòng chống triệt để sốt xuất huyết, điều quan trọng nhất là người dân cần loại trừ nơi sinh sống của bọ gậy: vệ sinh môi trường trong và xung quanh nhà, lật úp các dụng cụ không cần thiết để tránh nước đọng vô tình thành ổ đẻ cho muỗi. Khi giảm mật độ muỗi, dịch sốt xuất huyết sẽ hạ nhiệt.