Nắng nóng ở miền Bắc trong thời gian tới diễn biến ra sao?

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tổng lượng dòng chảy trên các sông, hồ chứa khu vực miền Bắc phổ biến thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm từ 40 – 80%, có nơi hơn 90%. Trong thời gian tới nắng nóng tiếp tục xuất hiện nhiều ngày hơn trung bình tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, lượng mưa thiếu hụt từ 5-20% so với TBNN.
Nắng nóng ở miền Bắc trong thời gian tới diễn biến ra sao?
Trong thời gian tới nắng nóng tiếp tục xuất hiện nhiều ngày hơn trung bình tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, lượng mưa thiếu hụt từ 5-20% so với TBNN. (Ảnh: Long Phi/VOV-Miền Trung)

Trong thời gian tới nắng nóng tiếp tục xuất hiện nhiều ngày hơn trung bình tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, lượng mưa thiếu hụt từ 5-20% so với TBNN. Đây là nhận định của ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia khi trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VOV.

Ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia)

PV: Thưa ông, ông có thể dự báo về tình hình thời tiết miền Bắc trong thời gian tới, khi nào miền Bắc có đợt mưa lớn chấm dứt nắng nóng và khô hạn?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Đêm qua và sáng sớm ngày 9/6, ở miền Bắc đã xuất hiện một đợt mưa vừa, mưa to trên diện rộng; theo nhận định của chúng tôi đợt mưa này đã tạm thời kết thúc trong 1-2 ngày tới Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung phổ biến ít mưa, trời nắng và có khả năng xảy ra nắng nóng cục bộ.

Từ ngày 12-15,16/6 miền Bắc có khả năng xuất hiện một đợt mưa vừa, mưa to trên diện rộng, nên nói tình trạng khô hạn kết thúc lúc nào thì chưa chắc chắn, nhưng khả năng từ sau ngày 15/6 tình trạng hạn hán sẽ được cải thiện hơn.

PV: So với trung bình nhiều năm, lượng mưa và tổng lượng dòng chảy trên các sông tại miền Bắc đến thời điểm hiện tại như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: So với cùng kỳ năm 2022, tổng dung tích 5 hồ chứa lớn thuộc liên hồ chứa sông Hồng (Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà) thấp hơn khoảng 7,476 tỷ m3.

Cho đến thời điểm hiện nay, tổng lượng dòng chảy trên các sông khu vực miền Bắc phổ biến thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 40 – 80%, trong đó, dòng chảy trên sông Thao thiếu hụt nhiều nhất là >90%. Dòng chảy đến các hồ chứa lớn khu vực Bắc Bộ thời điểm hiện tại đang thiếu hụt từ 55-75% so với TBNN.

PV: Theo ông, việc mưa ít và nắng nóng xảy ra sớm sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lưu lượng nước của hồ thủy điện và đời sống sản xuất của người dân?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Với tình hình mưa ít, nắng nóng xảy ra sớm sẽ làm cho dòng chảy đến các hồ giảm. Hiện trạng cho thấy mực nước tại nhiều hồ chứa lớn khu vực Bắc Bộ ở mức rất thấp. Điều này ảnh hưởng đến khả năng phát điện của các hồ. Khi xã hội phát triển, nhu cầu sử dụng điện, nước của người dân tăng lên rất nhiều.

Chính vì vậy, với tình hình như trên, nhiều tỉnh thành phố khu vực miền Bắc sẽ đối mặt với tình hình thiếu điện, thiếu nước ảnh hưởng đến sinh hoạt, chất lượng cuộc sống, sức khỏe của người dân và tác động đến nhiều hoạt động sản xuất khác, đặc biệt trong giai kì chính của mùa hè ở miền Bắc với số ngày nắng nóng càng tăng.

PV:Ông có dự báo gì về thời tiết thời hạn xa trong vòng 2 tháng tới? Miền Bắc sẽ còn phải hứng chịu bao nhiêu đợt nắng nóng nữa không, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn TBNN từ 0.5-1.0 độ C, có nơi còn cao hơn. Nắng nóng tiếp tục xuất hiện nhiều ngày hơn trung bình tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.

Lượng mưa tại Bắc Bộ vẫn có xu hướng thiếu hụt từ 5-20% so với TBNN. Tại Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến cao hơn TBNN từ 10-25%.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!./

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật