Con rơi, loài nhuyễn thể có ngoại hình giống rươi
Đến xã Quan Lạn, (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh), tôi không khỏi thấy lạ về chuyện người dân đi đào "con rơi". Từ trước đến nay, tôi chỉ nghe thấy người ta nói đến con dơi bay lượn chập chờn vào lúc chập tối, nào có thấy ai nói "con rơi" sống ở dưới cát bao giờ.
Vậy là một buổi chiều, tôi theo chân đoàn người ra bãi đào và tận mắt nhìn thấy những "con rơi". Hóa ra "con rơi" là loài nhuyễn thể có hình dáng gần giống con rươi ở vùng đồng bằng, nhưng môi trường sống của 2 loài nhuyễn thể này khác nhau hoàn toàn. Con rươi thường sống ở những vùng nước lợ, các vùng tiếp giáp giữa nước lợ và nước ngọt, còn "con rơi" chỉ sống vùi dưới lớp cát mịn, giống như sá sùng. Tuy bờ biển Quảng Ninh kéo dài, nhưng "con rơi" lại chỉ tập trung nhiều ở Quan Lạn và Minh Châu của huyện Vân Đồn.
Thợ bắt sá sùng thường tranh thủ bắt luôn "con rơi".
Theo người dân nơi đây, họ gọi loài nhuyễn thể này là "con rơi", vì chúng có hình dáng gần giống con rươi ở vùng đồng bằng, còn thương lái Trung Quốc thu mua chúng lại gọi là con trùng đỏ.
Người đào "con rơi" thì nhiều, nhưng người hiểu rõ về "con rơi", ngay cả ở Quan Lạn cũng chẳng có ai. Có người bảo: "Người ta mua rơi để làm thức ăn cho tôm", nhưng người khác thì lại xua tay "Cho tôm ăn rồi mà phá sản à".
"Con rơi" có màu đỏ giống màu son môi của phụ nữ, nên lại có nhiều người lại bảo rằng "con rơi" được dùng để làm son phấn. Tuy nhiên cách giải thích này cũng không mang tính thuyết phục. Còn với những người đào "con rơi" thì chỉ biết: "Có người mua thì tôi vác xẻng đi đào về bán bán, vậy thôi".
Ông Nguyễn Văn Toàn, nguyên Chủ tịch Hội nông dân xã Quan Lạn (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) bảo rằng: "Người buôn hiện cũng để bán sang Trung Quốc, nhưng người bên kia biên giới mua để làm gì chẳng ai biết được".
"Con rơi" có hình dáng gần giống con rươi, vì thế mà thành tên gọi. Ảnh: Công Thành
Cũng theo ông Toàn, trước đây ở huyện Vân Đồn có 2 đơn vị sản xuất tôm giống ở xã Vạn Yên và xã Thắng Lợi cũng mua "con rơi" về cho tôm ăn, nhưng chỉ một thời gian sau, tôm chết hàng loạt. Nên cũng từ đó chẳng còn ai có ý định mua "con rơi" về làm thức ăn cho tôm nữa.
"Con rơi" khó bảo quản và không nuôi được
Trong môi trường tự nhiên, "con rơi" rất khó chết bởi chúng giống như kẻ chém đầu này, mọc đầu khác. "Con rơi" có thân dài đến hàng mét, do vậy người dân rất ít khi đào được "con rơi" nguyên vẹn. Khi chiếc xẻng đâm xuống lớp cát, chạm vào thân, "con rơi" rất dễ bị đứt. Phần thân còn ở dưới cát chỉ sau một thời gian ngắn sẽ lại tự mọc thêm đầu hoặc đuôi và duy trì cuộc sống, sinh trưởng.
Dù vậy, chúng lại rất khó bảo quản, rất dễ chết trong quá trình vận chuyển. Sau khi người đào thu được một phần thân của "con rơi", do không gặp môi trường thích hợp nên chúng rất dễ chết và nhanh chóng bị phân hủy vì thân rơi có nhiều đạm. Vào mùa đông, "con rơi" có thể bảo quản được trong vài ngày, tuy nhiên vào mùa hè, "con rơi" không thể bảo quản được qua đêm. Bởi vậy, hầu như không ai thua mua "con rơi" vào mùa hè, vì người mua cầm chắc lỗ.
Người đào "con rơi" thường phải là người có sức khỏe. Ảnh: Công Thành
Cũng theo ông Nguyễn Văn Toàn, trước đây đã có đoàn khách từ Đài Loan đến du lịch tại Quan Lạn, đồng thời cũng phối hợp tìm cách nuôi "con rơi". Những ông khách tiền bạc rủng rỉnh sẵn sàng chi tiền để tìm được giải pháp nuôi rơi có hiệu quả. Họ đào cả một đám đất có nhiều trứng rơi rồi mang đến vùng khác, hy vọng rằng con rơi sẽ đến sinh sống ở vùng đất mới. Kết quả số rơi được mang đến vùng đất mới đều chết hết, còn nơi đất được đào đi lại mọc nên nhưng tổ rơi mới.
Thậm chí, việc tìm cách làm sao để nuôi con rơi sống khoảng 1 tuần cũng thất bại. Sau thời gian du ngoạn ở đất Quan Lạn với nhiều chi phí tốn kém, các du khách Đài Loan chỉ rút ra được kết luận rằng: "Con rơi không nuôi được".
Cùng nhau đi đào "con rơi"
Do thị trường tiêu thụ rất hạn hẹp, chủ yếu bán sang bên kia biên giới, "con rơi" lại khó bảo quản, vậy nên rất ít thương lái thu mua. Trước dịch Covid-19, giá thu mua "con rơi" khoảng 400.000 đồng/kg khi mua ở Quan Lạn, ấy vậy mà nay cũng "con rơi" ấy chỉ bán được với giá 200.000 đồng/kg, số lượng người đào và người thu mua con rơi đều ít đi.
Buổi chiều, khi những bãi triều cạn nước, trên các nẻo đường Quan Lạn rất dễ gặp người đi đào "con rơi". Một người đào "con rơi" mát tay có thể đào được vài ba kilogram/ngày, người đào kém cũng kiếm được vài ba lạng, vì thế nghề đào "con rơi" một thời thu hút rất đông người.
Thỉnh thoảng cũng có những người nhiều tuổi tham gia đào "con rơi". Ảnh: Công Thành
Dụng cụ để đào "con rơi" không đắt tiền, chỉ cần cái một cái xẻng và một cái giỏ, thế là xong. Khi nước biển rút, tổ của những "con rơi" hiện trên mặt bãi biển, thế nhưng đào rơi cũng không phải dễ dàng. Thân "con rơi" dài, nên người đào cần phải người có sức khỏe để cắm xẻng xuống sâu dưới lớp cát rồi dùng sức bẩy lên. Người không có sức khỏe thường làm rơi đứt chỉ thu được những đoạn ngắn nên bán không được giá.
Trên bãi biển Quan Lạn có rất nhiều loài hải sản khác như sá sùng, nghêu, sò, tu hài... nên người làm nghề khai thác bãi triều không bắt con này thì bắt con khác. Dần dần nó giống như sự phân công công việc một cách tự nhiên, những người sức khỏe yếu thường không chọn nghề đào "con rơi".
Dư âm của dịch Covid-19 làm giảm số người thu mua và kéo theo giảm người đào con rơi. Tuy nhiên mọi người vẫn hy vọng mùa khai thác rơi tấp nập trở lại, nhưng có người lại thở phào: "Thôi thì cũng là dịp để "con rơi" sinh sản, phát triển. Quan Lạn thiếu gì việc làm mà chỉ trông vào mỗi con rơi".