Giới văn nghệ sĩ tự hào sáng tạo và cống hiến

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2022 đã khép lại với những hạnh phúc, tự hào. Nhưng cũng mở ra kỳ vọng về sự nối tiếp sẽ xuất hiện ngày càng nhiều những tên tuổi, tài năng, tác phẩm có giá trị, có sức sống bền lâu trong đời sống văn hóa nghệ thuật của đất nước.
Giới văn nghệ sĩ tự hào sáng tạo và cống hiến
Con gái út nhạc sĩ Văn Ký thay cha nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh (Ảnh: Nam Nguyễn)

Giải thưởng cao quý nhất về văn học, nghệ thuật

Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật là 2 giải thưởng cao quý nhất được Nhà nước ghi nhận, tôn vinh, trao tặng các văn nghệ sĩ, tác giả, đồng tác giả của các tác phẩm, công trình đặc biệt xuất sắc và có giá trị cao về văn học, nghệ thuật; có tác dụng lớn và lâu dài trong nhân dân; góp phần quan trọng và thiết thực phát triển văn học, nghệ thuật nước nhà; phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm nay, giải thưởng tôn vinh 128 tác giả, đồng tác giả đã có nhiều cống hiến cho văn học nghệ thuật nước nhà. Trong đó, 16 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh; 112 tác giả, đồng tác giả được trao tặng, truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật.

Tại buổi lễ có thân nhân các cố tác giả đã không kịp chờ đến ngày hôm nay để có mặt trong ngày vui, một ngày mang nhiều dấu ấn đối với sự nghiệp sáng tác văn học nghệ thuật. Chị Vũ Thị Hương - con gái út của cố nhạc sĩ Văn Ký đã đại diện gia đình đến nhận giải thưởng cho cha mình. Nhạc sĩ Văn Ký được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh với cụm tác phẩm: “Giao hưởng thơ ru con”, ca khúc “Tiến lên thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh” và “Hà Nội mùa xuân”. Với niềm xúc động, chị Vũ Thu Hương đã phải cố kìm để không bật khóc. Những ngày qua, gia đình chị đã sống trong niềm vui, hạnh phúc, tự hào và đan xen là sự nghẹn ngào, tiếc nuối. Giải thưởng Hồ Chí Minh là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những đóng góp của cha chị với âm nhạc nước nhà. Chỉ tiếc một điều là ông không còn sống để tận tay nhận giải thưởng này.

Còn với nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - tác giả của ca khúc nổi tiếng “Tổ quốc gọi tên mình”, người vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật chia sẻ, đối với một nhạc sĩ, khi viết ra ca khúc thì không ai nghĩ đến một ngày nào đó sẽ được nhận giải. Thế nên, khi biết mình được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật, ông rất hạnh phúc vì những tâm huyết của mình đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Đây cũng là dấu ấn lớn trong cuộc đời nhạc sĩ, đồng thời là động lực để ông tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng, cho quê hương, Tổ quốc mình.

Con gái út nhạc sĩ Văn Ký thay cha nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh (Ảnh: Nam Nguyễn)

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn chia sẻ thêm, khi ca khúc ra đời được công chúng tiếp nhận và lan tỏa từ đất liền đến hải đảo, từ vùng núi đến kiều bào ở nước ngoài, đã mang lại niềm hạnh phúc lớn lao với người sáng tác. Bản thân nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn được đào tạo về sáng tác, nhưng chất liệu để phổ nhạc cho ca khúc này lại chính là từ truyền thống cách mạng của gia đình khi cha mẹ ông từng tham gia 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Với “Tổ quốc gọi tên mình”, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn muốn gửi gắm thông điệp đến các bạn trẻ hôm nay và mai sau: “Xương máu của cha ông ta đã đổ xuống để gìn giữ từng tấc đất quốc gia. Hàng triệu triệu liệt sĩ đã nằm xuống vì nền độc lập của dân tộc. Vì thế, trước vận mệnh của Tổ quốc, tất cả chúng ta, mỗi người ở mỗi vị trí phải luôn luôn sẵn sàng”.

Dấn thân, sáng tạo, đóng góp cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam

Trong dịp trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật đợt này, 2 anh em ruột là NSND Nguyễn Thước và nhà văn Nguyễn Văn Thọ đều được nhận Giải thưởng Nhà nước. NSND Nguyễn Thước được trao tặng với cụm tác phẩm phim tài liệu “Không chỉ là thương hiệu”, “Đất lạnh”, “Cỏ xanh im lặng”. Ông chia sẻ: “Đây là một giải thưởng cao quý với những người làm văn học nghệ thuật nói chung cũng như lĩnh vực điện ảnh nói riêng, là vinh dự, dấu mốc khẳng định của sự nghiệp làm nghề”. Còn nhà văn Nguyễn Văn Thọ được trao giải thưởng với tiểu thuyết “Quyên”. Ông xúc động nói: “Được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật, tôi vô cùng vui mừng, xúc động. Với gia đình tôi, niềm vui đã nhân đôi khi cả 2 anh em tôi cùng có vinh dự này. Đảng, Nhà nước đã ghi nhận những đóng góp của văn nghệ sĩ chúng tôi, đó chính là động lực tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi và các văn nghệ sĩ tiếp tục cống hiến, có những sáng tác giá trị cho văn học nghệ thuật nước nhà”.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á cho biết, anh cảm thấy rất vinh dự khi được nhận Giải thưởng Nhà nước đợt này với tác phẩm sách ảnh “Họ đã sống như thế”. Đây là niềm tự hào rất lớn đối với một nhiếp ảnh gia và cũng là trọng trách để anh càng phải cố gắng nhiều hơn nữa. Sách ảnh “Họ đã sống như thế” là cuốn đầu tiên của Nguyễn Á, ra mắt cách đây hơn 10 năm ghi lại 100 thân phận khắc nghiệt cùng nghị lực sống tuyệt vời của những con người sinh ra đã không may mắn. Bằng việc tìm kiếm những nhân vật xuất sắc một cách công phu và cẩn trọng trong vòng 2 năm, anh đã ghi lại được 100 mảnh đời, 100 tấm gương lao động... Mỗi khoảnh khắc trong ảnh là một bài học về lý tưởng sống giàu sức thuyết phục và thấm đẫm giá trị nhân văn.

Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật khép lại với nhiều dư âm tốt đẹp, để lại trong lòng các tác giả dư vị của hạnh phúc qua sự tôn vinh, trân trọng. Buổi lễ càng trở nên ý nghĩa hơn khi còn là sự tiếp sức cho sáng tạo. Như lời Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi lễ: “Hơn lúc nào hết, Tổ quốc và nhân dân đang rất cần sự dấn thân, lòng dũng cảm của văn nghệ sĩ. Bằng tâm thế sáng tạo, trách nhiệm và tâm huyết với sự nghiệp chung, trước những biến động của thời đại, các văn nghệ sĩ cần có bản lĩnh vững vàng, sự tỉnh táo để vượt qua thách thức bên ngoài, vượt lên chính mình, phản ánh đa dạng đời sống xã hội, khẳng định những dòng chảy chủ lưu, tích cực. Đồng thời khám phá chiều sâu thế giới nội tâm của con người, giải mã các tầng nấc phong phú của cảm xúc, giải quyết xung đột về nhận thức của cuộc đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu, cái cao thượng và thấp hèn, giữa phụng sự nhân dân bằng tình yêu, trách nhiệm và những toan tính lợi ích cá nhân vị kỷ”.

PGS.TS. NSND Ứng Duy Thịnh - Giải thưởng Hồ Chí Minh: Tiếp tục cống hiến và đặt niềm tin vào thế hệ kế cận

“Được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật là khoảng khắc đem lại cảm xúc mạnh mẽ nhất, vinh dự nhất, sung sướng nhất của đời người trong những năm tháng lao động sáng tạo. Giải thưởng đó được đặt trên nền tảng tình yêu của con người, của cá nhân tôi với cuộc đời, với gia đình, đồng chí, đồng đội, đặc biệt là hiện thực của các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Do đó, tất cả các tác phẩm của tôi đều có hình tượng người lính, không chỉ là hành động của người lính trong cuộc chiến tranh mà còn là thế giới nội tâm sâu sắc của người lính, đó là nền tảng, là cơ sở để chúng ta làm nên chiến thắng, đồng thời nó cũng là cơ sở để chúng ta tạo nên những vẻ đẹp của các tác phẩm nghệ thuật. Có lẽ không có vẻ đẹp nào bằng vẻ đẹp chân thật, từ chân thật đó mới cách điệu hóa được nghệ thuật, mang đến giá trị đích thực cho cuộc sống, cho con người. Trong khoảng khắc này, tôi nghĩ rằng mình vẫn sẽ tiếp tục sáng tác khi còn có thể. Và tôi hoàn toàn đặt niềm tin với thế hệ tiếp nối chúng tôi, đó là quy luật tất yếu, luôn luôn phát triển tìm ra cái mới. Thế hệ tác giả hôm nay có đầy đủ hành trang để bước tiếp với nhận thức, trình độ, tấm lòng từ hiện thực hôm nay. Tuy rằng hiện thực hôm nay có những phút thăng trầm nhưng những cái thăng trầm đó đều trở thành động lực tích cực cho sáng tạo nghệ thuật”.

Nhà biên kịch Phạm Văn Quý - Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật: Đây là niềm vinh dự lớn lao khó diễn tả bằng lời

“Có lẽ tôi là người may mắn vì còn sống đến ngày hôm nay để nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Các bạn của tôi nhiều người đã không có được may mắn ấy, điều đó thật đáng tiếc. Với một người cao tuổi như tôi (ngoài 80 tuổi), nghề viết kịch bản sân khấu ban đầu chỉ là nghề tay trái, sau đó đã chuyển thành tay phải lúc nào không hay (cười). Sự nghiệp sáng tác của tôi được biết tới là các kịch bản lịch sử về Thăng Long - Hà Nội và đã được các nhà hát đưa vào dàn dựng như vở “Trọn đời trung hiếu với Thăng Long”, “Tình sử Thăng Long”, “Kỳ tích Thăng Long”, “Thái tổ Lý Công Uẩn”, “Đám cưới người anh hùng”…

Có người hỏi tôi vì sao lại chọn đề tài khó như vậy? Tôi chỉ có thể trả lời rằng, tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Hà Nội là nơi chôn rau cắt rốn của tôi, kỷ niệm về Hà Nội rất thân quen. Tôi yêu Hà Nội và thấu hiểu Hà Nội. Nhưng khi viết kịch bản lịch sử về Hà Nội lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Tôi nghĩ có mấy yếu tố quyết định thành công của một kịch bản lịch sử: Phải có kiến thức dày dặn về lịch sử và thực sự yêu mảnh đất, con người mà mình định tái hiện. Phải biết cách viết đề tài lịch sử, tuyên dương lịch sử với tinh thần trọng thị, hiếu nghĩa với tổ tiên, dân tộc.

Kịch bản lịch sử là một đề tài khó, bởi vậy một số người viết về Thăng Long - Hà Nội nhưng không nắm được cách sáng tác lịch sử nên khó dựng được ở sân khấu chuyên nghiệp. Tôi rất vui và hạnh phúc sau quãng thời gian dài viết kịch bản lịch sử về Hà Nội, những đứa con tinh thần đã được khán giả đón nhận và được Đảng, Nhà nước được ghi nhận bằng các giải thưởng cao quý như Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2022; Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì Tình yêu Hà Nội năm 2009; các Huy chương Vàng, Huy chương Bạc cho vở diễn tại các hội diễn… Đây là niềm vinh dự lớn lao và khó diễn tả hết bằng lời”.

Bà Lê Anh Thúy - vợ cố nhạc sĩ Hồng Đăng: Nhạc sĩ Hồng Đăng lao động nghệ thuật vô cùng nghiêm túc

Nhạc sĩ Hồng Đăng và vợ - bà Lê Anh Thúy

“Giải thưởng Hồ Chí Minh là sự ghi nhận cao nhất những đóng góp của người nghệ sĩ với văn học nghệ thuật nên gia đình tôi rất vui mừng. Nhưng thật ra, với nhạc sĩ Hồng Đăng, ông ấy là người lao động nghệ thuật thực sự. Với ông ấy, công việc của người nghệ sĩ là tạo ra những tác phẩm có dấu ấn một cách rõ ràng và giải thưởng không phải là mục đích cuối cùng của người sáng tác. Rất tiếc, ông đã không được tự tay đón nhận giải thưởng này. Khi chồng tôi mất, tôi đã dọn dẹp lại căn phòng làm việc chỉ có 16m2 thôi, nhưng tài liệu thì chất kín. Tôi đã thấy rất nhiều giáo trình, tác phẩm… được ông viết từ hồi trẻ. Đọc mới thấy thế hệ ông khát vọng cống hiến lớn lao thế nào.

Nhạc sĩ Hồng Đăng lao động nghệ thuật vô cùng nghiêm túc. Chính tôi cũng không biết được ông ấy đã sống và làm việc nhọc nhằn như vậy. Trong tất cả những “biến cố” của đời mình, ông ấy luôn tìm ra một lối thoát và dành thời gian để mở rộng, củng cố thêm kiến thức âm nhạc. Và có lẽ nếu không có những biến cố đó thì không có cả chục cuốn sách giáo khoa âm nhạc giá trị. Mỗi “nốt trầm” lại là một bước ngoặt để nhạc sĩ Hồng Đăng tìm ra cho mình một con đường. Thay mặt chồng lên nhận giải thưởng, tôi thực sự cảm động vì những cống hiến bền bỉ đó đã được ghi nhận. Cuộc đời của nhạc sĩ Hồng Đăng không chỉ dừng lại với những ca khúc được nhiều thế hệ yêu thích mà còn có cả một gia tài là các công trình nghiên cứu, lý luận, sách giáo khoa và cả các tác phẩm khí nhạc. Như hợp xướng “Lửa rực cháy” có 5 chương ông viết từ cách đây rất lâu. Dàn nhạc của Đài tiếng nói Việt Nam mới chỉ dựng và công bố được 3 chương, còn 2 chương nữa chưa dựng nốt được. Nghĩa là, vẫn còn nhiều tác phẩm của nhạc sĩ Hồng Đăng mà công chúng chưa được biết. Trong thời gian tới, gia đình chúng tôi tiếp tục tìm thêm tài liệu của ông và nếu có điều kiện sẽ phổ biến đến với khán giả yêu nhạc”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật