Đó chính là Rừng cây cong vẹo, tên tiếng Anh “Crooked Forest”, bên ngoài làng Nowe Czarnowo, tỉnh Tây Pomerania, Ba Lan.
Điểm đặc biệt của cây thông trong khu rừng này là phần thân dưới đều uốn cong một góc khoảng 90 độ về hướng Bắc. Tuy nhiên, chỉ 400 gốc cây thông thuộc khoảnh nhỏ trong rừng thông lớn là có hình dáng bí ẩn như vậy.
Rừng thông uốn cong được hình thành từ những năm 1930. Sự phát triển kỳ lạ của chúng khiến rất nhiều du khách tò mò. Nhiều người tìm tới tận nơi để chiêm ngưỡng những thân cây độc đáo.
Đến nay, người địa phương vẫn truyền tai nhau về những câu chuyện lý giải vì sao rừng thông lại trở thành như vậy.
Những gốc cây thông này đều bị bẻ cong 90 độ.
Một số ý kiến cho rằng, những thân cây vặn xoắn này do sự thay đổi của trọng lực Trái đất hoặc do những trận bão tuyết gây ra. Tuyết lớn đã chôn vùi những cây thông khi chúng đang phát triển, làm chúng có hình dáng như vậy.
Theo cách giải thích khác thì khi những cây thông này còn là cây non, chúng bị xe tăng của quân đội trong thời Thế chiến đè lên khiến phần gốc trở nên vẹo vọ bất thường.
Đến nay giải thích được cho là thuyết phục nhất là những cây thông này bị biến dạng là do sự can thiệp của con người. Một nhóm nông dân nắn các cây sau khi trồng chúng khoảng 7-10 năm kể từ năm 1930. Họ làm như vậy là để có thể sản xuất các món đồ nội thất độc đáo từ gốc cây cong vẹo.
Tuy nhiên, trước khi cánh rừng được thu hoạch, chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra và người ta lãng quên sự tồn tại của nó.
Dựa theo dáng uốn thân cây rất đẹp, nhiều người nói cây thông được tạo thế để dùng trong sản xuất tàu thuyền và đồ gỗ. Cho tới ngày nay, phương thức cũng như mục đích tạo thế cong cho rừng thông vẫn là một câu hỏi không thể giải đáp.
Dù vậy, bất kể lý do khiến rừng thông uốn cong là gì nó vẫn là một trong những điểm đến tuyệt đẹp của đất nước Ba Lan. Hiện điểm đến này không chỉ thu hút khách du lịch mà còn là phim trường cho nhiều bộ phim.
Một số hình ảnh về rừng thông bí ẩn:
Nhiều người cho rằng thông bị bẻ cong là do sự thay đổi của trọng lực Trái đất. (Ảnh: WP)
Có người lại nói do bão tuyết gây ra. (Ảnh: WP)
Lại có ý kiến nhận định cây cong do xe tăng chèn qua. (Ảnh: WP)
Giả thuyết được nhiều người hưởng ứng là người dân cố tình bẻ cong gốc cây. (Ảnh: WP)
Nhiều du khách tới đây để chụp ảnh. (Ảnh: WP)
Rừng cây bẻ cong đã trở thành địa điểm thăm quan nổi tiếng. (Ảnh: WP)