Trong một lần trò chuyện với chúng tôi ở thung lũng Quy Hòa (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), GS Nguyễn Minh Thọ (70 tuổi, Đại học Nghiên cứu KU Leuven, Vương quốc Bỉ) tâm sự, trước lúc nghỉ hưu, ông từng nhận được nhiều thư từ, email mời qua Trung Quốc làm việc, nghiên cứu với mức lương khoảng 150.000 - 200.000USD/năm. Tuy nhiên, ông không thể nhận vì còn mang một món nợ sâu nặng với quê nhà. “Món nợ” đó luôn thôi thúc ông miệt mài dặm dài từ Nam chí Bắc để đưa đò, thắp lửa cho những mầm non khoa học của đất nước.
“Trả nợ” bằng tri thức
GS Nguyễn Minh Thọ quê ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Năm 17 tuổi (1971), ông nhận được học bổng quốc gia đi du học ở Bỉ. Quá trình học tập, nghiên cứu ở Bỉ, chàng sinh viên Nguyễn Minh Thọ từng bước nỗ lực phát triển bản thân với tinh thần, nghị lực vượt khó không ngừng nghỉ. Năm 1987, ông được công nhận giáo sư tại Bỉ. Đến năm 1989, ông được bổ nhiệm làm giáo sư tại Đại học Nghiên cứu KU Leuven (gọi tắt là KUL), trong phòng thí nghiệm khoa học phân tử, vật liệu tính toán…
Trong thời gian công tác, nghiên cứu ở Bỉ, tâm trí ông luôn đau đáu với quê nhà. “Tôi luôn cảm thấy mình đang mắc nợ quê hương, mắc nợ những người anh, người bạn của tôi. Năm 17 tuổi, khi nhận học bổng qua Bỉ học tập lúc chiến tranh còn ác liệt, khi ấy, anh em và bạn bè tôi rất giỏi, giỏi hơn tôi rất nhiều, nhưng họ đã gác lại việc học để góp sức cho cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc. Nhiều người sau đó đã hy sinh. Điều đó luôn thôi thúc tôi phải học cho đến nơi đến chốn, để trở về nước giúp đỡ quê hương và những người trẻ đam mê khoa học. Tôi chọn tri thức để mang về trả món nợ với quê hương, bởi tôi chẳng lấy được gì ở châu Âu ngoài tri thức, kiến thức khoa học”.
GS Nguyễn Minh Thọ kể thêm: “Từ năm 1995, tôi về quê hương để thực hiện những ước mơ mình đã ấp ủ, tìm kiếm người trẻ tâm huyết để gửi qua đào tạo ở Bỉ và các nước châu Âu. Ngày đầu rất khó khăn, vì cả nước gần như không ai biết internet là gì, không có máy tính chúng tôi rất khó làm việc. Lúc ấy, mẹ tôi hay càm ràm, đại ý là: “Vì sao con làm ở khắp nơi trên thế giới, nghiên cứu gì đó cao siêu mà về quê lại không giúp được gì hết?”. Tôi chỉ biết cười trừ: “Do trong nước không có máy tính cao cấp nên con chưa làm được”…
Người thầy tận tụy
GS Nguyễn Minh Thọ đã xin KUL đưa dự án đào tạo ngành hóa học tính toán (khoa học máy tính và hóa học; lấy phương pháp toán học đưa vào máy tính cao cấp để giải quyết các vấn đề hóa học) về Trường Đại học Bách khoa TPHCM. Đến năm 1997, ông bắt đầu hành trình tìm học trò, nhân lực cho ngành hóa học tính toán trong nước. Trong năm đó, ông đưa qua KUL 4 học trò tâm đắc, cung cấp học bổng, chi phí hàng tháng để các em yên tâm lấy bằng tiến sĩ tại Bỉ. Từ đó, mỗi năm GS Nguyễn Minh Thọ đều tìm kiếm 4 học trò gửi sang Bỉ học tiến sĩ. Năm 2002, ông trở về Huế và mở lớp hóa học nhằm tạo đầu mối mở rộng tìm kiếm học trò ở miền Trung. “Trong lứa học trò của tôi, ấn tượng nhất có em Phạm Cẩm Nam (hiện là PGS-TS tại Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng). Ngày đầu cũng chưa biết gì về hóa học tính toán, nhưng Cẩm Nam rất có nghị lực, có quyết tâm và đam mê lĩnh vực này, nên 6 năm sau khi qua KUL, em đã nhận bằng tiến sĩ và trở về nước. Hiện, Phạm Cẩm Nam đang xây dựng đội ngũ kế cận cho ngành tại TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, nhiều học trò của tôi không về nước mà chọn ở lại châu Âu. Số trong nước hiện có khoảng 80 em, nhiều em đã là phó giáo sư, tiến sĩ chính ở các trường đại học”, GS Nguyễn Minh Thọ cho biết.
Những năm qua, GS Nguyễn Minh Thọ đã mở rộng sự hợp tác, tìm được nhiều gói học bổng trị giá 20-30 triệu đồng/tháng/học viên lấy bằng tiến sĩ (khoảng 6 năm). Tuy nhiên, ông trăn trở: “Số học trò tôi gửi qua châu Âu để học tiến sĩ, 10 em thì chỉ có 3 em trở về nước. Hiện, Mỹ, Trung Quốc và các nước châu Âu đang chạy đua cạnh tranh thu hút nhân tài rất gay gắt. Nhiều chính sách lớn được các nước đưa ra, thậm chí ưu đãi về thu nhập, cấp thẻ xanh cư trú dài hạn... Ngược lại, Việt Nam chưa có cơ chế tốt để đào tạo, giữ chân nhân tài dẫn đến chất xám bị chảy máu ngày càng trầm trọng”.
Với chính sách thu hút 1.000 nhân tài, Trung Quốc đang hút nhân tài mạnh mẽ từ nhiều nước. Ngay chính GS Nguyễn Minh Thọ cũng nhận được nhiều thư mời, email qua Trung Quốc làm việc và cung cấp đủ học trò, máy tính cao cấp, nơi làm việc cùng với mức lương ban đầu 150.000-200.000USD/năm. Tuy nhiên, ông khước từ và chấp nhận về Việt Nam, tự bỏ tiền túi, công sức tìm kiếm học trò, gặp gỡ với các trường đại học và đưa học bổng đến tận nơi.
Hiện GS Nguyễn Minh Thọ vừa làm việc tại Mỹ, vừa cố vấn cho các trường đại học trong nước như Trường Đại học Văn Lang (TPHCM), Trường Đại học Quy Nhơn, phụ trách Khoa phân tử và vật liệu Nano ở viện Khoa học - Công nghệ tính toán TPHCM. Ông đang phối hợp với Trường Đại học Quy Nhơn xây dựng chương trình học bổng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ đạt chuẩn châu Âu cùng sự hợp tác, tài trợ của nhiều đại học ở Bỉ...
“Học trò của tôi hay đùa, thầy Thọ làm nhiều chuyện buồn cười lắm! Mang học bổng về rồi lặn lội từ Nam ra Bắc để tìm người theo học và tìm trường nhờ gửi gắm. Thực tình, nếu tôi không yêu quê hương mình, không khát khao phát triển nền khoa học cơ bản, giữ chân nhân tài cho đất nước với mong muốn trả món nợ với quê hương thì tôi không về, không làm mấy chuyện như thế làm gì”, GS Nguyễn Minh Thọ nói. Ông quyết định tìm học trò và đào tạo tại chỗ, ngay ở trong nước. Chỉ khi giữ chân được các nhà khoa học trẻ thì tương lai ngành hóa học tính toán ở Việt Nam mới có nền tảng tốt, nhân lực đủ mạnh để phát triển.
Tại Hội nghị Hóa học lý thuyết và tính toán (APATCC) lần thứ 9 diễn ra ở Australia, GS Nguyễn Minh Thọ đã thuyết phục được Ban tổ chức đưa Hội nghị APATCC lần thứ 10 về Việt Nam. Hội nghị dự kiến được tổ chức năm 2021, nhưng do ảnh hưởng của Covid-19 nên đến tháng 2-2022 mới được tổ chức. Để kêu gọi và tổ chức hội nghị, ông cùng 2 học trò ở Việt Nam đã mất hơn 10 tháng trời ròng rã, mỗi ngày làm việc đến 10 giờ trao đổi với hơn 1.000 nhà khoa học quốc tế để mời, thông báo về hội nghị. Nhờ công sức của thầy trò, APATCC lần thứ 10 đã quy tụ được 370 nhà khoa học quốc tế (trong đó 310 nhà khoa học châu Á; 60 nhà khoa học đầu ngành ở châu Âu, Mỹ). Đặc biệt, hội nghị có 80 nhà nghiên cứu ở Việt Nam (phần lớn là học trò của ông). Hội nghị chia 8 nhóm vấn đề nghiên cứu, bàn thảo, trong đó 60 bài về hóa học, bàn về nhiều vấn đề như khoa học lượng tử, trí tuệ nhân tạo, khoa học phân tử, mô phỏng y sinh, học máy, vật liệu mới, y học, sinh học, năng lượng tái tạo…
Là một học trò của GS Nguyễn Minh Thọ và vừa giành giải poster xuất sắc (bài thiết kế về hóa học tính toán) tại APATCC lần thứ 10, anh Trần Đình Lộc (thuộc Phòng Hóa tính toán, Hóa lý thuyết, Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM) chia sẻ: Hội nghị đã giúp những người nghiên cứu trẻ như chúng tôi được học hỏi, tiếp cận tri thức, ứng dụng mới nhất trong ngành. Qua đây, chúng tôi có nhiều hợp tác, trao đổi với đồng nghiệp thế giới, là cơ hội cọ xát, xem mình đang ở đâu. Tôi luôn kính trọng thầy Nguyễn Minh Thọ. Ngoài tài năng, thầy còn có tấm lòng, khát khao to lớn đưa nền khoa học đất nước sánh ngang với các nước phát triển trên thế giới.