55 năm người con gái hậu phương lưu giữ kỷ vật người yêu cũ
Những ngày tháng 9 năm 1967, ông Tiến về phép một tuần, xin nhà gái là nhà bà Liên cho cưới nhưng không được chấp thuận. Ông lại về đơn vị tiếp tục phục vụ Tổ quốc.
Bà Liên có dáng người gọn, thanh lịch, nước da trắng, giọng nói nhẹ nhàng, thanh thoát, đúng chất tiểu thư khuê các một thời.
Tháng 1/1968, bà Liên đạp xe đến đơn vị gặp người yêu, nói về kế hoạch tổ chức đám cưới theo “đời sống mới”. Chờ suốt 3 ngày nhưng 2 người chỉ gặp nhau vỏn vẹn chưa nổi một ngày vì ông Tiến bận diễn tập đánh trận.
Lúc đó, ông Tiến dặn: “Đến hết tháng 3/1968, nếu không đi B. (vào chiến trường miền Nam chiến đấu), anh về sẽ tính sau. Nếu gia đình em đồng ý, chúng mình sẽ cưới!”.
Về nhà, bà Liên gói ghém những tâm tư, tình cảm cất giữ trong lòng. Bà cũng chuẩn bị cho ngày trọng đại của mình dù chưa có gì chắc chắn.
Không đầy đủ như thời hiện đại, bà thêu chiếc gối cưới, chuẩn bị mảnh chăn màn, bánh kẹo... thế là đủ.
Những ngày giữa tháng 3/1968, đơn vị của ông Tiến nhận lệnh đi B. Khi ấy, chiến trường ác liệt, địch điên cuồng phản kích sau cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân.
Những người lính hiểu rằng, vào chiến trường miền Nam khi ấy lành ít dữ nhiều nhưng họ vẫn đi, vì Tổ quốc.
Sau cùng, ông Tiến mãi mãi không về.
Những kỷ vật ông Tiến tặng bà Liên trước lúc vào chiến trường miền Nam.
55 năm sau, những ngày cuối tháng 4, giáp dịp lễ 30/4 – 1/5, cả nước đang hòa mình vào không khí hân hoan chào đón ngày lễ lớn của Tổ quốc.
Trong tiết trời mát mẻ, chúng tôi gặp bà Vũ Thị Lui (thường gọi là Lưu Liên, 77 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội), người nâng niu những kỷ vật của người lính hy sinh trong chiến tranh hơn nửa thế kỷ trước.
Bà Liên có dáng người gọn, thanh lịch, nước da trắng, giọng nói nhẹ nhàng, thanh thoát, đúng chất tiểu thư khuê các một thời.
chuyện tình son sắt nơi hậu phương – tiền tuyến
Sinh ra trong một gia đình khá giả tại thị xã Hà Đông (tỉnh Hà Tây cũ), bà Liên khi ấy là một tiểu thư khuê các, xinh đẹp, hát hay, múa giỏi.
Liệt sĩ Trần Minh Tiến (Sinh năm 1945), cùng quê nhưng gia cảnh nghèo khó, xuất thân cơ hàn. Hai người dù chỉ cách nhau nửa cây số nhưng có sự so sánh rõ rệt giữa nông thôn và thị xã khi ấy.
Thời ấy, người ta vẫn tư tưởng nặng nề phân biệt về nông thôn và thị xã, nhóm trẻ cũng ít chơi với nhau vượt qua ranh giới đó.
Ông Tiến học trường làng, bà Liên học trên tỉnh. Mỗi ngày đi học về, hai người gặp nhau giữa đường. Dù không quen nhưng ông Tiến khi ấy thường trêu bà Liên. “Lúc đấy tôi ghét lắm, ghét cay ghét đắng vì bị trêu mà không làm gì được”, bà Liên nhớ lại.
Cũng chính từ cái sự “ghét” đó, nào ai ngờ được có một ngày, hai người lại bén duyên yêu nhau.
“Cô bé yếu ớt, bé nhỏ”, bà Liên hồn nhiên ngày ấy tức vì bị trêu như thế.
Bà Liên trước đây là một tiểu thư khuê các, con nhà khá giả.
Gia đình bà Liên sau này chuyển về nông thôn, tình cờ hai người học chung một lớp ở Trường cấp 2, nay là Trường THCS Lê Hồng Phong, (phường Hà Cầu, quận Hà Đông).
“Khác tuổi nhưng vẫn học chung lớp, ngày trước không có phân biệt tuổi tác như bây giờ. Có những cô sinh con lớn tuổi rồi vẫn đi học, đều học chung lớp hết”, bà Liên chia sẻ.
Trong mắt bà Liên, Minh Tiến ngày ấy là một anh chàng có chiếc răng khểnh, nươc da ngăm đen cháy nắng nhưng duyên, tính tình sôi nổi, hay tham gia các hoạt động thể thao.
Dù bà không biết đá bóng, cũng không xem mấy cậu con trai hay xô đẩy nhau ngã lộn nhào ngoài sân cỏ nhưng bà cũng biết Minh Tiến đá bóng giỏi: “Người ta kể thế, ông ấy đá giỏi hơn cả cầu thủ ngày ấy”.
Bà Liên khi ấy cũng đâu kém cạnh, xinh xắn, trắng trẻo lại con nhà bề thế, các “vệ tinh” vây quanh cũng không ít.
Sau những chuỗi ngày bị trêu, dần dần bà Liên và ông Tiến lại chơi với nhau. “Mày – tao”, đó là cách họ xưng hô khi ấy. Mãi sau này, bà Liên mới biết, ông Tiến ấn tượng với bà từ hồi còn trêu bà, rồi đến khi xem bà múa hát, ông đã có cảm tình.
Hoàn cảnh gia đình hai bên quá chênh lệch, ông Tiến chỉ dám mến và chơi với nhau ở mức tình bạn với bà Liên chứ không dám tiến xa hơn.
Cuộc sống cứ trôi qua êm đềm, đến năm 1963, khi ấy Minh Tiến 18 tuổi, cậu thanh niên lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
3 tháng huấn luyện tân binh kết thúc, ông được tuyển vào Trung đoàn 102, Sư đoàn 308, đóng quân ở Diễn. Bà Liên khi ấy cũng đã là một thiếu nữ, làm kế toán tại Xí nghiệp Ươm tơ Hoài Đức.
Trung thu năm ấy, ông Tiến tỏ tình với bà Liên. Yêu nhau suốt 2 năm nhưng họ giữ bí mật vì khoảng cách giữa 2 gia đình quá xa nhau, khó bề được chấp nhận.
Về phần mình, bà Liên luôn trung thực, cũng không che giấu. Có ai theo đuổi, bà đều kể lại với ông Tiến, để người yêu đang đóng quân yên tâm phục vụ Tổ quốc.
Mối tình trong sáng, thuần khiết, thơ dại. Ngày về nghỉ phép, ông Tiến gặp người yêu nhưng không dám nắm tay.
Những tấm hình của người lính ngày ấy vẫn được bà cất giữ vô cùng cẩn thận.
"Mối tình của anh đến với em quả là thơ dại. Nó chỉ có những lời lẽ, những chiếc hôn cháy bỏng... trong thư. Thực ra lúc sắp gặp em, anh cũng tự nhủ phải mạnh bạo lên. Nhưng cứ đứng trước em, anh hầu như quên hết. Kể từ khi biết yêu, mọi sự mạnh bạo của mình nó cũng đi đâu.
Những đêm trăng ngồi gác, những trưa hè không ngủ, anh đều thốt ra những lời nói yêu thương tha thiết và tưởng như em đang ngồi bên anh để nhận những lời nói đó.
Mùa hè này, em đã làm cho anh thương, nhớ, giận, hờn. Dù nay mai cuộc sống đời lính của anh có thay đổi như thế nào chăng nữa, thì anh cũng không quên được hình bóng em", những lời từ sâu thẳm trong lòng, ông Tiến viết trong thư gửi người yêu.
“Ai cũng sợ chảy máu, thì ai dám đưa tay bịt chặt máu mà kẻ thù gây ra”
Bà Liên vẫn đạp xe lên đơn vị thăm người yêu, dù vất vả nhưng bà vẫn không quản ngại khó khăn. Dù vậy, những lần được đạp xe đi thăm không nhiều.
Những lá thư được cất giữ vô cùng cẩn thận.
Kể từ khi nhận lời yêu đến sau cùng là 5 năm, 2 người gặp nhau không quá 20 lần. Những nỗi nhớ nhung, tâm tư, tình cảm của 2 người cứ gói ghém trong những bức thư trao tay.
Sau này còn 109 bức thư, được bà Liên nâng niu giữ gìn.
Giữa tháng 3/1968, đơn vị của ông Tiến chính thức nhận lệnh đi B., thười điểm chiến trường khốc liệt.
"Ai cũng biết máu chảy là đau, anh cũng sợ chảy máu lắm! Nhưng nếu ai cũng sợ chảy máu, thì lấy ai dám đưa tay bịt chặt dòng máu mà kẻ thù đang gây ra cho đồng bào ta không chảy nữa?
Em hãy tin rằng khi anh đi thì ngày khải hoàn sẽ không còn xa nữa.
Lưu Liên yêu quý, anh biết ra đi sẽ làm cho em phải suy nghĩ nhiều. Nếu như anh không trở về nữa, thì em cũng đừng quá buồn nản. Hãy tự hào vì anh đã ngã xuống vì quê hương và Tổ Quốc.
Bà vẫn thường xem lại những kỷ vật, lá thư ngày ấy nhưng thường xem bằng bản đã in ra. Bản gốc thường ít bỏ ra xem vì sợ hư hại theo thời gian.
Em còn trẻ, hãy suy nghĩ và cân nhắc kỹ, trước khi cùng ai… thì anh vẫn mừng. Có thể, anh sẽ giữ em trong phần tâm hồn, còn người ta chỉ giữ em phần thể xác. Và khi đó, chúng mình sẽ được gặp nhau trong những giấc mơ đẹp nhất của mỗi đời người", ông Tiến viết bức thư gửi người vợ tương lai trước ngày lên đường.
Ngày ấy bà Liên đang hờn dỗi, đến 20/3/1968, trên đường đi B, đơn vị tập kết tại Sơn Tây, biết cơ quan bà Liên sơ tán tại Sơn Đồng (Hoài Đức), ông Tiến đã đi bộ gần 20km về tìm người yêu.
Sau khi gặp lại nhau trở về nhà, bữa cơm chia tay hôm đó có đĩa rau muống luộc và cà. 1h chiều, bà đưa ông về đơn vị. Cách đơn vị 2km, hai người yêu nhau ngồi bên bờ mương tâm sự.
Ông Tiến tặng bà Liên chiếc áo bộ đội, nhắn nhủ "em giữ lấy hơi người". Ông cũng tặng bà chiếc nhẫn có hình hai trái tim lồng vào nhau thay cho vật đính ước. Chiếc nhẫn này được ông làm bằng mảnh xác máy bay Mỹ.
Ông Tiến dặn: "Hãy chờ anh một năm thôi nhé!
"Nếu chiếc khăn trở về trước anh, thì em cứ đi lấy chồng", ông Tiến dặn bà Liên trước lúc đi chiến trường.
Và chiếc khăn thêu bông hồng tím chung thủy này (được bà Liên thêu tặng từ năm 1967), luôn luôn ở ngực trái của anh. Nếu chiếc khăn trở về trước anh, thì em cứ đi lấy chồng.
Nếu chiếc khăn không về, tính từ ngày hôm nay (20/3) khi anh gặp em, thì một năm sau, em đi lấy chồng. Em đừng chờ mà nhỡ thì con gái…".
Bà Liên đòi chờ nhưng ông nhất quyết không chịu và dặn dò kỹ như thế.
Suốt những ngày sau đó, ông Tiến thường gửi thư về cho bà Liên. Thư đi một chiều, bà Liên không thể hồi đáp, do không biết địa chỉ đóng quân của ông.
Đêm 31/5/1968, bà Liên mơ một giấc mơ kỳ lạ. Trong mơ, ông Tiến mặc quân phục, khuôn mặt chảy máu và hai người dìu ông đi ra một vùng lửa cháy…
“Anh ấy đã hy sinh rồi”, bà nói với người thân vào ngày hôm sau và khóc hết nước mắt. Mọi người khuyên rằng đó chỉ là giấc mơ nhưng bà cảm nhận được nỗi đau trong lòng và tin vào điều chẳng lành.
Mãi đến sau này, người ta mới biết, trên thực tế, ngày 27/5/1968, ông Tiến viết thư về, nhưng đề ngày viết là"chiều 31/5/1968", dự cảm cái chết cận kề.
Những ảnh chụp chân dung trước đó ông đều không cười, khuôn mặt nghiêm nghị, ông dặn bà Liên "Em giữ cho anh, để mai này anh không trở về, bố mẹ còn nhìn thấy anh".
Bức thư cuối ấy như một bản “di chúc” ông Tiến gửi đến người mình yêu.
"Linh cảm mách bảo anh rằng đêm nay anh sẽ không trở về và cuộc đời anh sớm hiến dâng cho Tổ Quốc. Anh không ân hận điều gì, sống và hành động theo lý tưởng của Đảng và Tổ Quốc giao cho.
Lưu Liên yêu dấu của anh! Như những lá thư trước, anh dặn dò em, bây giờ anh nhắc lại.
Đối với bố mẹ anh, em năng đi lại như khi anh còn ở ngoài Bắc. Bố mẹ anh nghèo nhưng tình cảm không nghèo, vả lại khi thấy em, bố mẹ anh cũng đỡ buồn và nhớ anh hơn.
Đối với Kim - em gái anh, em luôn động viên nó thay anh.
Đối với bố mẹ em, đừng giận các cụ nữa, thật ra không ai muốn con mình khổ cả. Em phải thật cảm thông cho bố mẹ, nghe anh, về thăm các cụ và thật lòng anh mong như vậy.
Anh tiếc và buồn chưa được một lần ngồi xuống uống nước giãi bày để các cụ cảm thông cho cuộc đời người lính chiến.
Trước khi ra trận, anh gửi lại đơn vị một số thứ, em hãy giữ lấy, trong chiếc balo có: Một giấy sinh hoạt Đảng, một quyển nhật ký, mấy lá thư của em hẹn anh về, mấy cái ảnh của anh và em, chiếc khăn thêu bông hồng tím thủy chung.
Anh giao tận tay người bạn, dặn dò: "Tất cả tiền tuyến và hậu phương ở trong đó, nếu tôi không trở về thì bằng mọi cách anh phải thông báo cho Lưu Liên biết. Anh cứ trao chiếc khăn này là Lưu Liên biết phải làm gì…".
Lưu Liên thân yêu! Anh yêu em vô cùng, càng vào nơi ác liệt càng nhớ thương em. Anh biết em cũng vậy, nhưng không vì thế mà anh rời bỏ đội ngũ chiến đấu.
5 năm yêu nhau, em đã cho anh bao vị ngọt của tình yêu. Anh thành thật cảm ơn và tôn trọng em. Anh không trở về, em sẽ hụt hẫng và đau khổ vô cùng. Nhưng em ơi, đừng buồn phiền quá mức, hãy lấy công việc, học tập làm niềm vui và cứ coi như anh đã đi xa, thời gian rồi sẽ xoa dịu mọi vết thương em ạ.
Em sống hạnh phúc là đời anh hạnh phúc.
Anh đi đây
Hôn em
Minh Tiến".
Đến ngày 19/1/1969, gia đình nhận được giấy báo tử của liệt sĩ Trần Minh Tiến. Người lính ấy đã ngã xuống trong một trận đánh ác liệt tại đồi làng Cát, Khe Sanh, (Quảng Trị).
“Hòa bình em sẽ đi kiếm tìm anh"
Ông Nguyễn Doãn Hùng, một sĩ quan trẻ, đã đến bên bà Liên vì đồng cảm và dành một tình yêu chân thành cho bà Liên.
Nhiều bạn bè nói: “Mày yêu bộ đội đã lỡ dở rồi, giờ lại yêu bộ đội, nhỡ có làm sao thì biết làm thế nào?”.
Suốt nhiều năm tháng tìm kiếm phần mộ, bà Liên cùng mọi người phải ngủ trong rừng là chuyện thường.
“Tao yêu bộ đội quen rồi, giờ cũng chỉ có bộ đội mới thấu hiểu và trân trọng được với những kỷ vật của liệt sĩ để lại. Với những người khác chỉ có một là mất kỷ vật, 2 là mất chồng còn kỷ vật”, bà Liên đáp.
Cuối năm 1969, họ tổ chức đám cưới, bà Liên cũng không giấu diếm điều gì về tình cảm dành cho liệt sĩ Trần Minh Tiến.
Bà hứa với chồng sẽ là một người vợ tốt nhưng khi ấy bà cũng nói thẳng rằng tình yêu sẽ cần thời gian. Bà cũng cần chồng tôn trọng những kỷ vật của liệt sĩ mà bà gìn giữ và lời hứa của bà với ông Tiến: “Nếu mai anh không trở về, hòa bình em sẽ đi kiếm anh".
Dành trọn tình cảm chân thành cho bà Liên, ông Hùng đều đồng ý và tôn trọng người vợ của mình.
Tháng 8/1971, miền Bắc hứng chịu trận lụt lớn, gia đình bà Liên trước đó đã sơ tán về Quốc Oai.
Lo chạy lụt, ông Hùng bỏ lại tư trang, quần áo, tài sản đắt tiền để mang bằng được chiếc vali đựng kỷ vật như thư, nhật ký, ảnh của liệt sĩ Trần Minh Tiến về cho vợ.
"Sao anh không mang đài và quạt, là tài sản đắt tiền hơn?", bà Liên hỏi.
Trong gian phòng thờ của nhà mình, vợ chồng ông Hùng và bà Liên vẫn trang trọng dành một bàn thờ nhỏ phía dưới bàn thờ gia tiên cho liệt sĩ Trần Minh Tiến.
Lúc này ông Hùng nhẹ nhàng nói: "Những thứ đó trôi mất thì còn sắm được, còn kỷ vật của liệt sĩ mà lỡ mất, thì em sẽ hận anh suốt đời".
Bà ôm chồng bật khóc, họ đã thật sự trở thành vợ chồng, thương yêu thấu hiểu nhau từ đó.
Suốt 8 năm, khoảng 50 chuyến đi từ Hà Nội vào Quảng Trị, đến ngày 7/5/2008, trong chuyến đi về sườn đồi Bằng phía Tây làng Cát, xã ĐaKrông, huyện ĐaKrông (Khe Sanh, Quảng Trị), bà Liên cùng mọi người đã tìm thấy ông Tiến nằm tại đây.
Trước đây bà không khóc, đến mãi khi tìm được ông Tiến, tìm thấy chiếc đèn ba pin Trung Quốc, món quà mà bà tặng cho ông vào năm 1966, mãi đến khi ấy bà đã khóc tuyệt vọng giữa rừng.
Ngày 8-9/5/2008, lễ truy điệu liệt sĩ Trần Minh Tiến được tổ chức long trọng tại huyện ĐaKrông (Quảng Trị) và an táng tại nghĩa trang Đường 9 để ông yên nghỉ cùng đồng đội.
Giờ đây, trong gian phòng thờ của nhà mình, vợ chồng ông Hùng và bà Liên vẫn trang trọng dành một bàn thờ nhỏ phía dưới bàn thờ gia tiên cho liệt sĩ Trần Minh Tiến.
Những kỷ vật vẫn luôn được bà Liên gìn giữ như “báu vật” bên mình.