Một bó rau chia thành mấy bữa của bệnh nhân chạy thận trong cơn "bão giá"
Chiều một ngày cuối tháng 4, chị Nguyễn Thị Oanh (34 tuổi, ở huyện Mê Linh, Hà Nội) ở ngõ 121 Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội ngắt bó rau muống chia nhỏ thành hai bữa mang ra rửa chuẩn bị bữa cơm tối.
Thời gian gần đây giá cả gì cũng tăng, với nhiều người có sức khoẻ hay có lương hưu còn đau đầu với bài toán chi tiêu thì với những người chạy thận như chị Oanh đang phải "gồng mình" chống chọi với cơn bão giá khi bản thân không đủ sức khoẻ để kiếm tiền. Những bệnh nhân tại đây là những người chịu tác động lớn nhất khi chi phí sinh hoạt tăng, mọi chi tiêu hàng ngày đều phải cắt giảm, ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống.
Một bó rau vợ chồng chị Nguyễn Thị Oanh ở xóm chạy thận ngõ 121 Lê Thanh Nghị, Hà Nội chia làm 2 bữa để tiết kiệm.
Chia sẻ với PV Báo , chị Oanh cho hay đã có thâm niên chạy thận 18 năm. Trên cánh tay chị nổi những cục lớn sau quá trình lọc máu chạy thận, ngoài ra lỗ chỗ những nốt ngứa do ảnh hưởng của bệnh tật.
"Với những người chạy thận như chúng tôi khá khó khăn, hầu như không kiếm ra tiền. Trước đây, tôi vẫn tranh thủ ngoài thời gian chạy thận thì bán thêm nước trong bệnh viện kiếm đồng ra vào trang trải cuộc sống. Vài năm nay sức khoẻ do chạy thận lâu năm tích tụ không làm được gì, ăn bữa nay lại lo bữa mai", chị Oanh nói.
cơ thể chị Oanh nổi đầy mẩn nốt sau nhiều năm chạy thận. Ảnh: Gia Khiêm
Chị Oanh cũng bộc bạch, thời gian gần đây giá cả thực phẩm cũng tăng. Cụ thể như 1 bó rau muống cách đây không lâu chị mua khoảng 5.000 đồng thì nay tăng lên từ 7 thậm chí 10.000 đồng, thịt từ 10.000 đồng/lạng giờ tăng lên 12-13.000 đồng. Tất cả mặt hàng hầu như thứ gì cũng tăng.
"Như uống thuốc ngày hai viên thì mình uống 1 viên thôi. Thịt trước ăn 20.000 đồng giờ khó khăn, thực phẩm đắt chỉ mua tầm đó chứ không dám mua thêm. Giờ cái gì cũng tăng giá trong khi tiền không kiếm ra được nên ăn uống gì đều dè chừng. Ngoài ra những người chạy thận lâu năm như tôi tối đến khổ đủ đường, không ngủ nổi vì ngứa ngáy khó chịu, buồn chân buồn tay lượn trong phòng cả đêm, trời nóng điều hoà cũng không dám bật", chị Oanh tâm sự.
Cắt giảm bớt thuốc vì khó khăn
Cũng tâm trạng như chị Oanh, bà Phan Thị Tảo (65 tuổi, quê xã Liên Khê, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên đã chạy thận ở bệnh viện Bạch Mai đến nay 16 năm. Đều đặn mỗi tuần 3 ngày bà Tảo phải đến viện. Sau những giờ chạy thận bà bước lảo đảo về nhà vì mệt, tụt huyết áp.
Bà Phan Thị Tảo cho biết, mỗi tháng bà mất ít nhất 2 triệu tiền thuốc, có lúc chi phí lớn bà bớt thuốc đi. Ảnh: Gia Khiêm
"Sức khoẻ những người chạy thận rất yếu, không làm được việc nặng. Mỗi lần chạy về thế nhiều khi chúng tôi không thiết ăn uống gì. Lúc khỏe tôi đi chợ, lúc mệt lại nhờ mọi người đi giúp. Với người chạy thận như chúng tôi ngày nào mở mắt ra cũng là bài toán liên quan đến tiền từ thuốc men, nhà trọ, ăn uống… Rau cách đây không lâu có 5.000 đồng/bó thì nay lên 7-8.000 đồng, có lúc 10.000 đồng, thịt, cá… cũng lên giá. Mua mớ rau tôi phải tiết kiệm ăn 2, 3 bữa", bà Tảo nói.
Bà Tảo chia sẻ, có nhà ở quê nhưng bao năm nay không được ở mà phải đi thuê do bệnh tật. Những gia đình có người bệnh như bà đều khó khăn bởi bao tài sản đều dốc vào điều trị cho đến phút cuối đời.
"Cũng may gạo được các đoàn từ thiện cho, thi thoảng mọi người cũng tặng thêm mắm, muối, mì chính, dầu ăn nên tiết kiệm được phần nào chi phí sinh hoạt. Giá cả ngày một tăng, tiêu tiết kiệm thì mỗi người cũng phải mất 6,7 triệu mỗi tháng, trong đó riêng tiền thuốc đã hơn 2 triệu, tiền nhà 1 triệu/tháng. Nhiều lúc túng thiếu quá buộc phải cắt giảm liều thuốc", bà Tảo trải lòng.
Bữa cơm chiều của bà Yên đơn giản có hoa bí và một lạng thịt chia hai bữa. Ảnh: Gia Khiêm
Bữa cơm chiều của bà Bùi Thị Yên (73 tuổi, ở xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đơn giản có hoa bí xào và một ít thịt. Bà Yên kể mua một lạng thịt giá 12.000 đồng được bà chia làm 2 bữa.
"Tôi có 3 triệu lương hưu mỗi tháng, số tiền đó cũng không thấm vào đâu khi điều trị ở đây. Trước ông nhà tôi khoẻ thi thoảng lên chăm vợ nhưng vài năm nay sức khoẻ ông ấy ốm nên nằm ở nhà.
Mẹ ốm nên các con trong gia đình cũng gom góp phụ thêm cho mẹ, tôi cũng chỉ dám lấy của các con phần nào. Cuộc sống bệnh tật này nhiều khi buồn và tủi thân lắm nhưng không biết làm thế nào. Mình cũng mong khoẻ, chi tiêu tiết kiệm để không trở thành gánh nặng cho các con", bà Yên có thâm niên 11 năm chạy thận nói thêm.
Ông Mai Anh Tuấn, Tổ trưởng xóm chạy thận ngõ 121 Lê Thanh Nghị cho biết, hiện có gần 120 bệnh nhân chạy thận. Ở đây mỗi người mỗi hoàn cảnh, muôn hình vạn trạng, nhưng có điểm chung là ai cũng khổ, bởi trên 95% họ là những người thuộc hộ nghèo, cận nghèo của các địa phương chuyển về đây. Họ đang nỗ lực từng ngày để chiến đấu với căn bệnh suy thận quái ác.
Chính vì thế khi giá cả tăng mọi người đều phải chi tiêu dè dặt. Dù nản lòng, có lúc muốn buông xuôi nhưng vì gia đình, vì những người yêu thương họ lại tiếp tục chiến đấu. Không chỉ chiến đấu với bệnh tật mà giờ họ còn phải chiến đấu với cơn bão giá đang đè nặng mỗi ngày.