Ban quản lý dự án Mỹ Thuận vừa có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư về tổng mức đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre.
Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1741/QĐ-TTg ngày 5/11/2020. Trên cơ sở chủ trương đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 1730/QĐ-BGTVT ngày 29/9/2021.
Theo đó, Dự án có mục tiêu xây dựng cầu Rạch Miễu 2 vượt luồng chính sông Tiền (khổ thông thuyền 50x7m), bề rộng mặt cầu đáp ứng quy mô 4 làn xe cơ giới, dự kiến nhịp chính bằng kết cấu cầu dây văng và cầu vượt sông Mỹ Tho có bề rộng mặt cầu đáp ứng quy mô 4 làn xe cơ giới, dự kiến nhịp chính bằng kết cấu cầu dầm liên tục. Phần đường dẫn (bao gồm một số cầu trung và cầu nhỏ trên tuyến) được thiết kế với quy mô đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80 km/h, mặt cắt ngang đáp ứng quy mô 04 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp. Xây dựng các nút giao trên tuyến.
Tổng mức đầu tư Dự án là 5.175,45 tỷ đồng được đầu tư từ Ngân sách Trung ương; thời gian thực hiện Dự án dự kiến từ năm 2021 đến năm 2025.
Theo đề xuất mới nhất của Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, tổng mức đầu tư Dự án là 6.601,79 tỷ đồng, tăng 1.426,34 tỷ đồng so với phê duyệt trước đó. Trong các thay đổi về tổng mức đầu tư Dự án, đáng chú là chi phí giải phóng mặt bằng tăng khoảng 1.964,37 tỷ đồng; chi phí xây dựng, thiết bị giảm 96,42 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác giảm 89,5 tỷ đồng; chi phí dự phòng giảm 352,1 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện Dự án cũng được điều chỉnh từ năm 2021 đến năm 2026. Các nội dung khác giữ nguyên theo Quyết định số 1741/QĐ-TTg ngày 5/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Ban quản lý dự án Mỹ Thuận nhấn mạnh, tổng mức đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre tăng chủ yếu do chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng điều chỉnh tăng theo số liệu do địa phương cập nhật tại thời điểm hiện tại.
Bên cạnh đó, Dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 là Dự án có nhiều hạng mục kỹ thuật cao và phức tạp, hoàn toàn do các lực lượng trong nước đảm nhận, quá trình thi công đòi hỏi có thời gian triển khai thử nghiệm, thử tải… và có thể phát sinh thời gian do xử lý kỹ thuật với mục tiêu đảm bảo an toàn và chất lượng cho công trình khi đưa vào khai thác.
Hiện nay, gói thầu XL-02 đã ký kết hợp đồng với tổng thời gian thực hiện dự án là 1.020 ngày (tương đương 34 tháng) kể từ ngày phát lệnh khởi công gói thầu, thời gian hoàn thành dự kiến quý I/2026 (chưa bao gồm thời gian bảo hành), do đó để hoàn thành dự án theo tiến độ cần điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án vào năm 2026.
Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng phía Tiền Giang đạt khoảng 46%, phía Bến Tre đạt 83%, một số vị trí nền đường xử lý đất yếu có thời gian gia tải lên đến 15 tháng là điểm khống chế tiến độ tiến độ thi công các gói thầu đường dẫn vào cầu.
Tuy nhiên, do nguồn vốn thực hiện giải phóng mặt bằng phía Tiền Giang vượt tổng chi phí giải phóng mặt bằng trong tổng mức đầu tư, nên vướng mắc các thủ tục để có cơ sở bố trí vốn bổ sung để chi trả cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dẫn đến công tác bàn giao mặt bằng dự kiến kéo dài sang quý IV/2023 sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các gói đường dẫn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.