Tin liên quan
Bởi, miễn dịch của vắc-xin phòng Covid-19 đã giảm. Trong khi đó, tâm lý của người dân chủ quan cho rằng, không còn dịch Covid-19.
Số ca nhập viện có xu hướng tăng
Trong công văn khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngày 12/4, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng trong công tác phòng chống dịch và các bệnh truyền nhiễm khác.
Địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết của Chính phủ và Kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương thúc đẩy tiêm vắc-xin Covid-19 đạt mục tiêu đề ra của Chính phủ, Thủ tướng. Huy động sự tham gia của chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể để kế hoạch được triển khai một cách quyết liệt.
Bộ Y tế cũng yêu cầu địa phương tăng cường triển khai biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở giáo dục, giám sát tại cửa khẩu, trong cơ sở y tế và tại cộng đồng. Từ đó, chủ động phát hiện sớm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Bên cạnh đó, địa phương cần chỉ đạo tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh. Đặc biệt là với các nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi. Hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong.
Địa phương cũng cần thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo người dân thực hiện các yêu cầu phòng chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn trong các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng và tại địa điểm, sự kiện tập trung đông người, đặc biệt vào dịp nghỉ lễ trong thời gian tới.
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm, số mắc Covid-19 tại nước ta luôn duy trì ở mức thấp, dưới 50 ca/ngày. Tuy nhiên, gần đây số mắc có xu hướng tăng. Cụ thể, ngày 8/4 ghi nhận 122 ca, ngày 10/4 là 113 ca, ngày 11/4 là 183 ca và ngày 12/4 là 261 ca.
Số ca nhập viện cũng có xu hướng tăng. Số bệnh nhân nặng ghi nhận trong tuần là 10 ca, trung bình ghi nhận 1 - 2 ca nặng mỗi ngày. Tỷ lệ tiêm vắc-xin Covid-19 tại một số địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra.
Tâm lý người dân chủ quan
Theo số liệu của WHO, trong 7 ngày gần đây, thế giới ghi nhận hơn 438 nghìn ca mắc Covid-19 và gần 3,3 nghìn trường hợp tử vong. Phân bố theo khu vực, châu Mỹ đứng đầu trong 6 khu vực dịch tễ của WHO với hơn 203 nghìn ca mắc, tiếp đó là khu vực châu Âu với hơn 141 nghìn ca mắc. Một số quốc gia ghi nhận số mắc, tử vong cao như: Mỹ (176.358/1.746), Nga (45.579/173), Pháp (34.672/127), Nhật Bản (27.705/128).
Kết quả giám sát biến chủng cho thấy, trong tuần, XBB.1.5 tiếp tục là biến thể chiếm ưu thế với tỷ lệ 45,06%, tiếp theo là XBB chiếm 19,73%. Đến nay, biến thể XBB.1.5 đã được phát hiện tại 90 quốc gia. Tại Việt Nam, hiện Bộ Y tế chưa có báo cáo về sự xuất hiện của biến chủng Covid-19 mới.
Tại bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) tuần qua, trung bình mỗi ngày từ 10 - 15 người có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Hiện, có 10 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại bệnh viện.
Tất cả đều trên 60 tuổi, có mắc các bệnh lý khác như cao huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, ung thư. Trong khi đó, ngày 11/4, bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho 74 bệnh nhân Covid-19. Trong đó, có 5 ca thở máy, 10 ca thở oxy kính.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng - Phó Trưởng đơn nguyên Truyền nhiễm, bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: “Trong tuần qua, trung bình mỗi ngày chúng tôi ghi nhận 10 - 15 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính virus SARS-CoV-2.
Phần lớn là những người trẻ, có triệu chứng ho, sốt, đau họng và tự test nhanh thấy dương tính nên vào viện khám. Hiện tại bệnh viện đang có khoảng 10 bệnh nhân mắc Covid-19, đa phần là người cao tuổi có bệnh nền, tình trạng tương đối nặng, phải thở oxy”.
Cũng theo bác sĩ Hưng, người dân đang chủ quan với dịch Covid-19 nên tụ tập đông mà không đeo khẩu trang. Điều đó làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Ngoài ra, sau hơn một năm tiêm vắc-xin Covid-19, kháng thể phòng bệnh đã suy giảm nên nguy cơ tái nhiễm sẽ tăng lên.
Thực tế, những bệnh nhân đang điều trị Covid-19 tại bệnh viện Thanh Nhàn đều thuộc nhóm cần tiêm mũi 4. Tuy nhiên, hầu hết họ mới chỉ tiêm 2 hoặc 3 mũi. Thậm chí, có người còn chưa tiêm mũi nào.
PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhận định, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa công bố hết dịch vì dịch vẫn chưa ổn định. Hơn nữa, số ca mắc như hiện nay chưa thực tế. Bởi, một số người bệnh không test. Hoặc, họ test dương tính với Covid-19 nhưng không báo với cơ sở y tế.
Chuyên gia này nhận định, việc tăng số ca mắc Covid-19 như hiện nay không phải bất thường. Bởi, miễn dịch của vắc-xin phòng Covid-19 đã giảm. Trong khi đó, tâm lý của người dân chủ quan cho rằng, không còn dịch Covid-19.
Do đó, họ bỏ qua các thói quen phòng bệnh như rửa tay, đeo khẩu trang. Bên cạnh đó, thời tiết thay đổi cũng là môi trường thuận lợi để virus lây lan, bao gồm SARS-CoV-2.
Để phòng bệnh, chuyên gia khuyến cáo người dân cần duy trì nguyên tắc 2K. Nguyên tắc này không chỉ để phòng Covid-19, mà còn các bệnh viêm đường hô hấp khác như cúm A, cúm B.
PGS Phu đồng thời cho rằng, cần phối hợp tốt với WHO theo dõi tình hình dịch, giám sát để đánh giá nguy cơ. Từ đó, có đáp ứng phù hợp để không bị bất ngờ.
Người dân phải chú ý các vấn đề dự phòng. Đó là đeo khẩu trang ở nơi nguy cơ cao, rửa tay khử khuẩn thường xuyên... Đồng thời, không tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ.
Những người có triệu chứng nghi ngờ cũng cần chủ động phòng bệnh cho người khác. Bên cạnh đó, cần chú ý bảo vệ nhóm nguy cơ như người già, người có bệnh nền. tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh theo như khuyến cáo của Bộ Y tế.