Tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM quý I và nhiệm vụ, giải pháp quý II sáng 1/4, Bí thư Nguyễn Văn Nên thẳng thắn nhìn nhận 3 năm qua kinh tế TP.HCM liên tục biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ. Thực tế, TP hội nhập sâu, rộng, nên sẽ chịu ảnh hưởng ít nhiều bởi tình hình thế giới và trong nước.
Theo ông, năm 2021 TP.HCM phải chiến đấu với đại dịch và cố gắng vượt qua trong điều kiện ngặt nghèo. Đến năm 2022 là năm phục hồi, dự tính lấy lại những gì đã mất của năm đại dịch. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, đầu năm 2023, TP dự tính 2023 sẽ có nhiều khó khăn, thử thách, nên tập trung nâng cao khả năng thích ứng và đề ra chỉ tiêu thấp hơn năm 2022.
“Nhưng sự thực không ngờ là thấp đến mức sâu như thế. Khó khăn đã nằm trong dự tính từ trước nhưng thực tế sâu hơn cái mà chúng ta dự đoán”, Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.
TP.HCM chưa tận dụng hiệu quả 3 công cụ
Ông Nên nhìn nhận sau đại dịch, kinh tế của thành phố đã vực dậy với độ phục hồi mạnh, đem lại nhiều kết quả khả quan trong năm 2022. Song, ông Nên ví khó khăn về kinh tế của TP.HCM như một cơn bạo bệnh và tự hỏi toàn thành phố, sở, ngành đã đủ quyết tâm, thực hiện đúng theo phác đồ để chữa trị cơn bệnh này chưa.
“Hậu quả cơn bệnh để lại khiến thành phố chưa thật sự vực dậy, đó là chúng ta chỉ đang vực dậy gượng gạo”, Bí thư Nguyễn Văn Nên tâm tư.
Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị các cơ quan, chuyên gia và nhà khoa học thẳng thắn đưa ra những tồn tại chủ quan để tiếp thu, tháo gỡ, đề ra giải pháp cho những quý còn lại để vực dậy tăng trưởng cho địa phương.
Chia sẻ tại phiên họp, TS Trần Du Lịch, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng nhấn mạnh mức tăng trưởng GRDP trong quý I chỉ 0,7% "rõ ràng bất ngờ hơn dự báo".
Thực tế, dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy GRDP của TP.HCM trong quý I ước đạt khoảng 360.000 tỷ đồng, chỉ tăng trưởng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, đưa TP.HCM về danh sách 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp nhất cả nước.
Mức tăng GRDP quý I chỉ 0,7% được đánh giá là bất ngờ, thấp hơn dự đoán.
Nói về nguyên nhân khách quan, TS Trần Du Lịch cho rằng đến từ 2 vấn đề chính từ quý IV/2022, gồm biến động tài chính thế giới và các động thái chấn chỉnh lại thị trường bất động sản, tài chính ở trong nước.
"Hai yếu tố này cộng hưởng và làm chúng ta rất khó khăn. TP.HCM là địa bàn chịu tác động của 2 yếu tố này nặng nhất cả nước. Tuy nhiên đến nay tình hình đã dễ chịu hơn, các nguyên nhân khách quan này có phần cải thiện từ quý I", vị chuyên gia nhìn nhận.
Dù vậy, đặt trong bối cảnh nhiều địa phương khác vẫn có mức tăng trưởng khá hơn, TS Trần Du Lịch khẳng định TP.HCM chưa tận dụng hiệu quả 3 công cụ vốn có thể là 3 động lực thúc đẩy nền kinh tế.
Thứ nhất, ông nhấn mạnh đầu tư công có thể tạo hiệu ứng theo cấp số nhân cho nền kinh tế, nhưng trong quý I TP.HCM chỉ giải ngân được 2% vốn đầu tư công, nghĩa là gần như bỏ hoàn toàn công cụ này.
Thứ hai, Chính phủ đang tập trung tháo gỡ áp lực về vốn, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, gồm cả đầu tư công, tư nhân, tháo gỡ các dự án tồn đọng. Tuy nhiên, TS Trần Du Lịch đánh giá tình hình ở TP.HCM đến nay vẫn "vô vọng".
Thứ ba, TP.HCM chưa phát triển tốt thị trường nội địa.
"Cả 3 trụ cột để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đều không được TP.HCM tận dụng hiệu quả. Từ tháng 2, tôi cũng đã kiến nghị 10 điểm, đặc biệt là công khai minh bạch số lượng dự án, hồ sơ tồn đọng và tiến độ xử lý. Việc này là mấu chốt tạo niềm tin, khi doanh nghiệp có niềm tin thì chúng ta mới có thể phát triển, bù đắp thiệt hại thời gian qua", TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia, bối cảnh chung củּa quּý I/2023 thuận lợi hơn quý IV/2022 nhưng TP.HCM chưa tận dụng được. Do đó, với dự báo tình hình chung khởi sắc hơn từ quý III/2023, TP cần có những giải pháp cụ thể, rõ ràng để thực sự tạo chuyển biến tích cực.
Doanh nghiệp cần dòng vốn và đầu tư công
Cũng tại phiên họp, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết cộng đồng doanh nghiệp TP hiện chia làm hai nhóm với hai tâm trạng khác nhau.
Nhóm thứ nhất là những doanh nghiệp đang cố gắng cầm cự để bảo đảm hoạt động, trong bối cảnh tồn kho tăng, thanh khoản giảm. Lượng vốn của nhóm này đang nằm trong hàng hóa, vật tư nguyên liệu hoặc hàng thành phẩm chưa tiêu thụ được. Thậm chí nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ra nước ngoài bị kéo dãn thời gian thanh toán, có trường hợp bị chuyển từ mua đứt bán đoạn sang ký gửi.
Do đó, những doanh nghiệp này kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có chính sách hỗ trợ dòng vốn lưu động theo hình thức tín chấp hoặc thế chấp hàng tồn kho. Đồng thời, mong muốn TP đẩy mạnh đầu tư công để tạo hiệu ứng lan tỏa đến các doanh nghiệp.
Nhóm thứ hai là các doanh nghiệp đang ấp ủ nhiều ý tưởng để đầu tư và phát triển dài hạn, tuy nhiên với lãi suất trên 10%/năm như hiện nay thì không đơn vị nào dám vay.
"Chúng tôi cần dòng vốn dài hạn 7-10 năm với lãi suất dưới 10%. Song song, để có tài sản thế chấp, đề nghị các cơ quan chức năng sớm giải quyết các thủ tục pháp lý về đất đai, đồng thời các ngân hàng xem xét việc định giá đất thế chấp theo giá thị trường. Mặt khác, chúng tôi cũng đang gặp khó khi thuê đất trong khu công nghiệp trả một lần nhưng vì chủ đất trả hàng năm nên không thể thế chấp", ông Nguyễn Ngọc Hòa nêu.
Theo ông, ngay trong tháng 4 này HUBA sẽ triển khai nhóm doanh nghiệp đầu ngành để có giải pháp, chương trình làm việc cụ thể, có hiến kế, phản biện, qua đó có thể dẫn dắt cả ngành phục hồi. Tuy nhiên, HUBA kiến nghị TP hỗ trợ các chương trình xúc tiến thị trường ngách, thị trường mới.