2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường khu vực ASEAN như Thái Lan, Singapore bật tăng. Trong đó, với Thái Lan, xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,2 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2022. Với Singapore, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 677,7 triệu USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ. Tính chung khu vực ASEAN, 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sang ASEAN đạt 4,96 tỷ USD.
Nhiều cơ hội gia tăng xuất khẩu
Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu, hiện ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trên thế giới. Còn trong khu vực châu Á, ASEAN là thị trường lớn thứ hai. Hiện Thái Lan, Campuchia, Philippines, Malaysia, Indonesia, Singapore chiếm khoảng 96% thị phần xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang ASEAN. Với việc tham gia Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), đàm phán ký kết Hiệp định ưu đãi thuế quan của ASEAN (CPT), Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA)…, Việt Nam đã có nhiều ưu thế để tăng trưởng thương mại, kinh tế, đồng thời tạo động lực phát triển sản xuất - kinh doanh.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) cũng đã cố gắng đưa hàng hóa sang các nước, trong đó có ASEAN. Với Công ty Công nghệ thực phẩm Kim Hải, sau khi thấy việc xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường châu Âu và Trung Quốc khó khăn công ty đã chuyển hướng xuất khẩu, chọn thị trường mới là khu vực Đông Nam Á. DN cũng hoàn thành việc xin cấp chứng nhận Halah và dự báo trong thời gian ngắn nữa, nước ép thanh long cũng sẽ lên kệ siêu thị tại một số thị trường, trong đó có Malaysia.
Ông Phạm Cao Vân - Giám đốc Công ty Công nghệ thực phẩm Kim Hải cho hay, trong bối cảnh cước phí logistics càng ngày càng tăng, các nước ở gần Việt Nam là cơ hội lớn.
Còn theo ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Thành phố Hồ Chí Minh, trong bối cảnh xuất khẩu sang nhiều thị trường tại châu Mỹ và châu Âu gặp khó do giá vận chuyển tăng cao, thì DN nên đẩy mạnh phát triển thị trường ASEAN. Bởi đây là phương án tốt để mở rộng thị trường xuất khẩu, tránh lệ thuộc vào một vài thị trường truyền thống.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ASEAN hiện là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của ngành thủy sản, do được hưởng những ưu đãi từ AFTA và các hiệp định liên quan, một số mặt hàng xuất khẩu thủy sản như tôm, cá ngừ, cá tra… đang tăng cả về sản lượng và giá trị.
Đặc biệt với tự do hóa thương mại trong ATIGA đã đem đến nhiều cơ hội cho các DN trong nước nhập khẩu nguồn nguyên liệu phong phú với giá cả rẻ hơn, nguồn thiết bị máy móc chất lượng tốt hơn so với hàng hóa sản xuất trong nước. Các sản phẩm nông sản đặc trưng của Việt Nam (gạo, cao su, cà phê...) cũng sẽ có nhiều cơ hội được xuất khẩu ra các nước trong khu vực.
Hàng hóa của Việt Nam ngày càng có chỗ đứng trên thị trường ASEAN. Ảnh: Quang Vinh.
Đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường
Theo đánh giá của giới chuyên gia, tiềm năng của thị trường ASEAN đã và đang được mở rộng hơn, phát triển nhanh hơn. Việt Nam đã tham gia vào ASEAN từ năm 1995. Mới đây nhất, khi AEC hình thành, cánh cửa thị trường đã mở (tự do hàng hóa, dịch vụ, vốn, lao động…) càng tạo cơ hội rộng lớn cho Việt Nam khi xuất khẩu sang ASEAN. Tựu trung lại, với dân số trên 650 triệu người, quy mô GDP khoảng 3.000 tỷ USD, đứng thứ 5 thế giới, có vị trí thuận lợi trong kết nối với Việt Nam, ASEAN là thị trường nhiều tiềm năng và dư địa cho các sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của nước ta. Điều này sẽ giúp Việt Nam tiếp tục nâng cao hiệu quả khai thác thị trường ASEAN và cải thiện vị trí của mình trong mạng lưới sản xuất và các chuỗi giá trị khu vực.
Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương nhấn mạnh, cánh cửa hội nhập đã mở tạo cơ hội tốt cho hàng Việt Nam thâm nhập thị trường ASEAN. Để có thể xuất khẩu sang các nước ASEAN nhiều hơn nữa, trước tiên DN cần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm bằng cách thay đổi mẫu mã, chủng loại phong phú vì nhu cầu thị trường đa dạng. DN phải có chiến lược tiếp thị, chiến lược sản phẩm tốt hơn, phải có tầm nhìn tốt hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh của chính DN bằng nguồn nhân lực, bằng công nghệ để tăng năng suất lao động và hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng.
ASEAN bao gồm 10 nước nên có thể hàng hóa Việt Nam cạnh tranh với nước này mà lại không cạnh tranh với nước kia. Do vậy, muốn đẩy mạnh, gia tăng việc xuất khẩu sang ASEAN cần sản xuất những mặt hàng mang tính bổ sung. Ví dụ, cũng là gạo, Việt Nam không thể xuất sang Thái Lan bởi đây là thị trường sản xuất khá nhiều gạo. Tuy nhiên, Việt Nam có thể xuất khẩu gạo sang Philippines, Indonesia, Malaysia những thị trường không có sự cạnh tranh về mặt hàng này.
Song chính giới chuyên gia cũng chỉ ra rằng, DN cần có thêm các thông tin từ các thị trường, như thế mới phát huy được thế mạnh xuất khẩu.
Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng: Việc các cơ quan quản lý nhà nước định hướng, cung cấp thông tin thị trường, hướng dẫn cho DN về cách tiếp cận, cơ hội tại thị trường ASEAN là rất quan trọng. Cùng với đó là thường xuyên theo dõi để kịp thời phát hiện và có biện pháp đấu tranh, xử lý các chính sách hạn chế, rào cản thương mại đối với các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam.
“Đơn cử, thời gian qua, Indonesia, Philippines, Thái Lan… đặt ra khá nhiều các biện pháp phi thuế quan có tính hạn chế thương mại đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như: Sắt thép, xi măng, gạch men, xơ sợi… Các biện pháp này làm giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam” - bà Trang dẫn chứng.
Cần thiết tạo sự khác biệt
Theo Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công thương), để tận dụng tốt nhất cơ hội về thuế quan, tăng lượng hàng xuất khẩu vào nội khối thì hàng hóa Việt Nam phải đảm bảo các quy tắc xuất xứ và thủ tục chứng nhận xuất xứ. Các DN cũng cần cập nhật và nắm chắc các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng, đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất và bảo quản, chú trọng tới bao bì, mẫu mã, quy cách đóng gói; liên tục cập nhật các xu hướng tiêu dùng, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, chủ động tìm kiếm hợp tác với các nhà phân phối uy tín bản địa để có thể đưa hàng Việt Nam thâm nhập dễ dàng hơn.
Ở chiều ngược lại, những con số của Tổng cục Thống kê cho thấy, Việt Nam đang nhập siêu từ thị trường ASEAN. Điều này cho thấy các DN Việt Nam vẫn chưa khai thác tốt cơ hội và tiềm năng để gia tăng lượng hàng xuất khẩu. Hơn nữa, sự tương đồng về vị trị địa lý, văn hóa, lối sống… là cơ hội nhưng cũng là thách thức cho hàng hóa Việt Nam. Hiện nhiều mặt hàng tương đương nhưng đến từ Thái Lan, Malaysia, Singapore… lại được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng hơn. Ngoài ra hàng vào ASEAN còn phải cạnh tranh quyết liệt với hàng công nghệ cao của các quốc gia châu Á, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ. Do đó, các DN Việt Nam phải tăng chất lượng, tìm hướng đi riêng để tăng sức cạnh tranh.
Ông Đỗ Hòa - Tổng giám đốc Công ty Tinh hoa, Chủ tịch Group Quản lý DN cho rằng, các DN cần đẩy mạnh marketing, phát triển kênh phân phối, nâng cao kỹ năng bán hàng, nâng cao năng lực quản lý để có chất lượng sản phẩm ổn định, đồng thời có chiến lược thu mua để có nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định với giá cạnh tranh. Để không chỉ chiếm lĩnh thị trường ASEAN mà còn nhanh chóng và bền bỉ mở rộng thị phần ra các khu vực khác trên thế giới.
Đại diện VCCI khuyến cáo các DN cần dành nguồn lực để đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, kiểm soát tốt chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường ASEAN. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm của DN để khẳng định hình ảnh, vị trí tại thị trường ASEAN. Mặt khác, DN cần tăng tính chủ động trong việc liên kết, tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào các mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị trong khu vực nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh:
Hàng hóa Việt Nam thuận lợi khi vào thị trường ASEAN
Việt Nam cần chú trọng các chính sách thương mại với các nước trong khu vực, tận dụng tối đa những lợi thế của các FTA giữa ASEAN với các đối tác trên thế giới. Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện trình độ công nghệ nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa và chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, tăng cường thương mại dịch vụ và đầu tư, tăng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Đáng chú ý ASEAN là thị trường không quá khắt khe như các thị trường khác, lại thuận tiện về vận chuyển, nên đưa hàng hóa đi xuất khẩu cũng sẽ thuận lợi hơn.