Sáng 15-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề "Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển".
Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố và các hiệp hội, doanh nghiệp về du lịch, các hãng hàng không.
Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đại dịch COVID-19 đã gây thiệt hại nặng nề đối với các ngành kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch. Mặc dù là nước chống dịch và kiểm soát dịch bệnh tốt, mở cửa sớm, tuy nhiên, so các nước trong khu vực, năm 2022, chúng ta chưa đạt mục tiêu thu hút khách du lịch.
Thủ tướng nhấn mạnh cần triển khai Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời đề nghị các đại biểu tập trung suy nghĩ, nghiên cứu, đánh giá việc phát triển ngành du lịch đi đúng hướng chưa, đã tận dụng tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, từng vùng, cả nước chưa?
Thủ tướng đặt câu hỏi, bên cạnh những nguyên nhân khách quan như đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine, những khó khăn mà cả thế giới phải đối mặt, thì đâu là nguyên nhân chủ quan khiến du lịch Việt Nam mở cửa sớm nhưng lại "đi trước về chậm"?
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023. Ảnh: Chính phủ
"Tại sao tỉ lệ khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam còn thấp? Các giải pháp đúng và trúng chưa? Tại sao vẫn có tình trạng manh mún trong du lịch? Chúng ta đã làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa? Vì sao thông tin cho khách du lịch còn thiếu, yếu mặc dù đã thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số?" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu vấn đề.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp đột phá trong thời gian tới, nhất là vấn đề hạ tầng, xúc tiến và quảng bá. Cùng với đó là vấn đề vệ sinh môi trường, vấn đề huy động nguồn lực hợp tác công tư để phát triển du lịch, chính sách visa (thị thực)…
Thủ tướng khẳng định cần phát triển du lịch gắn với công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí, du lịch không thể phát triển một mình, du lịch không thể phát triển nếu hạ tầng, văn hóa không phát triển, du lịch không thể phát triển mạnh nếu công nghiệp văn hóa không phát triển mạnh, bền vững.
Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội, người dân phải chung tay phát triển ngành du lịch, tìm ra hướng đi phù hợp trên cơ sở điều kiện, hoàn cảnh đặc thù của đất nước, linh hoạt, không máy móc. Thủ tướng gợi ý nên chăng có phong trào chung tay xây dựng đất nước xanh, sạch, đẹp để phát triển kinh tế - xã hội và du lịch nhanh, bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sau hội nghị này, Chính phủ dự kiến ban hành một Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, tương tự như các nghị quyết sau các hội nghị của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, việc bảo đảm thuốc, vật tư y tế… Chính phủ sẽ triển khai các công việc thuộc thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì đề xuất, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho hay ngành du lịch đã có nhiều nỗ lực để vượt qua khó khăn. Ảnh: Chính phủ
Báo cáo tình hình ngành du lịch, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho hay ngành du lịch của Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để vượt qua khó khăn và bước đầu đã được được những kết quả. Khép lại năm 2022 đã hoàn thành được chỉ tiêu về khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt, vượt chỉ tiêu phục vụ 60 triệu lượt đặt ra từ đầu năm, tiếp tục khẳng định du lịch nội địa đã làm bệ đỡ cho du lịch quốc tế, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỉ đồng, góp phần vào tăng trưởng của đất nước. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,6 triệu lượt, bằng 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm.
Trong 2 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,8 triệu lượt, bằng 50% so với lượng khách cả năm 2022, khách nội địa đạt 20 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 85,6 ngàn tỉ đồng.
Lý giải lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng các doanh nghiệp du lịch Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào thị trường truyền thống, trong khi đó các thị trường này chưa mở cửa do tác động của COVID-19. Việc kết nối, khai thác các thị trường mới, thị trường tiền năng chưa chủ động, còn chậm. Việc triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá, cung cấp thông tin về du lịch Việt Nam ra quốc tế chưa được thực hiện kịp thời, thường xuyên, liên tục.
Thứ hai, chính sách visa đã có nhiều đổi mới, tiến bộ song so với các quốc gia khác thì vẫn còn khiêm tốn.
Thứ ba, về sản phẩm du lịch chưa bắt kịp với xu thế hiện nay của thế giới, chưa phát huy được lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên văn hoá.
Thứ tư, nguồn nhân lực làm du lịch thiếu do trong thời gian dịch bệnh đã chuyển ngành, đặc biệt thiếu hụt lao động có chuyên môn và kinh nghiệm.
Thứ năm, hiệu quả liên kết giữa các vùng, các địa phương, các ngành còn thấp, nhiều hoạt động liên kết còn hình thức. Sản phẩm du lịch chưa thực sự đa dạng, hấp dẫn đối với một số thị trường khách du lịch trong bối cảnh mới.
Để đưa du lịch Việt Nam tiếp tục phát triển, ngành du lịch đặt mục tiêu trong năm 2023 đón 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, khách du lịch nội địa 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỉ đồng.
Để thực hiện mục tiêu này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng cần chú trọng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ, các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương về phát triển vùng.
Trong đó, tập trung vào việc định vị vị thế và thế mạnh du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên lịch sử văn hoá.
Cơ cấu lại thị trường du lịch, nhất là tính toán lại thị trường khách, phân tích và dự báo trên cơ sở kế thừa thị trường khách truyền thống, tiếp cận theo hướng thị trường khách tiềm năng, chú ý tới thị trường Bắc Âu, Mỹ và một số thị trường khác ngoài các thị trường truyền thống.
Các địa phương chú trọng phát huy kinh nghiệm, lợi thế so sánh về các di sản văn hóa, thiên nhiên; hệ thống lễ hội, làng nghề; truyền thống lịch sử và giá trị sinh thái - nhân văn đặc trưng của từng vùng, từng địa phương... để mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch độc đáo.
Huy động tối đa nguồn lực xã hội, sự chuyên nghiệp của các tập đoàn lớn về du lịch để cùng nhau giới thiệu, quảng bá hình ảnh về một "Việt Nam an toàn, thân thiện, hiền hoà, mến khách, hội nhập và phát triển" đến với nhiều du khách tại các thị trường trọng điểm trên thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng kiến nghị Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết sau Hội nghị. Trong đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cho các bộ, ngành; tháo gỡ những điểm nghẽn trong chính sách miễn thị thực, xem xét, đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam, tạo thuận lợi hơn cho du khách quốc tế nhập cảnh Việt Nam gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng...