Lo doanh nghiệp giảm sức tăng trưởng nếu đưa nước ngọt vào diện chịu thuế

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bộ Tài chính một lần nữa đề xuất đưa nước ngọt vào diện chịu thuế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần cân nhắc khi áp dụng vào thực tế bởi nếu không phù hợp, thuế cũng sẽ làm giảm sức tăng trưởng của nền kinh tế, doanh nghiệp.
Lo doanh nghiệp giảm sức tăng trưởng nếu đưa nước ngọt vào diện chịu thuế
Nhiều loại đồ uống có đường được tiêu thụ tại Việt Nam.

Trong đề án xây dựng Luật Thuế thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất đồ uống có đường (nước ngọt) chịu thuế TTĐB "với mức phù hợp". Việc này được lý giải nhằm bảo vệ sức khỏe người dân theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cũng như chủ trương của Đảng, Chính phủ và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Áp thuế để… chống béo phì

Bộ Tài chính phân tích, theo kết quả điều tra của viện Dinh dưỡng quốc gia, tình hình tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam đã tăng mạnh, gấp 7 lần trong 15 năm, từ mức trung bình 6,6 lít/người năm 2002 lên 46,5 lít/người năm 2017 và con số này năm 2018 là 50,7 lít/người.

Nhiều nghiên cứu quy mô lớn trong thời gian dài cũng đã cho thấy sử dụng đồ uống có đường bất hợp lý là một trong những nguyên nhân chính gây ra thừa cân, béo phì và các rối loạn chuyển hóa cả ở người trưởng thành và trẻ em. Đồng thời, có bằng chứng gần đây cho thấy mối liên quan giữa tiêu thụ đồ uống có đường với bệnh không lây nhiễm gây ra tổn thất kinh tế, gánh nặng chi phí y tế và tỷ lệ t‌ử von‌g.

Theo Bộ Tài chính, WHO đã chính thức khuyến nghị tới Chính phủ các nước để tiến hành nhiều hành động nhằm khuyến khích người dân tiếp cận thức ăn lành mạnh thông qua biện pháp đánh thuế vào đồ uống có đường để định hướng tiêu dùng.

“Hiện nhiều nước đã dần bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Năm 2012 chỉ khoảng 15 quốc gia, đến 2021 có ít nhất 50 nước thu sắc thuế trên. Trong khu vực có 6 nước gồm Thái Lan, Philippines, Malaysia, Lào, Campuchia, Myanmar áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt. Ngoài ra ở châu Âu có Pháp, Anh…

Đây không phải lần đầu Bộ Tài chính muốn áp thuế TTĐB với nước ngọt. Năm 2014, ý tưởng này cũng được đưa ra với mức thuế suất cụ thể là 10% nhưng nhiều bộ, ngành không đồng thuận. Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tư pháp đánh giá luận cứ áp thuế khi đó chưa thực sự thuyết phục, còn Bộ Công Thương lo tác động tiêu cực tới triển vọng kinh doanh.

Mặc dù Bộ Tài chính khẳng định, việc điều chỉnh mức thuế suất thuế TTĐB đối với một số mặt hàng như nước ngọt nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe người dân. Tuy nhiên, vấn đề này lại nhận được nhiều ý kiến phản ứng của các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng việc đánh thuế TTĐB với nước ngọt là chưa thuyết phục.

Cân nhắc khi áp dụng vào thực tế

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam (VBA), cho rằng đề xuất áp thuế TTĐB với nước ngọt sẽ gây tác động mạnh tới doanh nghiệp trong ngành nếu được thông qua. Lúc này, giá sản phẩm nước giải khát trên thị trường sẽ tăng khoảng 12%, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, chi phí sản xuất sẽ tăng do mức thuế GTGT áp dụng cho đường. Tất cả các yếu tố này sẽ gây ra hệ lụy: Tăng giá thành sản phẩm, giảm khả năng tiêu thụ, giảm doanh thu kéo theo giảm quy mô sản xuất, giảm lao động…

Đối tượng sẽ chịu ảnh hưởng và tác động nhiều nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Giá bán cao còn có khả năng dẫn đến cơ hội cho hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng phát triển.

Đồng tình, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) dẫn chứng, sau khi Indonesia áp thuế TTĐB nước giải khát có ga, ngân sách nước này đã thâm hụt ròng 783,4 tỷ Rupi, tương đương 1.384 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, việc áp thuế TTĐB đối với nước ngọt có đường ở mức thuế suất 10% sẽ giúp tăng ngân sách nhà nước khoảng 1.975 tỷ đồng.

Chính sách thuế này cũng có thể khiến cho doanh thu và sản lượng của riêng ngành nước giải khát và ngành mía đường giảm khoảng 3.928 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp phụ trợ như bao bì, vận chuyển, bán lẻ… cũng bị ảnh hưởng, do vậy làm phát sinh những tác động không mong muốn đối với cả nền kinh tế.

Trong khi đó, một chuyên gia cho rằng cần phải làm rõ khái niệm nước ngọt để áp thuế cho từng sản phẩm cụ thể. Bởi việc đánh đồng sẽ dẫn đến không hợp lý, thiếu chính xác. Nếu chỉ áp thuế TTĐB với nước ngọt như dự thảo đề xuất, mà không áp dụng với sản phẩm có đường tương tự, là bất bình đẳng. “Hiện nay các loại sữa bổ sung dưỡng chất cho trẻ dưới 6 tuổi cũng là sản phẩm chứa đường. Hay như nước trái cây và rau quả tốt cho sức khỏe cũng chứa phụ gia và đường. Cách tiếp cận này thiếu công bằng cho các sản phẩm có hàm lượng đường khác nhau, đồng thời không khuyến khích doanh nghiệp giảm hàm lượng đường trong sản phẩm”, chuyên gia nêu quan điểm.

Liên quan đến áp thuế TTĐB, chuyên gia kinh tế, TS Đinh Trọng Thịnh lại cho rằng: "Việc đánh thuế TTĐB vào nước ngọt, thời gian đầu có thể sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất rượu bia, nước ngọt, nhưng phải nhìn nhận cả quá trình. Suốt 4 năm qua, lượng tiêu thụ nước ngọt của thị trường Việt Nam luôn tăng với mức rất lớn. Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ khiến đà tăng này chững lại, nhưng so với mức tăng trưởng liên tục trong suốt thời gian qua thì sẽ không quá ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật