Lạm phát khó ứng phó hơn nhiều so với kỳ vọng

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các số liệu tích cực trong thời gian gần đây đã khiến giới đầu tư tỏ ra lạc quan về khả năng kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, những kỳ vọng lạc quan quá mức có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi lạm phát có thể tiếp tục tăng nhanh hơn và khó đối phó hơn so với dự đoán của thị trường.
Lạm phát khó ứng phó hơn nhiều so với kỳ vọng
Ảnh minh họa.

Những kỳ vọng lạc quan

Theo The Economist, sau hơn một năm hoạt động tệ hại của các danh mục đầu tư trái phiếu và cổ phiếu, thị trường tài chính đang ghi nhận những tín hiệu phục hồi mạnh mẽ nhờ sự lạc quan của giới đầu tư. Kể từ mùa thu năm ngoái, các nhà đầu tư đã đặt cược rằng lạm phát sẽ sớm được giải quyết mà không gây ra quá nhiều phiền phức. Nhiều người tin rằng, lãi suất sẽ bị cắt giảm vào cuối năm nay, qua đó giúp các nền kinh tế lớn của thế giới, đặc biệt là Mỹ, tránh được nguy cơ suy thoái.

Dựa trên cơ sở niềm tin đó, các nhà đầu tư đã định giá cổ phiếu theo một kịch bản kinh tế hoàn hảo. Nhờ vậy, chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ đã tăng trên 6% kể từ đầu năm tới nay.

Phố Wall không phải thị trường duy nhất ghi nhận tín hiệu khởi sắc. Chứng khoán châu Âu thậm chí còn đạt kết quả ấn tượng hơn với chỉ số STOXX 600 của khu vực bật tăng 9,28% kể từ đầu năm tới nay, một phần nhờ mùa đông ấm áp hơn thường lệ giúp kìm hãm giá năng lượng. Dòng tiền cũng đổ vào các nền kinh tế mới nổi, vốn đang hưởng lợi kép từ việc Trung Quốc nới lỏng chính sách chống dịch và đô la Mỹ rẻ hơn.

Những kỳ vọng của nhà đầu tư càng được củng cố khi các số liệu giá tiêu dùng mới nhất của Mỹ được công bố hôm 14-2 cho thấy lạm phát trong giai đoạn ba tháng tính đến tháng 1 đã thấp hơn bất kỳ giai đoạn nào kể từ đầu năm 2021. Tại Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), lạm phát trong tháng 1 chỉ tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lạm phát Anh ghi nhận mức tăng 10,1%, đều đánh dấu tháng giảm tốc thứ ba liên tiếp.

Nhiều yếu tố từng là động lực thúc đẩy lạm phát giờ đã không còn nữa. Chuỗi cung ứng toàn cầu đã không còn bị choáng ngợp bởi nhu cầu hàng hóa tăng đột biến, cũng như không bị gián đoạn bởi dịch bệnh. Minh chứng rõ nét là cước phí vận tải hàng hóa trên các tuyến thương mại đường biển chính của thế giới đã giảm mạnh. Theo hãng tư vấn vận tải biển Xeneta, giá cước vận chuyển một container 40 feet từ miền Đông Trung Quốc đến bờ biển phía Tây của Mỹ trong tháng 2 đã giảm 85% so với mức kỷ lục hồi tháng 3 năm ngoái.

Những gam màu tối trong bức tranh màu hồng

Tuy nhiên, trong khi nhiều nhà đầu tư vẫn đang say mê với bức tranh màu hồng, cuộc chiến của thế giới với lạm phát được dự báo còn lâu mới kết thúc.

Các số liệu lạm phát thường không thể hiện hết các xu hướng cơ bản, và nếu xem xét kỹ, có thể dễ dàng nhận thấy rằng vấn đề lạm phát vẫn chưa hề được giải quyết. Chỉ số CPI cốt lõi của Mỹ (loại bỏ những mặt hàng có giá biến động cao như lương thực thực phẩm và năng lượng) trong giai đoạn ba tháng gần nhất đã tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, và bắt đầu ghi nhận sự tăng tốc nhẹ.

Động lực chính của lạm phát hiện nay không còn là giá hàng hóa, mà là lĩnh vực dịch vụ – nơi chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ chi phí lao động. Tại Mỹ, Anh, Canada và New Zealand, tăng trưởng tiền lương vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát 2% của các ngân hàng trung ương. Tại Eurozone, tăng trưởng tiền lương của toàn khối đúng là đã chậm lại, nhưng vẫn ghi nhận mức tăng nhanh hơn ở một số nền kinh tế quan trọng như Tây Ban Nha.

Trong một thị trường lao động vẫn nóng như vậy, thật khó để tin tưởng lạm phát cốt lõi có thể hạ nhiệt. Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cũng nhận định: “Việc báo cáo thị trường lao động tháng 1 cho thấy kết quả mạnh mẽ hơn nhiều so với dự đoán là một phần lý do khiến Fed nghĩ rằng, cuộc chiến chống lạm phát sẽ kéo dài trong một khoảng thời gian đáng kể”.

Những tín hiệu tương tự cũng đã được phát đi tại các nơi khác. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde hôm 15-2 đã nhắc lại rằng ECB có kế hoạch tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm vào tháng 3 tới, ngay cả khi triển vọng nền kinh tế Eurozone được cải thiện và lạm phát giảm.

Các chuyên gia dự báo, thị trường lao động vững vàng sẽ khiến cho lạm phát tại các nền kinh tế không giảm xuống dưới mức 3-5%, một kết quả khả quan hơn so với những gì đang diễn ra trong suốt hai năm qua, nhưng vẫn là thách thức lớn đối với mục tiêu 2% của các ngân hàng trung ương.

Đây cũng sẽ là một sự thất vọng lớn so với kỳ vọng lạc quan của các nhà đầu tư. Trong những tuần gần đây, từ chỗ tin tưởng vào khả năng xoay trục chính sách, giới đầu tư trái phiếu đã bắt đầu hướng tới dự đoán rằng, các ngân hàng trung ương sẽ không cắt giảm lãi suất, mà thay vào đó, tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao.

Hồi đầu tháng này, các nhà đầu tư đặt cược vào xu hướng lãi suất từng dự đoán Fed sẽ chỉ tăng lãi suất cơ bản thêm một lần nữa trong năm nay vào tháng 3 với mức tăng 0,25 điểm phần trăm. Giờ đây, dự báo đã được nâng lên thành ba lần tăng với mức 0,25 điểm phần trăm trong giai đoạn từ nay đến hết tháng 7.

Eric Johnston, người đứng đầu bộ phận phái sinh vốn chủ sở hữu tại Cantor Fitzgerald, người đã dự đoán về đợt tăng gần đây của S&P 500, hiện cũng đang lo ngại về khả năng xảy ra một đợt sụt giảm lớn.

Ông Johnston cho rằng trong thời gian tới chỉ số S&P 500 sẽ giảm hơn 10% so với mức hiện tại và rơi xuống dưới mức đáy của năm 2022. Các chiến lược gia tại Morgan Stanley và JPMorgan Chase cũng lên tiếng cảnh báo về khả năng thị trường trải qua đợt điều chỉnh giảm mạnh.

Các kịch bản và rủi ro chờ đợi nhà đầu tư

Giới đầu tư hiện vẫn giữ hy vọng rằng, mức lãi suất cao mà các ngân hàng trung ương như Fed hướng tới sẽ không ảnh hưởng quá nghiêm trọng đến nền kinh tế, trong khi vẫn đảm bảo hiệu quả trong việc kiềm chế lạm phát.

Trong trường hợp đó, thị trường vẫn sẽ nhận được sự hỗ trợ từ đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Tuy nhiên, lãi suất cao hơn trong thời gian dài vẫn sẽ gây ra tổn thất lớn cho các nhà đầu tư trái phiếu, và khiến các nhà đầu tư chứng khoán cảm thấy khó khăn hơn trong việc ra quyết định giao dịch cổ phiếu ở mức định giá quá cao.

Và tình hình nhiều khả năng sẽ còn tệ hơn nữa khi mức lãi suất cao thực sự gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế. Cần lưu ý rằng, trong kỷ nguyên hiện đại, các ngân hàng trung ương thường không có thành tích tốt trong việc giúp nền kinh tế “hạ cánh mềm” – tức là hoàn thành chu kỳ tăng lãi suất mà không kéo theo suy thoái.

Lịch sử đã có nhiều ví dụ về việc các nhà đầu tư dự đoán sai lầm về thời điểm ngân hàng trung ương chấm dứt thắt chặt chính sách tiền tệ, để rồi sau đó đối mặt với cú sốc suy thoái.

Điều này đã đúng ngay cả trong những thời điểm mà tỷ lệ lạm phát thấp hơn so với hiện nay. Và ngay cả khi Mỹ là nền kinh tế duy nhất rơi vào suy thoái, phần lớn nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là khi nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn khiến đô la Mỹ ngày càng mạnh lên.

Bên cạnh đó, cũng cần tính đến khả năng các ngân hàng trung ương, sau khi đã phải vật lộn với tình trạng lạm phát cao dai dẳng, sẽ không muốn tiếp tục đối mặt với một cuộc suy thoái.

Thay vào đó, họ sẽ chấp nhận để lạm phát vượt quá mức mục tiêu, nhằm đảm bảo khả năng tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Lý do này khiến nhiều chuyên gia kinh tế tin rằng, mức lạm phát mục tiêu lý tưởng mà các ngân hàng trung ương nên nhắm tới sẽ là trên 2%.

Theo The Economist, cho đến nay, các ngân hàng trung ương tại các nước giàu vẫn chưa có dấu hiệu gì về việc sẽ sớm đảo ngược xu hướng chính sách tiền tệ. Nhưng ngay cả khi lạm phát tiếp tục hạ nhiệt hoặc giới hoạch định chính sách quyết định từ bỏ các nỗ lực kiểm soát giá cả, việc thực hiện việc xoay trục chính sách một cách hoàn hảo vẫn là rất khó khăn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật