Sáng 17/2, ông Lê Văn Út, ở xã Hòn Tre cho biết, 1 nghìn dây vẹm xanh (dây được cột lưới thả xuống biển, vẹm xanh sẽ bám vào sinh sống) của gia đình nuôi, đã bán 1 đợt hơn 60% với giá 19-20 nghìn đồng/kg; số vẹm xanh còn lại chưa kịp xuất bán thì chết sạch.
Trong khi đó, chị Võ Thị Thắm, người nuôi cá lồng, bè ở xã Hòn Tre cho biết chị có khoảng 40 lồng, bè nuôi cá mú, cá chim vây vàng, hàu... Tuy nhiên, không biết nguyên nhân gì mà hàu, cá mú nuôi của gia đình chị mấy ngày qua chết nhiều.
“Khoảng 30 nghìn con cá mú giống (giá 40 nghìn đồng/con giống), tôi thả xuống lồng nuôi được hơn 15 ngày qua đã chết gần như 100%. Ngoài ra, khoảng 10 tấn hàu của gia đình tôi chuẩn bị xuất bán với giá 40 nghìn đồng/kg cũng chết luôn. Không biết nước có bị ô nhiễm gì không, mà xuống nước là ngứa lắm. Cá, hàu chết đợt này gia đình tôi lỗ nặng”, chị Thắm nói.
Chị Thắm còn cho biết thêm, hơn 2 nghìn con cá mú còn lại còn sống trong lồng nuôi cũng đang có hiện tượng bị nổ mắt, ghẻ lở ở đuôi. Chị cũng đang cố gắng xử lý nguồn nước để cứu đàn cá mú này, nhưng tiến triển chưa nhiều.
Theo ghi nhận, nhiều hộ phải vớt cá chết bỏ đi, để tránh lây lan trên diện rộng. Một số hộ nuôi hàu, vẹm xanh buồn bã bỏ lại dây trên bè, chưa kịp cắt dây.
Phó trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiên Hải Đặng Tùng Long cho hay, trên địa bàn toàn huyện Kiên Hải hiện có 228 hộ nuôi cá lồng, bè, với 1.128 lồng, tập trung ở cả 4 xã, gồm: Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn và Nam Du. Bà con chủ yếu nuôi cá mú, cá bớp, cá hồng mỹ, cá chim vây vàng, vẹm xanh, hàu… sản lượng ước đạt hơn 1.000 tấn/năm.
Hiện cá bớp có giá bán 200-230 nghìn đồng/kg; cá mú 260-670 nghìn đồng/kg; cá chim vây vàng 130-140 nghìn đồng/kg (tùy loại). Giá cá cao, nhiều hộ ở địa phương đã mạnh dạn mở rộng sản xuất và thả nuôi cá giống với số lượng lớn.
Liên quan đến cá mú, hàu chết hàng loạt, ông Long cho biết đơn vị đã nắm thông tin. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế khoảng 1 tuần nay, thì chỉ một vài hộ dân tại xã Hòn Tre bị ảnh hưởng, các xã khác ảnh hưởng không nhiều.
Theo ông Long, cơ quan chuyên môn của huyện trước đó cũng lấy mẫu nước gửi đi kiểm định thì xác định, giống như thông lệ hằng năm, thời điểm này do môi trường nước của Hòn Tre gần với đất liền (khoảng cách 30km đường biển), khi nước ngọt từ trong đất liền đổ ra biển và kết hợp lục bình chết, vi khuẩn, tảo độc, thì hàu, vẹm xanh, cá nuôi của người dân sẽ bị ảnh hưởng dẫn đến hao hụt.
“Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiên Hải sẽ đi kiểm tra lại số lượng cá, hàu chết và lấy mẫu gửi đi kiểm tra tìm nguyên nhân cụ thể, hướng dẫn giúp người nuôi giảm thiểu rủi ro. Trước mắt, trong ngày mai, 18/2, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Kiên Giang sẽ cử cán bộ chuyên môn ra xã Hòn Tre để phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiên Hải thực hiện các bước kiểm định và tìm giải pháp xử lý”, ông Đặng Tùng Long cho biết.