Khi trẻ có biểu hiện DTS, cha mẹ nên cho con đi khám sớm để được điều trị hiệu quả, tránh ảnh hưởng đến tương lai của trẻ.
Lo lắng vì con… lớn nhanh
Thấy con gái mới hơn 7 tuổi nhưng đã cao 1,3m và nặng 35kg, tuyến vú bắt đầu phát triển nên chị Trần Thị Kim Dung (ngụ H.Tân Phú) lo lắng con bị DTS và đã đưa con đi khám, điều trị tại bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
DTS được chia làm 2 loại: DTS trung ương và DTS ngoại biên. DTS trung ương tức là có sự trưởng thành của trục bao gồm 3 bộ phận là trung tâm chỉ huy dậy thì ở não - tuyến yên - tuyến sinּh dụּc (là tinh hoàn ở trẻ trai và buồng trứng ở trẻ gái). DTS ngoại biên tức là các biểu hiện dậy thì không phải do kết quả chỉ huy của trung tâm dậy thì ở não, mà do nguyên nhân tại buồng trứng (u nang buồng trứng ở bé gái), các nguyên nhân tại thượng thận ở bé trai (như u vỏ thượng thận, bệnh tăng sản thượng thận bẩm sinh gây sản xuất thừa hormone nam), u tinh hoàn.
Tại đây, bé được xác định là DTS và được chỉ định tiêm hormone làm chậm lại tốc độ tăng trưởng, tốc độ dậy thì và chậm quá trình phát triển sinּh dụּc thứ phát. Hiện nay, cứ 1 tháng/lần, chị Dung đưa con đến bệnh viện để tiêm hormone. Sau nửa năm điều trị, chị Dung nhận thấy con không còn phát triển nhanh như trước nữa.
Chị Dung chia sẻ: “Tôi cho bé uống sữa công thức từ lúc sơ sinh đến khi được 3 tuổi. Vì bé là con đầu lòng nên tôi chăm chút con khá kỹ, cho con ăn nhiều đồ bổ. Đó có thể là nguyên nhân khiến bé DTS. Khi mới phát hiện, tôi khá lo lắng, nhưng sau khi nghe các bác sĩ tư vấn tôi cũng yên tâm để cho con điều trị. Bác sĩ nói là bé cần tiêm thuốc như vậy cho đến năm 12 tuổi”.
Để đáp ứng nhu cầu khám và điều trị, bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã thành lập Phòng khám DTS từ ngày 27-6-2022. Tính đến ngày 31-12-2022, phòng khám này đã tiếp nhận và khám cho 313 trường hợp trẻ DTS, quản lý 26 trường hợp trẻ DTS từ bệnh viện khác chuyển về; có 126 trường hợp phải tiêm hormone làm chậm lại tốc độ tăng trưởng, tốc độ dậy thì và chậm quá trình phát triển sinּh dụּc thứ phát.
BS Nguyễn Quỳnh Trang, Khoa Khám bệnh, cấp cứu bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho rằng, bên cạnh nguyên nhân độ tuổi DTS ngày càng thấp dần, số lượng trẻ khám DTS ngày càng nhiều còn do người dân đã nâng cao nhận thức về căn bệnh này. Do được tiếp cận, tìm hiểu thông tin nên người dân hiểu hơn về DTS, khi con có biểu hiện bệnh, cha mẹ đã đưa con đi khám, điều trị chứ không để mặc sự phát triển bất thường này của trẻ.
Chị Bùi Thị Liễu (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết, con gái của chị 9 tuổi bắt đầu phát triển tuyến vú. Chị rất sợ con bị DTS nên đã thu xếp để đưa con đi khám nhưng may mắn là sau khi khám, xét nghiệm, bác sĩ cho biết bé phát triển bình thường. “Mình cứ phải cho con đi khám để lỡ bé có bệnh thì chữa, còn may mắn con không bệnh thì mình yên tâm về sự phát triển của con”.
Yên tâm điều trị DTS
Theo BS Nguyễn Quỳnh Trang, đa số trường hợp đi khám DTS thường là dưới 8 tuổi đối với bé gái và dưới 9 tuổi đối với bé trai, một số ít trẻ đi khám trễ hơn. Biểu hiện thường gặp của bé gái là tuyến vú và chiều cao phát triển, có lông ở những vùnּg kíּn, một số bé thậm chí còn có kinh nguyệt. Ở bé trai, biểu diện DTS thường khó phát hiện hơn. Thông thường, biểu hiện DTS ở trẻ trai là có lông mu, tinh hoàn phát triển (thường khó phát hiện hơn), xuấּt tinּh vào buổi sáng.
Trẻ dậy thì sớm được tiêm hormone làm chậm lại tốc độ tăng trưởng, tốc độ dậy thì và chậm quá trình phát triển sinּh dụּc thứ phát. Ảnh: H.YẾN
“DTS ở bé gái có khoảng 80-90% là không có nguyên nhân. DTS ở bé trai khoảng 50% có nguyên nhân, một số trường hợp DTS có tính gia đình (mẹ hoặc chị em gái cũng bị DTS). Bé trai khi DTS thường kèm theo các vấn đề sức khỏe khác như: u não, u tuyến thượng thận, tăng sinh thượng thận” - BS Trang cho hay.
Cũng theo BS Trang, DTS làm cho cốt hóa đầu xương nhanh. Nghĩa là do phát triển nhanh hơn nên xương của trẻ cũng sẽ “đóng” nhanh hơn khiến cho chiều cao khi trưởng thành của trẻ không bằng những trẻ bình thường. Một số trường hợp bé gái có kinh nguyệt sớm sẽ gây ảnh hưởng không tốt cả về tâm sinּh lּý của trẻ (trẻ mặc cảm, bị bạn bè trêu chọc, có nguy cơ bị lạm dụng tìnּh dụּc…).
Về điều trị, thông thường, trẻ được chỉ định tiêm thuốc khi phát hiện dậy thì trước 8 tuổi; trường hợp trên 8 tuổi và dưới 9 tuổi, trẻ chỉ được chỉ định tiêm thuốc trong trường hợp có kinh nguyệt (đối với bé gái). Trẻ tiếp tục được theo dõi tuổi xương cho đến khi được 11 hoặc 12 tuổi rồi mới chấm dứt điều trị.
BS Trang khuyến cáo, khi dưới 8 tuổi mà trẻ có các dấu hiệu như: vú to hơn bình thường, chiều cao vượt trội, có lông ở vùnּg kíּn, có mùi cơ thể, có huyết trắng, có kinh nguyệt (đối với nữ), xuấּt tinּh vào buổi sáng (đối với nam)…, cha mẹ nên cho con đi khám DTS. Nếu đi khám trễ quá thì có thể đã quá tuổi được chỉ định tiêm thuốc hoặc khi đó tiêm thuốc sẽ không đạt hiệu quả cao.
“Các nghiên cứu hiện nay cho thấy thuốc không có ảnh hưởng đến sự sinh sản về sau của người bệnh. Thông thường, sau khi ngưng tiêm thuốc từ 2 tháng đến 62 tháng (trung bình là 2 năm), bé gái bắt đầu có kinh nguyệt lại và phát triển bình thường” - BS Trang cho hay.