Đảng ta ra đời ngày 3-2-1930 đã chấm dứt sự bế tắc, khủng hoảng kéo dài về đường lối cứu nước của cách mạng Việt Nam. Nhân dân ta phải sống cuộc đời lầm than, cơ cực, bị bóc lột tận xương tủy dưới chế độ thực dân, phong kiến. Dân tộc và nhân dân ta đang cần “Ngọn đuốc” soi đường, chỉ lối và dẫn dắt, để nhân dân vùng lên xóa bỏ ách thống trị của thực dân, phong kiến, giành lại cơm no, áo ấm. Chính lúc này Bác Hồ, Đảng đã đưa ánh sáng của Chủ nghĩa Mác - Lênin về với dân tộc Việt nam, kết hợp với phong trào yêu nước và phong trào công nhân lao động để thành lập nên Đảng cộng sản Việt Nam. “Màu cờ đỏ của Đảng chói lọi như mặt trời mới mọc, xé tan cái màn đêm đen tối, soi đường dẫn lối cho nhân dân ta vững bước tiến lên con đường thắng lợi trong cuộc cách mạng phản đế, phản phong”. Những đảng viên Đảng cộng sản đã hy sinh cả bản thân và gia đình để giành lấy độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân. Nhà thơ Tố Hữu đã viết trong bài Trăng trối: “Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu/ Dấn thân vô là phải chịu tù đầy/ Là gươm kề tận cổ, súng kề tai/ Là thân sống chỉ coi còn một nửa”.
Đảng ra đời là kết quả từ sự cần thiết tất yếu khách quan của xã hội Việt Nam cuối những năm 20 đầu những năm 30 của thế kỷ XX. Chỉ sau 15 năm ra đời, Đảng đã lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân, phát triển rộng khắp trên cả ba miền: Bắc, Trung, Nam. Đặc biệt thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 “long trời, lở đất”, làm nên kỳ tích trong lịch sử của dân tộc ta. Đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, đưa dân tộc Việt Nam sang một kỷ nguyên mới - độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đưa “Nhân dân ta từ thân phận nô lệ, trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội”. Minh chứng là, ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Song Thực dân Pháp quyết tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Đảng đã tiếp tục lãnh đạo nhân dân trường kỳ kháng chiến, vượt qua khó khăn “Ngàn cân treo sợi tóc “ để giành chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Nhà thư Tố Hữu đã viết: “Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. Đây là chiến thắng chói lọi nhất của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược (1945-1954 ); đập tan dã tâm xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc chúng phải ký hiệp định Giơ-ne-vơ, kết thúc chiến tranh tại Đông Dương, mở ra thời kỳ mới cho cách mạng ba nước Việt Nam, Lào và Căm-pu-chia . Đó là thắng lợi vĩ đại không chỉ của nhân dân ta mà còn là thắng lợi chung của ba nước Đông Dương và các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Mỗi người dân Việt Nam, sâu thẳm trong trái tim mình đều biết ơn Đảng, Bác Hồ đã thay đổi cuộc đời họ từ người dân nô lệ trở thành người chủ đất nước, mang lại cho họ cơm no, áo ấm.
Giai đoạn 1954-1975, đất nước ta tạm chia cắt thành hai miền. Đảng ta tiếp tục lãnh đạo nhân dân xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng, tháng 9-1960, xác định: “Đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng đời sống ấm no hạnh phúc ở miền Bắc, củng cố miền Bắc thành cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình, thống nhất nước nhà”. Sự thật miền Bắc đã trở thành hậu phương lớn, vững chắc, chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, với khẩu hiệu “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”… Miền Nam là tiền tuyến lớn, là Thành đồng của Tổ quốc, nhân dân tiếp tục chiến đấu anh dũng, chịu đựng gian khổ, hy sinh, song vẫn một lòng, một dạ, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ. Với tinh thần: Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Nhiều tấm gương anh hùng đã làm rung động triệu con tim không chỉ trong nước mà còn trên thế giới như: Anh hùng Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý… Nhân dân miền Nam luôn hướng về trái tim miền Bắc, nơi có Đảng và Bác Hồ kính yêu, mong muốn cháy bỏng được đón Bác vào thăm sau ngày thống nhất. Đảng và Bác Hồ luôn tin tưởng và dõi theo những chiến công của đồng bào miền Nam. Bài thơ chúc Tết năm Kỷ Dậu 1969 cũng là bài thơ chúc Tết cuối cùng Bác dành cho đồng bào: “Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên chiến sỹ đồng bào/ Bắc Nam xum họp xuân nào vui hơn”. Đây vừa là tiếng gọi thiêng liêng của non sông, mệnh lệnh của trái tim, vừa là nhiệm vụ chiến lược của cách mạng. Bác luôn dành tình cảm đặc biệt cho đồng bào miền Nam. Bác nói “Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”. Bác luôn mơ ngày thống nhất đất nước để vào thăm đồng bào miền Nam ruột thịt. “Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà…”.
Khi Bác ra đi ngày 2-9-1969, nhân dân cả nước, từ già đến trẻ, từ miền ngược đến miền xuôi đều tuôn trào nước mắt, nhớ thương Bác không nguôi. “Người tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”. Đặc biệt, đồng bào miền Nam, đã bất chấp sự truy lùng, tra tấn của kẻ thù, nhân dân khắp nơi không chỉ tổ chức lễ tang Bác mà nhiều địa phương, nhiều gia đình còn lập bàn thờ, xây đền thờ để tưởng nhớ Người. Đồng bào dân tộc Pa Cô, Vân Kiều tại Quảng Bình còn xin được lấy họ Hồ của Bác (Hồ Chí Minh) cho cả dân tộc mình. Nghĩa cử này nói lên lòng tôn kính và biết ơn vô hạn của nhân dân cả nước đối với Đảng với Bác Hồ Kính yêu. Tại sao vậy? Bởi Đảng cộng sản Việt Nam, một đảng mác-xít chân chính, lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Đảng luôn đấu tranh vì độc lập dân tộc và hạnh phúc của Nhân dân. Nhân dân, dân tộc Việt Nam tin tưởng, tự nguyện đi theo Đảng và trao quyền lãnh đạo cho Đảng. Chính điều này đã phản bác lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động, thù địch trong và ngoài nước, cho Đảng ta là độc quyền lãnh đạo, không chịu chia sẻ quyền lãnh đạo cho các đảng phái khác, không vì Nhân dân.
Đại thắng mùa Xuân với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày 30-4-1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc thống nhất, non song thu về một mối. Đây là mốc son chói lọi, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và CNXH. Vị thế dân tộc ta được nâng cao trên trường quốc tế lại một lần nữa chứng minh rằng, chỉ có sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng cộng sản Việt Nam thì dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam mới giành được thắng lợi vĩ đại, là một nước nhỏ đã đánh thắng hai thực dân và đế quốc lớn là Pháp và Mỹ, mở ra giai đoạn cả nước xây dựng một nước Việt Nam XHCN. “XHCN mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ, có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại…; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; …Có Nhà nước pháp quyền XHCN, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng cộng sản lãnh đạo”. Một Việt Nam hội nhập, muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, độc lập dân tộc, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và cùng có lợi. “Nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN”. Nền kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và sẽ trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Với những thành tựu to lớn đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: Chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Đất nước ta thực sự đã sánh vai với các cường quốc năm châu, như Bác Hồ từng mong muốn. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 190 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có quan hệ ổn định lâu dài, đối tác chiến lược và chiến lược toàn diện với 30 quốc gia. Tham gia nhiều các tổ chức khu vực và quốc tế: Liên hiệp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF); Đại hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA)…
Cùng với phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Xây dựng Đảng là đạo đức, là văn minh, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, Chính phủ liêm chính, hành động. Bác Hồ từng nói: “Cán bộ là gốc của mọi công việc… Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Đảng cũng luôn xác định cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Từ đó Đảng ra luôn quan tâm công tác xây dựng Đảng và xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng. Các kỳ đại hội Đảng toàn quốc đều dành một thời lượng nhất định nói về công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ. Các nhiệm kỳ, nhất là mấy nhiệm kỳ gần đây, Đảng ta đều ban hành các nghị quyết về công tác cán bộ, như: Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba BCH Trung ương Đảng (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh; Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy BCH Trung ương (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; ba Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị... Tại Đại hội XIII của Đảng, trong Báo cáo chính trị, Đảng ta đã đề ra mục tiêu tổng quát là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN”.
Bên cạnh việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín. Đảng và Nhà nước luôn kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tham nhũng, lãng phí... Đảng đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực từ Trung ương đến cấp tỉnh. Quốc hội ban hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Với phương châm phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh, kịp thời, với bất kỳ ai, ở bất cứ cương vị nào, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Từ đó nhiều cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cao cấp đã bị xử lý kỷ luật hoặc truy tố trước Pháp Luật. Điều đó càng củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên những thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước luôn xuyên tạc những thành tựu của Đảng và Nhà nước ta, bôi nhọ, vu cáo chủ trương phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Họ rêu rao đây là sự đấu đá, thanh trừng nội bộ. Song sự thật, chân lý luôn được chứng minh và tỏa sáng trong thực tiễn cuộc sống. Đó là đông đảo nhân dân tin tưởng, hoan nghênh, ủng hộ và cùng tham gia phát hiện, tố giác; đó là các nước trên thế giới tin tưởng, công nhận và tôn trọng. Chính vì thế Đảng cộng sản Việt Nam mãi mãi là ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam; là niềm tin, là chỗ dựa vững chắc, là niềm tự hào của dân tộc ta, Nhân dân ta.