Vào năm 1999, một vụ trộm túi xách của người phụ nữ tại một bãi đậu xe của Walmart ở Roeland Park, Kansas, Mỹ đã được thông báo cho cảnh sát. Ngay sau đó, cảnh sát đã xác định được nghi phạm là Richard Jones và lập tức tiến hành lấy lời khai của nhân chứng.
Bất chấp việc Jones có bằng chứng ngoại phạm khi anh ở cùng bạn gái ở Thành phố Kansas trong thời điểm vụ án xảy ra và không có bất kì dấu vết nào cho thấy anh xuất hiện ở hiện trường, những nhân chứng của vụ việc lại đưa ra lời khai hoàn toàn khác.
Theo đó, nhân chứng mô tả kẻ tấn công là một người đàn ông gầy, da sáng, là người da đen hoặc gốc Tây Ban Nha với mái tóc sẫm màu hoàn toàn phù hợp với Jones. Sau khi xem ảnh chụp, các nhân chứng đều xác định rằng Jones chính là nghi phạm gây án.
Sau đó, anh lập tức bị kết án cướp giật có vũ khí bởi cảnh sát và phải chịu ngồi tù. Dù đã nhiều lần cố gắng kháng cáo nhưng đều không được chấp thuận. Phải đến khi The Midwest Innocence Project (tạm dịch: Dự án Vô tội Trung Tây) và Trường Luật Đại học Kansas cùng kết hợp để lật lại vụ án của Jones, mọi chuyện mới thực sự vỡ lở.
Không thể phân biệt được đâu là Richard Jones và Ricky Amos
Trong quá trình điều tra, các chuyên gia này phát hiện ra rằng tại nhà tù mà Jones đang thụ án có một "doppelgänger" (tạm dịch: song trùng, chỉ hai người có diện mạo y hệt nhưng không chung huyết thống) của anh và người này tên Ricky Amos.
Khi đặt bức hình chụp Richard Jones và Ricky Amos cạnh nhau, ngay cả thẩm phán và các nhân chứng đều không thể phân biệt được hai người họ.
Dù không có vật chứng, DNA hay dấu vân tay nào có thể khẳng định Amos dính líu tới tội ác năm 1999 ngoài việc họ xác định được Amos sống gần địa điểm gây án vào thời điểm đó nhưng Amos vẫn bị kết án thay cho Jones. Tuy nhiên, do thời hạn truy cứu trách nhiệm Hình Sự đã kết thúc nên tên này sẽ không phải đối mặt với việc truy tố tội danh.
Richard đoàn tụ với gia đình sau 17 năm ngồi tù oan
Về phía người bị đi tù oan suốt 17 năm (2000-2017), sau khi được xóa bỏ tội danh, thả tự do và đoàn tụ với gia đình, anh xúc động chia sẻ:
"Đối với các con tôi, đó là hành trình khó khăn, nhưng giờ chúng đã đủ khôn lớn để có thể hiểu được".
Đồng thời, để đền bù cho quãng thời gian bị oan cũng như tổn thất mà anh phải chịu đựng, Jones đã được chính phủ bồi thường số tiền khổng lồ lên tới 1 triệu USD (tương đương 23,4 tỷ đồng).
"Tôi không tin vào may mắn. Tôi nghĩ là mình đã được ban phước lành"- Jones nói với Kansas City Star.
Chia sẻ về trường hợp hy hữu này, một luật sư tham gia bào chữa trong vụ án cho biết: "Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên bởi họ trông quá giống nhau".