Trái phiếu bất động sản là một trong những tâm điểm của thị trường bất động sản năm 2022. Vào những tháng cuối năm, thị trường chứng kiến cuộc “chạy đua” mua lại trái phiếu trước hạn của doanh nghiệp bất động sản.
Bên cạnh đó, tính thanh khoản của thị trường khó khăn. Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản giảm dần theo các quý và hầu như không còn phát hành mới trong giai đoạn cuối năm. Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đáo hạn cuối năm 2022 và năm 2023 chiếm tỉ trọng lớn.
Thống kê đến hết tháng 10/2022 cho thấy, giá trị trái phiếu bất động sản đang lưu hành có quy mô 445.000 tỷ đồng, tức chiếm gần 34% trong tổng giá trị trái phiếu riêng lẻ đang lưu hành và chiếm gần 50% tổng giá trị trái phiếu của các tổ chức doanh nghiệp phi tài chính đạt hơn 896.000 tỷ đồng.
Theo dự báo của Hiệp hội bất động sản Việt Nam, từ quý II, quý III/2023, thị trường sẽ có những giao dịch thực, phát triển lành mạnh hơn khi những vướng mắc được tháo gỡ, tăng trưởng kinh tế khả quan, cùng với các chính sách, công cụ nhằm điều tiết cung - cầu bất động sản.
Đáng lưu ý, trong năm 2023, cả nước sẽ có khoảng 289.819 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Trong đó, số lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn rơi vào khoảng hơn 119.000 tỷ đồng.
Tính riêng tháng 1/2023, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn là gần 17.458 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở nhóm bất động sản và xây dựng. Cụ thể, nhóm doanh nghiệp bất động sản phải thanh toán 10.500 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, chiếm 60% giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn. Còn doanh nghiệp xây dựng phải thanh toán 5.900 tỷ đồng trái phiếu đến hạn, chiếm 34% giá trị trái phiếu đến hạn.
Nợ xấu gắn với trái phiếu doanh nghiệp bất động sản có thể tăng lên, nhà điều hành sẽ cần có sự can thiệp để giữ cân đối vĩ mô chứ không phải một động thái giải cứu cho một doanh nghiệp hay nhóm nhà đầu tư cụ thể nào.
Trái phiếu bất động sản là một trong những tâm điểm của thị trường bất động sản năm 2022. (Ảnh minh họa)
Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp bất động sản cần linh hoạt huy động vốn từ các kênh khác như phát hành trái phiếu, chào bán cổ phần, phát hành cổ phiếu, thuê tài chính…
Từ đó, doanh nghiệp có thể hướng tới phát triển minh bạch và chuyên nghiệp, nhất là hồ sơ tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán, thực hiện các cam kết, huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể. Đa dạng hóa nguồn cung để đảm bảo tiếp cận được với nhu cầu của các khách hàng khác nhau. Hoàn thiện và thực hiện công khai hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản để làm lành mạnh, minh bạch thị trường.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt nhân dịp đầu Xuân mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, bảo đảm thanh khoản và lưu thông tiền tệ là nhiệm vụ hết sức quan trọng của ngành ngân hàng, điều quan trọng là hướng dòng vốn đi đúng hướng.
Một nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng là tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản cả về phía người bán và người mua. Rà soát, điều chỉnh chính sách phù hợp, tháo gỡ khó khăn về tín dụng, nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp, nhà ở xã hội và cho công nhân.
“Tháo gỡ được những khó khăn của thị trường bất động sản sẽ góp phần tháo gỡ được nhiều vấn đề liên quan nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp và sở hữu chéo… Khó khăn là có, nhưng chúng ta không bó tay trước khó khăn, chọn điểm đột phá để thực hiện”, Thủ tướng khẳng định.