Trong bức thư cuối cùng gửi cho cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 8/2019, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tỏ ra không hài lòng với phản ứng của Washington và cảm thấy “bị xúc phạm" vì Mỹ tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc.
Bức thư đánh dấu sự kết thúc của một thời kỳ hỗn loạn trong quan hệ Mỹ - Triều Tiên, trong đó có lời đe dọa của ông Trump sẽ giáng “cuồng phong và thịnh nộ mà thế giới chưa từng thấy” lên Triều Tiên. Lá thư cũng dẫn đến chuỗi gặp mặt lịch sử giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Tuy nhiên, do thất bại trong việc đàm phán dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và đảm bảo an ninh, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã lựa chọn thay đổi cách tiếp cận để giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, quay trở lại tập trung vào việc nâng cấp chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.
Tờ Financial Times dẫn lời các chuyên gia nhận định Triều Tiên đã đạt được tiến bộ nhanh chóng trong việc nâng cấp kho vũ khí của nước này. Điều này được thể hiện qua bài phát biểu năm mới của nhà lãnh đạo Kim Jong-un khi ông tuyên bố sẽ tăng tốc sản xuất vũ khí hạt nhân “theo cấp số nhân” vào năm 2023 và nhấn mạnh rằng ông sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần thiết.
Ngay sau đó, Mỹ cùng các nước đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản có hành động đáp trả bằng việc tăng cường tuần tra các khu vực quân sự trên và xung quanh bán đảo Triều Tiên. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đảm bảo sẽ có hành động cứng rắn đối với Bình Nhưỡng nếu Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân.
Một số nhà phân tích lo ngại rằng chiến lược đua sức mạnh này khiến xung đột giữa các bên dễ bị đẩy lên cao.
“Mỗi khi Mỹ làm điều gì đó để trấn an Hàn Quốc rằng họ sẵn sàng bảo vệ họ, thì họ lại làm gia tăng quan ngại về khả năng Triều Tiên sẽ tấn công Hàn Quốc.” Sheen Seong-ho, giáo sư về an ninh quốc tế tại Đại học Quốc gia Seoul nhận xét. “Triều Tiên đang gửi đi thông điệp rằng họ không sẵn sàng bị hạ gục mà không chống trả.”
Cuộc đua vũ khí
Ngày 15/12/2022, đích thân nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đến khu thử nghiệm tên lửa tỉnh Pyongan để giám sát quá trình thử nghiệm động cơ đẩy tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn cỡ lớn do nước này tự phát triển. Nhà lãnh đạo Triều Tiên tỏ ra hài lòng với kết quả của thử nghiệm.
Theo FT, cuộc thử nghiệm trên đưa Triều Tiên tiến gần hơn tới việc sở hữu một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn. Công nghệ này cho phép đưa tên lửa vào trạng thái sẵn sàng một cách bí mật trước khi triển khai, khiến kẻ thù có ít thời gian phòng vệ hơn so với nhiên liệu lỏng.
Đây là một trong nhiều ví dụ gần đây về quá trình Bình Nhưỡng tiếp cận hoặc vượt qua các ngưỡng kỹ thuật hạt nhân quan trọng. Kho vũ khí hạt nhân của nước này ngày càng linh hoạt và khó bị phá hủy.
Tính đến hết năm 2022, Triều Tiên đã gần như hoàn tất việc thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17 có tầm bắn ước tính 15.000km - khoảng cách có thể vươn tới Mỹ. Nước này cũng từng thử nghiệm một tên lửa được trang bị đầu đạn hồi quyển cỡ lớn có khả năng cơ động (MaRV), khó đánh chặn và phá hủy hơn so với đầu đạn đạn đạo thông thường.
Nhưng diễn biến khiến các nhà hoạch định chính sách của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản lo ngại nhất là thế hệ vũ khí hạt nhân chiến thuật và đầu đạn hạt nhân có sức công phá thấp mới đây của Triều Tiên.
Vào ngày đầu năm mới 2023, Triều Tiên tiến hành bắn thử hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS) hạng nặng có cỡ nòng lên đến 600 mm - với vũ khí này ông Kim tuyên bố có thể tấn công bất cứ nơi nào tại Hàn Quốc.
Ankit Panda, một chuyên gia vũ khí hạt nhân tại tổ chức tư vấn Carnegie Endowment tại Washington, cho biết những vũ khí có sức công phá thấp này “có thể được sử dụng để nhắm bắn chính xác hơn vào các tài sản cụ thể của kẻ thù như cảng, sân bay, tàu hoặc nơi tập trung quân”.
Trong khoảng thời gian 20 ngày từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10/2022, Triều Tiên đã phóng 15 tên lửa mới được phát triển. Những tên lửa này có khả năng mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật, như là một phần của mô phỏng tấn công nhắm tới mục tiêu quan trọng của Hàn Quốc và Mỹ.
Các vụ phóng có sự tham dự của chính ông Kim Jong-un, bao gồm các tên lửa đạn đạo tầm ngắn được bắn từ các bệ phóng di động và đường sắt và một tên lửa khác bắn qua Nhật Bản từ một địa điểm gần biên giới với Trung Quốc.
Kim Jong-un theo dõi một vụ phóng tên lửa vào năm ngoái tại Triều Tiên. (Ảnh: KCNA)
Jeongmin Kim, một nhà phân tích của kênh NK Pro có trụ sở tại Seoul, cho biết: “Năm ngoái, Triều Tiên đã phóng số tên lửa nhiều hơn gấp đôi so với số tên lửa được phóng trong suốt thời kỳ cầm quyền của các cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il cộng lại”.
Vào tháng 9, ông Kim đã thông qua một chính sách hạt nhân cứng rắn hơn, buông lỏng giới hạn cho phép sử dụng hạt nhân, ví dụ như tấn công phủ đầu trong một vài tình huống không được xác định rõ.
Chính sách này nêu rằng trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vào “cơ quan chỉ huy và lãnh đạo nhà nước”, tấn công hạt nhân từ Triều Tiên sẽ được tiến hành “một cách tự động và ngay lập tức” - nói cách khác, quyền sử dụng hạt nhân có thể được giao cho cấp dưới ông Kim.
Điều này làm gia tăng lo ngại rằng Triều Tiên ngày càng coi kho vũ khí hạt nhân của mình là phương tiện để “đe dọa" Hàn Quốc. Kim Gunn, đại diện đặc biệt của Hàn Quốc về các vấn đề hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên, cho biết:
“Đây không phải là lần đầu tiên Triều Tiên thiết lập chính sách hạt nhân, nhưng trước đây họ nói rằng nó nhằm mục đích răn đe. Nhưng hiện tại họ nói rằng nó không chỉ để răn đe mà còn để tấn công phủ đầu, với các điều kiện linh hoạt, có nghĩa là họ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân của mình vào thời điểm họ thấy phù hợp.”
“Cam kết sắt đá"
Nhiều ý kiến cho rằng chính quyền Biden chưa quan tâm đúng mức tới Triều Tiên, đặc biệt khi Mỹ đang tập trung và Ukraine và xung đột với Trung Quốc. Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết Washington đã nỗ lực để can dự với Triều Tiên và sẵn sàng đàm phán không điều kiện. Nhưng ông cho biết Bình Nhưỡng có thể được tóm tắt là "gần như im lặng hoàn toàn" kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Biden.
Điều đó khiến Mỹ không còn nhiều lựa chọn ngoài việc tập trung vào việc trấn an các đồng minh của họ. Trong những tháng gần đây, Mỹ đã triển khai các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom B-52 có khả năng mang vũ khí hạt nhân tới bán đảo Triều Tiên. Những màn phô trương lực lượng này nhằm trấn an về “cam kết sắt đá” của Mỹ đối với Hàn Quốc.
Nhưng Seukhoon Paul Choi, cựu chiến lược gia tại trụ sở chiến tranh chung Mỹ-Hàn, nhận xét rằng Mỹ đang ưu tiên các cử chỉ mang tính biểu tượng hơn là những thay đổi thực chất đối với cách thức hoạt động của liên minh này.
Đây cũng là quan ngại của nhiều người trong cơ quan an ninh quốc gia Nhật Bản. Sugio Takahashi, người đứng đầu bộ phận chính sách quốc phòng tại viện Nghiên cứu Quốc phòng ở Tokyo, nói rằng Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cần tiến hành các cuộc tập trận mô phỏng trong kịch bản vũ khí hạt nhân thực sự được sử dụng.
Còn theo chuyên gia Ankit Panda, thuộc Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nhận định việc Mỹ trấn an Hàn Quốc và Nhật Bản luôn “có giới hạn", và quyết định có sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả hay không cuối cùng hoàn toàn thuộc về Tổng thống Mỹ.
Một quan chức cấp cao của Mỹ bác bỏ quan điểm cho rằng Washington không bàn bạc sâu với hai đồng minh việc sử dụng hạt nhân, gọi mức độ phối hợp giữa ba nước là “thực sự phi thường”. Mỹ mới đây cũng tuyên bố sẽ “kết thúc" chính sách thù địch của Triều Tiên trong trường hợp xấu nhất xảy ra.
Tuy nhiên, ông Panda lại cho rằng cam kết này của Mỹ là "nhà giàu khoe của", khuyến nghị rằng Washington không nên đưa ra những cam kết quá rõ ràng, và rằng Mỹ chưa từng đưa ra đe dọa mức độ này với các nước khác như Nga hay Trung Quốc. Ông Choi cũng đồng tình với nhận định này.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan ra khơi ngoài khơi Hàn Quốc vào tháng 9/2022. (Ảnh: Getty Images)
Khi được hỏi liệu Mỹ có tuân theo cam kết chấm nêu trên hay không, đặc phái viên hạt nhân Hàn Quốc Kim Gunn nói rằng tốt nhất “không nên thử".
Ông Choi lập luận rằng lập trường cứng rắn của Hàn Quốc đã được chứng minh bằng thực tế là Triều Tiên đã không cố gắng tấn công với mức độ nghiêm trọng tương đương kể từ vụ việc đảo Yeonpyeong năm 2010. Nhưng ông thừa nhận rằng “căng thẳng không thể hòa giải” giữa Mỹ và hai đồng minh có thể xuất hiện nếu một sự cố tương tự xảy ra vào năm 2023.
“Hàn Quốc lo sợ bị Mỹ bỏ rơi trong trường hợp xảy ra xung đột, trong khi Mỹ lo sợ bị Hàn Quốc lôi kéo vào một cuộc xung đột”, ông nói thêm.
Sai lầm trong chiến lược
Cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều không lùi bước trước các động thái có phần khiêu khích của Triều Tiên.
Vào tháng 11/2022, Hàn Quốc tiến hành thử nghiệm hệ thống đánh chặn tên lửa đất đối không tầm xa, hay L-SAM, trong khi Nhật Bản cũng thử nghiệm thành công hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo Standard Missile-3.
Các cuộc thử nghiệm, được tiến hành cách nhau vài ngày, sau hội nghị thượng đỉnh ba bên với Mỹ, tại đó họ cam kết tăng cường chia sẻ thông tin theo thời gian thực và hợp tác để đối phó với mối đe dọa tên lửa ngày càng tăng của Triều Tiên.
Nhưng hai nước này cũng đang tìm cách củng cố khả năng phòng thủ độc lập của mình, lo ngại rằng cử tri Mỹ có thể bầu một tổng thống với lập trường khác.
Chiến lược an ninh quốc gia mới của Nhật Bản, sẽ được hỗ trợ bởi ngân sách quốc phòng trị giá 322 tỷ USD, dự kiến phát triển khả năng “phản công” mới có thể cho phép nước này cố gắng tiêu diệt tên lửa của đối phương trước khi chúng được phóng đi. Quan chức Nhật Bản cho biết đây là cơ sở cho việc Tokyo tham gia sâu hơn vào các cuộc thảo luận với Mỹ và Hàn Quốc về Triều Tiên.
Đối với các nhà hoạch định chính sách của Mỹ, một mối quan tâm cấp bách là nếu họ không trấn an được Hàn Quốc, có thể nước này sẽ quyết định độc lập xây dựng năng lực vũ khí hạt nhân, và có khả năng buộc Nhật Bản phải làm theo.
Go Myong-hyun, thành viên cao cấp tại viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul, cho rằng Hàn Quốc và Mỹ không nên từ bỏ các cuộc tập trận quân sự chung, bất kể điều này có khả năng khiêu khích Triều Tiên.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Ankit Panda, vấn đề cơ bản là Mỹ và các đồng minh đang sử dụng mối đe dọa trừng phạt để ngăn chặn Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân, đồng thời cố gắng buộc Bình Nhưỡng từ bỏ hoàn toàn hạt nhân. Đây là một “sơ suất trong chiến lược", ông nhận định.
Điều đó đặt ra câu hỏi là liệu ba nước này có thể cùng Triều Tiên giảm thiểu rủi ro xung đột hay không khi tiếp tục khẳng định rằng mục tiêu cuối cùng của họ là phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Kim Gunn, đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc, khẳng định rằng ông Kim Jong-un cuối cùng sẽ trở lại bàn đàm phán: “Họ bị cô lập hơn về mặt ngoại giao, đồng thời tình hình kinh tế của họ ngày càng tồi tệ hơn. Khi thời gian trôi qua, Triều Tiên có lựa chọn nào khác?”
Nhưng Jeongmin Kim của NK Pro đặt câu hỏi rằng liệu thời gian có thực sự đứng về phía Mỹ và các đồng minh hay không. “Trước nay, Triều Tiên xây dựng năng lực hạt nhân để tạo đòn bẩy cho các cuộc đàm phán trong tương lai.” Bà nhận định, “Tuy nhiên, lần này, ông Kim Jong-un dường như quyết tâm buộc thế giới phải công nhận Triều Tiên là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân bằng mọi giá”.