Ngành Nông nghiệp Tây Ninh tập trung nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Với quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp lên đến 265.495 ha cùng các điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi, Tây Ninh có nhiều lợi thế vượt trội để phát triển nông nghiệp.
Ngành Nông nghiệp Tây Ninh tập trung nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững
Ngành Nông nghiệp Tây Ninh áp dụng công nghệ cao trong nuôi trồng và trồng trọt.

Để phát huy lợi thế đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021 – 2025 với mục tiêu cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản...

Cơ cấu lại sản xuất với các sản phẩm chủ lực

Năm 2022 được xem là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021–2025. Ngành Nông nghiệp tỉnh đã chủ động định hướng cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương. Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông, lâm, thủy sản của tỉnh duy trì ở mức khá, đạt 8.966 tỷ đồng, đóng góp 18,6% vào cơ cấu kinh tế. Ước tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm trên địa bàn tỉnh đạt 156.873 ha, bằng 62,5% so kế hoạch.

Chăn nuôi từng bước chuyển đổi theo định hướng chăn nuôi tập trung. Trên địa bàn tỉnh có 634 trang trại gia súc với tổng đàn gần 194.800 con (chiếm 47,5% tổng đàn gia súc); 102 trang trại gia cầm với tổng đàn 6,1 triệu con (chiếm 57% tổng đàn gia cầm) được nuôi theo hình thức trang trại tập trung. UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư 16 dự án chăn nuôi với tổng mức đầu tư 1.231 tỷ đồng. Đồng thời xu hướng chuyển đổi số trong nông nghiệp mở ra tiềm năng, cơ hội về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm. Các chính sách hỗ trợ, phát triển sản xuất của tỉnh đã được ban hành và từng bước đi vào cuộc sống, tạo động lực lớn thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo đúng định hướng.

Theo Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025, ngành Nông nghiệp tỉnh phấn đấu đến năm 2025, bình quân giá trị sản xuất đất trồng trọt đạt 115 triệu đồng/ha; cơ cấu nông - lâm - thủy sản trong tổng sản phẩm của tỉnh chiếm 14-15%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt trên 25%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) đạt trên 40%. Kế hoạch hướng đến mục tiêu cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nông thôn phát triển và nông dân giàu mạnh; nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh của các ngành hàng nông nghiệp nói riêng và toàn ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh nói chung.

Để thực hiện Kế hoạch trên, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành Nông nghiệp tỉnh Tây Ninh tập trung triển khai là cơ cấu lại sản xuất theo từng lĩnh vực. Trong đó, cơ cấu lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt theo hướng tăng diện tích cây ăn quả, các loại rau; giữ ổn định diện tích cây mía, cây mì và giảm diện tích cây cao su ở địa bàn không phù hợp để chuyển đổi sang cây trồng có giá trị cao hơn. Trong chăn nuôi, phát triển chăn nuôi lợn, bò và gia cầm theo hướng trang trại công nghiệp, quy mô lớn, tăng đàn lợn chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học. Mặt khác, ngành còn đẩy mạnh phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương thông qua chương trình mỗi xã một sản phẩm. Đẩy mạnh liên kết trong sản xuất và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, kêu gọi các nhà đầu tư có thực hiện chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ, cung cấp giống, vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân.

Ngành Nông nghiệp tỉnh Tây Ninh sẽ tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách, huy động nguồn lực; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất; phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản; tăng cường thông tin thị trường và xúc tiến thương mại; khai thác tốt tiềm năng thị trường từ các hiệp định thương mại tự do và các cam kết, thỏa thuận hợp tác đã ký kết;...

Trồng trọt theo phương thức hiện đại.

Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, phát triển nông nghiệp ƯDCNC đang là xu thế phát triển tất yếu nhằm tạo bước đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền sản xuất nông nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế và là bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh. Đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng mà Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021 – 2025 hướng đến. Hiện nay nhiều mô hình nông nghiệp CNC đã được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong sản xuất.

Theo đó, tổng diện tích gieo trồng ƯDCNC trên địa bàn tỉnh đạt 98.745 ha (chiếm 25,6% tổng diện tích gieo trồng), tập trung vào nhóm cây ăn trái (mãng cầu, sầu riêng, các loại cây có múi, chuối, xoài, nhãn, mít, thanh long,...) 20.345 ha; nhóm cây thực phẩm (rau và đậu các loại) 19.900 ha; một số loại cây khác như mía, mì chiếm 58.500 ha. Hệ thống tưới tự động và bán tự động được trang bị trong các nhà màng, nhà lưới khoảng 55 ha; sử dụng thiết bị điều khiển hiển thị trên điện thoại thông minh và qua các thiết bị cảm biến để điều chỉnh lượng nước tưới và nhiệt độ, độ ẩm thích hợp; đồng thời kết hợp hệ thống tưới tự động với việc bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật để phòng trị sâu bệnh hại, tránh ảnh hưởng sức khỏe của người nông dân. Công nghệ tưới tiết kiệm nước như tưới phun, tưới nhỏ giọt được sử dụng phổ biến với diện tích trên 114.500 ha.

Tất cả trang trại đều áp dụng CNC trong sản xuất như hệ thống thức ăn tự động, dùng công nghệ thông tin quản lý đàn và dịch bệnh, ƯDCNC trong sản xuất thức ăn xanh, phối trộn thức ăn theo phần mềm, cơ giới hóa, tự động hóa trong các khâu, sản xuất khép kín, an toàn sinh học, phù hợp với sản xuất thực phẩm an toàn theo thông lệ quốc tế. Xử lý chất thải trong chăn nuôi với các mô hình ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà, vịt; còn chăn nuôi heo xử lý chất thải bằng biogas. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp đã hỗ trợ 62 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, việc ứng dụng tiến bộ, khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến đáng kể, góp phần hoàn thành một số mục tiêu trọng tâm trong thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp như gia tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, nhất là các sản phẩm chủ lực của tỉnh, từ đó nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của nông sản tỉnh, cũng như góp phần nâng cao tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp CNC.

Ước đến cuối năm 2022, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ƯDCNC đạt gần 37%. Tỉnh cũng định hướng phát triển 17 vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC. Mỗi vùng sản xuất được chứng nhận phải hình thành ít nhất 1 chuỗi liên kiết, tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết. Bên cạnh đó, để thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, Tây Ninh tập trung triển khai 2 đề án: vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC của tỉnh và vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC huyện Tân Châu. Đia phương hiện đang phối hợp ngành chức năng đưa các doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Nafoods Group, Tập đoàn TH True Milk, Tập đoàn Hùng Nhơn, Công ty TNHH Đầu tư Xúc tiến thương mại vận tải Thành Đạt, khảo sát thực địa các khu đất phù hợp trên địa bàn huyện Tân Châu để lựa chọn địa điểm đầu tư, sớm triển khai và phát huy hiệu quả.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật