“Bỏ quên” thương mại, Mỹ đang nhường “át chủ bài” về tay Trung Quốc

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Với việc ’bỏ quên’ thương mại trong chiến lược an ninh quốc gia và xu hướng bảo hộ ngày càng tăng trong quá trình hoạch định chính sách trong nước, Mỹ rõ ràng có nguy cơ bị tụt lại phía sau.
“Bỏ quên” thương mại, Mỹ đang nhường “át chủ bài” về tay Trung Quốc
Trung Quốc đang đẩy mạnh xây dựng các mối quan hệ thương mại và kinh tế, và chắc chắn rằng những điều này cũng củng cố quyền lực chính trị của nước này. (Nguồn: Getty)

Theo trang mạng aspistrategist.org.au, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mất khá nhiều thời gian để đưa ra chiến lược an ninh quốc gia, và chiến lược này cuối cùng đã được công bố vào tháng 10/2022. Chiến lược nêu rõ, Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh duy nhất của Mỹ, âm mưu định hình lại trật tự quốc tế và ngày càng có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để làm như vậy”.

Thương mại - Công cụ bị thiếu trong chiến lược mới của Mỹ

Trong số tất cả các công cụ mà Mỹ có thể triển khai trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc mới này, một công cụ quan trọng đang bị thiếu trong chiến lược mới của Washington, đó là thương mại. Trung Quốc trỗi dậy được là nhờ đã thành công trên con đường trở thành một cường quốc thương mại.

Các chính quyền trước đây của Mỹ hiểu rằng, thương mại là chìa khóa cho sự thống trị toàn cầu của Mỹ. Chẳng hạn, chiến lược an ninh quốc gia năm 2015 của Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama đã vạch ra một chương trình nghị sự thương mại đầy tham vọng, được thiết kế để đưa Mỹ trở thành “trung tâm của khu vực thương mại tự do chiếm 2/3 nền kinh tế toàn cầu”.

Chính quyền của ông Obama sau đó đã đàm phán một hiệp định thương mại với 11 quốc gia khác ở vành đai Thái Bình Dương, ngoại trừ Trung Quốc, và một Hiệp định đầu tư xuyên Đại Tây Dương. Nhưng cả Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) đều bị người kế nhiệm của ông Obama là Tổng thống Donald Trump hủy bỏ.

Chiến lược của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden nêu rõ rằng “sự thịnh vượng của nước Mỹ dựa vào một hệ thống kinh tế quốc tế và thương mại công bằng và cởi mở”. Tuy nhiên, chiến lược này tránh dùng từ “tự do” khi đề cập thương mại, và không đưa ra kết luận chính sách nào từ quan sát quan trọng này.

Thay vào đó, nó nhấn mạnh các biện pháp “ngoài thương mại”, với nhiều tham chiếu đến các nỗ lực của Hội đồng Công nghệ và Thương mại Liên minh châu Âu-Mỹ và nhóm Bộ tứ gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ nhằm giải quyết các vấn đề về chuỗi cung ứng thông qua các biện pháp kiểm soát đầu tư và công nghệ chặt chẽ hơn.

Đây chắc chắn là những mối quan tâm quan trọng. Tuy nhiên, những biện pháp như vậy không thể thay thế cho một chính sách mạnh mẽ hướng tới mở cửa thị trường toàn cầu cho thương mại và đầu tư. Kinh nghiệm gần đây cho thấy tại sao việc theo đuổi các hiệp định thương mại mới vẫn nên là ưu tiên hàng đầu.

Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Hàn Quốc chỉ mới hình thành được hơn 1 thập niên, nhưng nó đã thúc đẩy thương mại song phương lên hơn 50%, mang lại lợi ích sâu rộng cho cả hai bên. Đồng thời, thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh đã giảm khoảng 15% kể từ khi Anh rời EU (Brexit), đặc biệt là với những tác động có hại rõ ràng đối với nền kinh tế của nước này.

Mặc dù không có thuế quan mới, song nhiều quy tắc, quy định và tiêu chuẩn hiện phải được điều chỉnh. Các hiệp định thương mại tự do thường được coi là điều hiển nhiên. Nhưng như những ví dụ này cho thấy, chúng rất quan trọng.

Chương trình nghị sự thương mại mạnh mẽ của Bắc Kinh

Mặc dù Trung Quốc không phải lúc nào cũng tuân thủ các cam kết của mình trong các hiệp định thương mại, nhưng điều đó không ngăn cản nước này làm sâu sắc thêm các mối quan hệ thương mại.

Trung Quốc hiện là nền kinh tế thành viên lớn nhất của Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - hiệp định thương mại lớn nhất thế giới. Bắc Kinh cũng đã nộp đơn xin tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP, không có Mỹ), mà tiền thân của hiệp định này là TPP.

Do đó, không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của chương trình nghị sự thương mại mạnh mẽ của Trung Quốc.

Trung Quốc đang đẩy mạnh xây dựng các mối quan hệ thương mại và kinh tế và chắc chắn rằng những điều này cũng củng cố quyền lực chính trị của nước này.

Sự khác biệt giữa quỹ đạo thương mại của Trung Quốc và Mỹ rất rõ ràng. Trong số 193 quốc gia trên thế giới, chỉ có 20 quốc gia coi Mỹ - vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới - là đối tác thương mại số 1 của họ.

Danh sách này bao gồm Canada, Mexico và nhiều nền kinh tế nhỏ ở Caribbean và Trung Mỹ, nhưng không có một quốc gia châu Á hay châu Phi nào.

Ngược lại, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của EU, và phần còn lại của thế giới ngày càng bị chia rẽ giữa 2 cường quốc thương mại này. Ngoài việc có ảnh hưởng ở phần lớn khu vực Thái Bình Dương, Trung Quốc còn rất quan trọng ở châu Phi và đang mở rộng ảnh hưởng đáng kể vào Mỹ Latinh.

Điều đáng chú ý là hiện có hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có thương mại với Trung Quốc, gấp đôi so với thương mại với Mỹ.

Với việc “bỏ quên” thương mại trong chiến lược an ninh quốc gia và xu hướng bảo hộ ngày càng tăng trong quá trình hoạch định chính sách trong nước, Mỹ rõ ràng có nguy cơ bị tụt lại phía sau.

Mặc dù EU có thể và nên ủng hộ các mối quan hệ thương mại toàn cầu sâu rộng và cởi mở hơn, nhưng việc Mỹ vắng mặt trong những nỗ lực này có nghĩa là Trung Quốc sẽ tiếp tục chiếm thế thượng phong. Điều đó sẽ dẫn đến sự phân nhánh địa chính trị rõ ràng trong tương lai.

Các nhà lãnh đạo Mỹ nên chăng xem xét lại lập trường hiện tại trước khi quá muộn?

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật