Anh Huỳnh Văn Khanh, xã Giang Hải, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2017-2022.
Vượt khó vươn lên
Anh Khanh đến với nghề trồng hoa súng cảnh không chỉ bởi vì đam mê, mà còn để thỏa mãn ước mơ khởi nghiệp của mình trên mảnh đất quê hương. Để biến vùng cát trắng ven biển thành những hồ hoa súng đủ sắc màu, anh đã trải qua nhiều khó khăn, thất bại trong quá trình khởi nghiệp.
Anh Khanh chia sẻ, sau khi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, vì gia đình khó khăn, anh không tiếp tục đi học mà xin vào phụ việc cho một nhà vườn chuyên trồng hoa, cây cảnh ở Huế.
Nhận thấy hoa súng thích hợp với khí hậu ở Thừa Thiên-Huế lại có thể kinh doanh, năm 2013 anh bắt tay vào trồng hoa súng cảnh với 15 triệu đồng dành dụm trong những năm đi làm thuê. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm trong việc chọn giống, chăm sóc nên lứa hoa súng đầu tiên của anh chết gần một nửa, số còn lại cũng còi cọc không ra hoa như mong đợi.
Không nản chí, năm 2015, anh rời quê vào tỉnh Đắk Lắk làm nghề đào giếng thuê để kiếm tiền, tích lũy vốn tiếp tục trồng hoa súng. Một năm sau, anh Khanh về lại quê hương để theo đuổi đam mê của mình.
Thời điểm này trong tay chỉ có 10 triệu đồng, anh xin bố mẹ vay Ngân hàng Chính sách xã hội thêm 20 triệu đồng để mua phân, giống, chậu... Cùng với đó, anh lên mạng xã hội và sưu tầm thêm tài liệu, sách liên quan đến kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa súng để bổ sung vốn kiến thức.
Thay vì mô hình trồng hoa súng nhỏ lẻ trong chậu như trước, anh tận dụng quỹ đất của bố mẹ đào hồ lót bạt thành ao cạn và mua bùn đổ vào, lắp hệ thống cấp thoát nước tự chảy hoàn chỉnh… để trồng hoa súng.
Lứa hoa đầu tiên khá thành công, anh mạnh dạn nhập nhiều giống hoa từ khắp nơi để đa dạng hóa nguồn hàng cung cấp ra thị trường. Bỏ công sức “ăn, ngủ” theo hoa súng, hai năm sau, anh Khanh đã có trong tay hai hồ rộng gần 1.000 m2 và hơn 300 chậu lớn trồng hoa súng. Bình quân mỗi tháng, anh Khanh thu về không dưới 30 triệu đồng.
Nhận thấy mô hình có hướng phát triển tốt, thị trường tiêu thụ tương đối ổn định, anh tiếp tục thuê thêm những bãi đất cát, đầm hồ bỏ hoang để phục hóa, phát triển thành những vùng hoa súng rực rỡ rộng hơn 5 ha. Nhà vườn của anh Khanh đang tạo việc làm cho 15 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 7-10 triệu đồng/tháng.
Anh Huỳnh Văn Khanh vừa được nhận bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2017 – 2022. Ảnh: Tường Vi - TTXVN
Theo anh Huỳnh Văn Khanh, hoa súng dễ trồng và chăm sóc. Tuy nhiên để cây ra hoa đúng thời điểm, đẹp, bền và cho màu chuẩn thì phải chú trọng khâu chọn giống và tuân thủ quy trình chặt chẽ, nhất là đối với việc nhân giống để cho ra một sản phẩm thuần.
Có những giống hoa súng chỉ mất thời gian vài tháng là cho ra hoa, nhưng cũng có giống phải mất đến vài năm. Loại hoa này ưa nắng nên thuận lợi trồng ở Huế vào 8 tháng đầu năm. Sang mùa đông, hoa súng rất khó trồng vì mưa nhiều và lạnh. Vì vậy, nhà vườn phải tăng cường các biện pháp chăm sóc và kéo dài thời gian trồng để có hoa phục vụ thị trường.
Xây dựng thương hiệu
Vượt qua bao khó khăn, thất bại, anh Huỳnh Văn Khanh đã thực hiện được ước mơ và tạo thương hiệu cho mình từ những vườn hoa súng trên vùng đất hoang hóa, sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả của quê hương. Để đáp ứng thị hiếu của người yêu hoa, anh Khanh thường xuyên cập nhật các giống hoa súng mới từ các nước về trồng và nhân giống.
Hiện nay, nhà vườn hoa súng của anh có hơn 100 giống hoa; trong đó có những màu độc, lạ do chính anh lai tạo nhờ tìm tòi, nghiên cứu. Những giống hoa này có giá trị cao hơn rất nhiều so với những loài hoa súng thông thường.
Mỗi chậu hoa súng thường có giá 35.000 – 300.000 đồng, dòng hoa súng cao cấp có giá giá từ 5 – 20 triệu. Ảnh: Tường Vi - TTXVN
Anh Huỳnh Văn Khanh cho biết: Hoa nhập từ các nước về có giá rất cao. Vì vậy, hơn 5 năm qua, anh đã nghiên cứu để nhân giống, lai tạo ra nhiều dòng hoa.
Những cây được lai tạo thành công cũng có giá tương đương như hoa được nhập về. Quá trình nhân giống quan trọng nhất là phải biết thụ phấn và lai tạo, thậm chí phải chấp nhận mất cây giống. Bởi vì có nhiều cây không phải nhân giống từ lá, hoa, mà phải cho cây mẹ mất đi để lai tạo ra những cây mới.
Sản phẩm của nhà vườn anh Khanh không chỉ tiêu thụ tại các vùng lân cận tỉnh Thừa Thiên-Huế mà đã vươn ra thị trường các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Mỗi chậu hoa súng thành phẩm có giá từ 35.000-300.000 đồng; cũng có những dòng hoa súng cao cấp có giá từ 5-20 triệu đồng. Để mở rộng thị trường, anh Khanh còn tuyển thêm cộng tác viên ở nhiều nơi và thực hiện quảng cáo trên các trang mạng xã hội như zalo, facebook…
Mỗi tháng, nhà vườn đưa ra thị trường khoảng 30.000 - 40.000 cây hoa súng, ước tính mang lại thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 10 tỷ đồng; sau khi trừ chi phí và nhân công lãi ròng khoảng 2 tỷ đồng/năm.
Bà Đặng Hoàng Ái Thụy, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Lộc đánh giá, mô hình trồng hoa súng cảnh của anh Huỳnh Văn Khanh mang lại hiệu quả cao. Không chỉ làm giàu cho bản thân trên quê hương, anh Khanh còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động với thu nhập ổn định.
Những năm qua, anh Khanh được công nhận là nông dân sản xuất giỏi cấp Trung ương và là 1 trong 4 tấm gương tiêu biểu đại diện cho nông dân tỉnh Thừa Thiên-Huế được biểu dương là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu toàn quốc lần thứ VI, giai đoạn 2017- 2022.
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, anh Huỳnh Văn Khanh cho biết, anh đang đầu tư mở rộng thêm 1,5 ha hoa súng cảnh và triển khai nhiều dự án mới như phát triển khu du lịch sinh thái hoa. Bên cạnh đó, anh tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu để trồng thêm hoa sen và hướng đến khôi phục các dòng sen cổ truyền của Việt Nam, đặc biệt là những dòng sen truyền thống của tỉnh Thừa Thiên - Huế.