Aleksandr Sladkov, phóng viên của Rossiya 1, thuộc Công ty Phát thanh và Truyền hình Nhà nước Toàn Nga (VGTRK) cho biết: “Chúng tôi đang củng cố lực lượng không quân ở tuyến đầu và lực lượng này đang hoạt động rất tích cực. Tên lửa hành trình mới X-69 (hay Kh-69) đang được đưa vào sử dụng kết hợp với máy bay để tiêu diệt các mục tiêu cố định trên mặt đất”.
X-69 đã được Tập đoàn Tên lửa Chiến Thuật của Nga công bố tại triển lãm Army 2022 tổ chức tại Moscow vào tháng 8 vừa qua.
Sức mạnh của tên lửa hành trình Kh-69
KH-69 do Cục Thiết kế Chế tạo Máy Nhà nước (GosMKB) “Rainbow” của Nga chế tạo. Nó được thiết kế để tấn công các mục tiêu cố định có tọa độ đã được xác định rõ.
Tên lửa hoạt động dựa trên sự kết hợp của hệ thống định vị quán tính INS, hệ thống định vị vệ tinh và thiết bị quang điện tử. Theo các dữ liệu được công bố chính thức, tên lửa này nặng khoảng 770kg, có tầm bắn hiệu quả là 290km, tốc độ khoảng 700 đến 1.000km/giờ.
Tên lửa có thể được trang bị đầu đạn nổ xuyên giáp hoặc đạn chùm nặng từ 300 đến 310kg. Hai loại đầu đạn này sẽ cho phép tên lửa chống lại nhiều mục tiêu, trong đó có cơ sở thông tin liên lạc, công nghiệp, vận tải, đạn dược và các cơ sở hạ tầng quân sự khác như sân bay, kho nhiên liệu và các mục tiêu hải quân. Đầu đạn chùm có thể được sử dụng để tiêu diệt các đội hình thiết giáp, tên lửa, thông tin liên lạc và phòng không của đối phương được triển khai trên chiến trường.
Sự kết hợp đáng gờm
Tên lửa này có mặt cắt ngang hình chữ nhật, được tích hợp vật liệu hấp thụ radar để gia tăng khả năng tàng hình. Nó có thể được đặt trong khoang chứa vũ khí bên trong của máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 Sukhoi Su-57. Cánh của tên lửa có thể gập gọn lại cho phép nó phát huy khả năng tàng hình mạnh mẽ hơn sau khi được phóng từ máy bay.
Ngoài tính năng nêu trên, Kh-69 có thể bay ở độ cao thấp, từ 50 đến 300m để vượt qua hệ thống phòng không của đối phương mà không bị phát hiện. EurAsian Times nhận định, việc tích hợp tên lửa hành trình tàng hình với máy bay tàng hình là một sự kết hợp cực kỳ đáng gờm.
Các chuyên gia cho rằng, máy bay tàng hình rất dễ bị phát hiện và tấn công bởi các mạng lưới phòng không hiện đại. Một khi nó đến gần hệ thống này các đặc tính tàng hình của máy bay sẽ khó phát huy hiệu quả do máy bay có kích thước lớn. Trong trường hợp này, tên lửa tàng hình, với kích thước nhỏ gọn có thể mang lại lợi thế bổ sung.
Ông Abhijit Iyer Mitra - một thành viên cấp cao tại viện Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột, đồng thời là chuyên gia quân sự giải thích rằng, tên lửa tàng hình sẽ khó bị radar của đối phương phát hiện trong suốt đường bay của nó. Ông nói thêm rằng, ngay cả khi tên lửa đến gần radar thì với kích thước hạn chế, nó vẫn là một mục tiêu nhỏ. Radar có thể không phát hiện được cho đến khi tên lửa bay cách mục tiêu 2 hoặc 3km và phòng không của đối phương sẽ có rất ít thời gian để phản ứng. “Khi tên lửa đã tiếp cận được mục tiêu thì mọi phản ứng đều quá muộn”, chuyên gia này lưu ý.
Chiến đấu cơ Su-57. Ảnh: Wikipedia
Kế hoạch tương lai cho Kh-69
Ngoài Su-57, Kh-69 cũng có thể được tích hợp với các máy bay chiến đấu đang hoạt động khác như MiG-29K, MiG-35, Su-30MK, Su-34 và Su-35 khi chúng được trang bị Bệ phóng AKU-58 (UVKU-50) cần thiết để phóng tên lửa này.
Trong một cuộc phỏng vấn với TASS thời gian gần đây, Tổng giám đốc tập đoàn tên lửa chiến thuật (KTRV) Nga, Boris Obnosov cho biết, Nga cũng có kế hoạch xuất khẩu tên lửa này. “Tôi chắc chắn trong tương lai, Kh-69 sẽ là một trong những loại tên lửa được đặt hàng nhiều nhất. Nó có tiềm năng xuất khẩu rất lớn”, ông Obnosov.
Một số báo cáo cho biết, tên lửa này có thể sánh ngang với các tên lửa hành trình do phương Tây sản xuất như AGM-158 JASSM, Scalp EG / Storm Shadow. AGM-158 JASSM do Mỹ sản xuất cũng là một tên lửa hành trình tàng hình và nó có tầm bắn khoảng 370 km, còn Storm Shadow được cho là có tầm bắn vượt quá 250 km.
Tuy nhiên, do Kh-69 được trang bị động cơ phản lực tương tự như tên lửa Kalibre, nên có thể trong tương lai, tầm bắn của phiên bản tên lửa mà quân đội Nga sử dụng sẽ được tăng lên, giống như biến thể tầm xa của tên lửa hành trình AGM-158 JASSM