Năm 2011, sau khi tốt nghiệp đại học, thầy giáo Trương Văn Phương đã đăng kí tham gia dạy tiếng Việt tại Lào. Hiện thầy Phương đang công tác tại Trường Tiểu học Thống Nhất, thị xã Thà Khẹt, tỉnh Khăm Muộn.
Người gieo mầm tiếng Việt
Đến với một vùng đất hoàn toàn xa lạ, chưa thông thạo để giao tiếp, văn hóa và đời sống sinh hoạt, cộng thêm nỗi nhớ gia đình khiến thầy giáo trẻ gặp không ít khó khăn.
Dù vậy, bằng tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề và nhiệt huyết tuổi trẻ, thầy Phương đã nỗ lực mỗi ngày để tiếng Việt được nối dài trên đất bạn Lào.
Để sớm hiểu hơn nơi mình làm việc, thời gian rảnh rỗi, thầy Phương theo chân học sinh về các gia đình Việt kiều để học tiếng Lào và tìm hiểu văn hóa của cư dân bản địa.
Học trò của thầy Phương chủ yếu ở bậc Tiểu học gồm con em người Lào và Việt kiều. Với sự gần gũi, thân thiện và hết lòng vì học sinh, thầy Phương luôn được các em yêu mến. Theo thầy Phương, học sinh người Lào cũng vô cùng hiếu học và đam mê tiếng Việt, đây chính là động lực giúp thầy Phương gắn bó với công việc tại Lào suốt 10 năm qua.
Thầy chia sẻ thêm: "Việc dạy chữ cho học sinh Lào đòi hỏi sự kiên nhẫn cao bởi tiếng Việt và tiếng Lào có sự khác biệt lớn. Khi dạy, ngoài chuẩn bị giáo án thì tôi vừa phát âm nhưng cơ thể phải làm rất nhiều động tác tạo hình, thậm chí phải thể hiện bằng hình vẽ trên bảng để người học dễ hiểu hơn".
Trên giảng đường, với vai trò là giảng viên tiếng Việt, thầy giáo Phương thường xuyên lồng ghép giới thiệu văn hóa Việt Nam, văn hóa Lào và chia sẻ tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt giữa hai nước.
Cùng với đó, lồng ghép các video clip về ẩm thực, văn hóa, trang phục của người Việt trong các bài giảng nhằm giúp sinh viên, học viên Lào hứng thú hơn với việc học tiếng Việt.
Theo thầy: "Học tiếng Việt thì phải hiểu tính cách của người Việt trước mới học tốt được. Chính vì thế, tôi thường xuyên đưa các học sinh của mình đến thăm quan, giới thiệu về khu lưu niệm nhà Bác Hồ tại tỉnh Khăm Muộn. Cho các em trải nghiệm Tết cổ truyền Việt Nam, Tết Trung thu”.
Thầy giáo Phương trên lớp học. (Ảnh: NVCC)
Thành quả lớn nhất mà thầy Phương nhận được sau những tháng ngày dài thực hiện nhiệm vụ đó chính là đã giúp nhiều học trò người Lào thông thạo tiếng Việt và tình yêu Việt Nam, qua đó tạo điều kiện để những học trò người Lào thực hiện nguyện vọng sang học tập tại các trường học ở Việt Nam.
Ân tình dành cho quê hương thứ hai
Sau hơn 10 năm sinh sống và làm việc trên nước bạn Lào, thầy Trương Văn Phương xem đất nước Triệu Voi như là quê hương thứ hai. Quãng thời gian này đã cho thầy Phương có những trải nghiệm quý giá mà đời người không dễ gì có được. Đó là được sống trong một nền văn hóa mới, được ăn cơm, được dạy các em học sinh những điều mới mẻ.
Thầy bộc bạch: “Qua những ngày tháng sống và làm việc tại đây, tôi cảm nhận được sự chân thành của bà con. Mọi người rất quý mến và dành nhiều tình cảm cho tôi. Bà con có rau, có cá, có gà đều mang tới cho. Tôi được sống trong tình yêu thương của mọi người, mọi khoảng cách địa lý, văn hóa như được xóa nhòa” .
Năm nào cũng thế, thầy giáo Phương cùng vợ và con gái 2 tuổi về quê ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đón Tết Nguyên đán cùng gia đình đã trở lại Lào để tiếp tục công việc.
Và mỗi lần trở về với bản thân thầy là một cảm xúc khó tả, bởi quê hương Việt Nam và đất nước Lào đều là những nơi gắn bó nhất.
Chia sẻ về những dự định sắp tới, thầy Phương cho biết hai vợ chồng thầy tiếp tục công việc dạy tiếng Việt trên đất nước Lào cho bà con Việt kiều và người dân có nhu cầu ở đây.
Thầy giáo Phương tham gia hoạt động tại Hội người Viêt Nam tỉnh Khăm Muộn. (Ảnh: NVCC)
Mới đây, thầy Trương Văn Phương đã về nước tham gia khoá tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên kiều bào do Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Trở về sau khóa tập huấn, thầy cho biết: "Tôi sẽ áp dụng công nghệ thông tin vào trong việc giảng dạy, để các em học sinh có hứng thú học tiếng Việt nhiều hơn.
Tôi mong muốn có sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa với các giáo viên dạy tiếng Lào. Bởi các giáo viên chính là cầu nối cho tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước”.