Chậm chi hỗ trợ tiền thuê nhà là do địa phương

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Việc nhanh hay chậm hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động do các địa phương quyết định và nếu chậm thì trách nhiệm này thuộc về địa phương.
Chậm chi hỗ trợ tiền thuê nhà là do địa phương
Công nhân Công ty CP Đầu tư và Xây dựng HODECO làm việc tại dự án The Light City ở TP Vũng Tàu đã được phê duyệt và chuẩn bị nhận tiền hỗ trợ thuê nhà Ảnh: VA

Cuối tháng 3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 08/2022 về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (NLĐ).

Theo thống kê, dự kiến trên cả nước có hơn 3,4 triệu NLĐ được thụ hưởng từ chính sách này với tổng số tiền hỗ trợ từ ngân sách khoảng 6.600 tỉ đồng.

Thủ tục hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ được thực hiện chậm nhất đến hết ngày 15-8. Thế nhưng theo báo cáo của Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) ngày 6-8 nêu rõ còn 12 địa phương chưa thực hiện giải ngân gói hỗ trợ này.

PV đã có những ghi nhận về tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà ở một số tỉnh, TP chưa chi hoặc tỉ lệ chi hỗ trợ còn thấp.

Chậm là do doanh nghiệp chưa rốt ráo

Theo UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, từ ngày 2-6, tỉnh đã triển khai thực hiện Quyết định 08/2022. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có khoảng 70.000 NLĐ dự kiến được chi hỗ trợ với kinh phí là 123 tỉ đồng.

Thời gian qua, các địa phương đã tích cực khẩn trương triển khai, lập tờ trình gửi Sở LĐ-TB&XH thẩm định trước khi sở chuyển qua UBND tỉnh duyệt chi. Tuy nhiên, đến nay tỉnh mới duyệt chi được gần 50% lượng hồ sơ. Có nhiều nguyên nhân, trong đó do một số địa phương, doanh nghiệp (DN) còn chậm và một phần do NLĐ chưa biết nhiều về chính sách để kê khai theo quy định.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ chi hỗ trợ, ngày 9-8, đại diện UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đã ký công văn chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH cùng các địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành việc triển khai Quyết định 08/2022 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Tại tỉnh Trà Vinh, ông Nguyễn Văn Út, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh, cho biết hiện tỉnh cũng đang khẩn trương thực hiện việc chi hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ trên địa bàn.

Theo đó, UBND tỉnh đã phê duyệt kinh phí khoảng 5 tỉ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho hơn 9.000 NLĐ đang làm việc trên địa bàn tỉnh.

“Tiền sẽ sớm được chuyển đến các DN để chi hỗ trợ cho NLĐ” - ông Út nói. Về việc tỉnh chậm chi hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ, ông Út cho biết do DN chậm hướng dẫn cho NLĐ làm thủ tục, hồ sơ có sai sót nên phải điều chỉnh nhiều lần.

Tỉnh Ninh Thuận cũng là một trong những tỉnh chậm giải ngân tiền hỗ trợ thuê nhà cho NLĐ. Ông Hà Anh Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Thuận, cho biết tỉnh có 32 công nhân ở Khu công nghiệp Thành Hải (TP Phan Rang - Tháp Chàm) đủ điều kiện được hỗ trợ theo Quyết định 08/2022 với số tiền 43 triệu đồng.

Giải thích về việc chậm giải ngân, ông Quang cho biết UBND tỉnh đã ra quyết định thực hiện Quyết định 08/2022. Sau đó, sở đã làm hồ sơ để hỗ trợ các công nhân. Tuy nhiên, Phòng Tài chính TP Phan Rang - Tháp Chàm chậm giải ngân số tiền trên.

“Chủ tịch UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm đã yêu cầu Phòng Tài chính tạm ứng ngân sách để chi cho các công nhân” - ông Quang nói.

Tại tỉnh Phú Yên, ông Nguyễn Tài Soa, Trưởng phòng Lao động - Việc làm, Sở LĐ-TB&XH tỉnh, cho biết toàn tỉnh có 25 công nhân của 11 đơn vị được hỗ trợ theo Quyết định 08/2022 với số tiền 28 triệu đồng. Hiện các công nhân đã được nhận số tiền hỗ trợ trên.

Theo ông Soa, sở cũng đang thúc giục các đơn vị tiếp tục rà soát để lập hồ sơ chi tiền hỗ trợ nếu có trường hợp thiếu sót. “Nếu sau ngày 15-8, các địa phương để xảy ra trường hợp thiếu sót thì phải tự bỏ ngân sách để chi cho công nhân” - ông Soa nói.

Việc chậm chi hỗ trợ hiện nay là do địa phương còn thờ ơ, chưa quan tâm. Vì vậy mới xảy ra tình trạng có tỉnh làm tốt, có tỉnh chưa giải ngân được đồng nào.

Chậm hỗ trợ, trách nhiệm thu‌ộc đị‌a phương

Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện 51/63 địa phương đã phê duyệt hồ sơ hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân của 17.356 DN với gần 1,2 triệu NLĐ (chiếm 67% số NLĐ đã nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ), kinh phí hỗ trợ trên 760 tỉ đồng. Trong đó, 31 địa phương thực hiện giải ngân 356 tỉ đồng cho trên 620.000 NLĐ, mới chỉ được 5,4% so với dự kiến nhu cầu hỗ trợ.

Còn 29 địa phương chưa giải ngân gói hỗ trợ. Đặc biệt, một số địa phương có số lượng dự kiến NLĐ được hỗ trợ lớn nhưng kinh phí giải ngân đến nay vẫn rất thấp như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Kiên Giang…

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, việc hỗ trợ chậm là do một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mực, còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo tham mưu và còn lúng túng trong việc bố trí, sử dụng kinh phí để hỗ trợ.

Cạnh đó, DN, chủ cơ sở cho thuê trọ sợ trách nhiệm, không dám xác nhận, lập hồ sơ đề nghị cho NLĐ. Bản thân NLĐ chưa nắm hết thông tin để chủ động làm thủ tục đề nghị hỗ trợ…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ sốt ruột trước tiến độ của các địa phương. Vì vậy, bộ đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để đôn đốc triển khai, bảo đảm nguyên tắc kịp thời, đúng ý nghĩa của chính sách này...

Trao đổi với PV, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh khẳng định việc chậm chi hỗ trợ hiện nay là do địa phương còn thờ ơ, chưa quan tâm. Vì vậy mới xảy ra tình trạng có tỉnh làm tốt, có tỉnh chưa giải ngân được đồng nào.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết hiện BHXH Việt Nam đã xác nhận hơn 3,1 triệu người tham gia BHXH thuộc đối tượng hưởng. Có nghĩa là DN đã lập hồ sơ gửi đi, còn lại việc phê duyệt chi tiền là do địa phương. “Vì vậy việc nhanh hay chậm thu‌ộc đị‌a phương quyết định và trách nhiệm này thuộc về địa phương…” - ông Thanh nhấn mạnh.•

Các địa phương khẩn trương thực hiện Quyết định 08/2022

Tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có văn bản chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chậm nhất trước ngày 15-8 tổ chức họp báo, giao ban với các địa phương để xác định nguyên nhân chậm trễ việc hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định 08/2022.

Các cơ quan, địa phương có giải pháp xử lý, đôn đốc giải quyết việc thực hiện chính sách bảo đảm khẩn trương, hiệu quả.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật