Sau khi mở cửa trở lại hoạt động du lịch, ngoài mục tiêu vực dậy ngành “công nghiệp không khói” sau thời gian “đóng băng” do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành du lịch Thanh Hóa còn đặt mục tiêu kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch; đồng thời đưa du lịch trở thành điểm đến hấp dẫn suốt cả 4 mùa. Để làm được điều đó, bên cạnh việc tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch thì tỉnh Thanh Hóa xác định phải chú trọng làm mới sản phẩm sẵn có và xây dựng thêm nhiều sản phẩm mới hấp dẫn, độc đáo. Do đó, bên cạnh những sản phẩm du lịch truyền thống như du lịch biển, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch tâm linh... thì nay sẽ tạo thêm sức hút bằng việc đưa các hoạt động khám phá, thể thao, văn hóa... hay xây dựng “một điểm đến - đa dịch vụ”, phát triển sản phẩm du lịch đẳng cấp, khu nghỉ dưỡng chất lượng cao để gia tăng trải nghiệm cho du khách.
Xác định rõ điều đó, ngay sau khi khởi động lại thị trường du lịch thì hàng loạt các sự kiện văn hóa, thể thao đã đi tiên phong, thu hút đông đảo khách du lịch tham gia, làm sôi động, kết nối và làm “tiền đề” cho du lịch phục hồi nhanh chóng. Các hoạt động đó diễn ra ở hầu khắp các địa phương có thế mạnh về du lịch biển, thác nước - là một trong những sản phẩm du lịch “trọng điểm” trong mùa du lịch hè như: TP Sầm Sơn, Hoằng Hóa, thị xã Nghi Sơn, Quảng Xương, Thạch Thành... Tại huyện Thạch Thành, nơi được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho những thác nước dài, nhiều tầng kỳ vĩ như thác Mây, thác Voi, thác Đẹn; hay những hồ nước rộng lớn quanh năm trong xanh như hồ Bỉnh Công, hồ Vũng Sú, suối nước nóng Vó Ấm cùng với những hang động đẹp gắn với di tích lịch sử - văn hóa, di chỉ khảo cổ như hang Con Moong, hang Lai... Phát huy tiềm năng, lợi thế đó, đồng thời để thu hút khách du lịch đến suốt 4 mùa trong năm, huyện đã và đang chú trọng phát triển, xây dựng nhiều tour, tuyến du lịch như: Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại thác Mây, thác Voi, thác Đẹn, suối khoáng nóng Thành Minh; du lịch văn hóa, tâm linh tại đền Phố Cát, chiến khu Ngọc Trạo, hang Con Moong; du lịch cộng đồng tại Thạch Lâm; du lịch trang trại nông nghiệp công nghệ cao tại Vân Du, Thành Tâm... Để tạo điểm nhấn thu hút khách đến với địa phương, huyện đã chỉ đạo các xã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, ẩm thực sôi động... Nhờ đó, lượng khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm trên địa bàn huyện trong 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt gần 50.000 lượt khách, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021, doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt khoảng hơn 40 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm 2022, tăng 6 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Việc làm mới sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, có chiến lược thu hút các dòng khách phù hợp cũng là mục tiêu được nhiều địa phương làm du lịch hướng đến. Trong đó, tập trung vào các sản phẩm mới như du lịch mua sắm, ẩm thực, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch xanh, du lịch MICE (du lịch kết hợp sự kiện, hội nghị, hội thảo)... Nói về vấn đề này, bà Trịnh Thị Lan, cán bộ phụ trách Phòng Truyền thông và Khai thác dịch vụ du lịch (Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ) cho biết: Khi thị trường du lịch nối lại, đối tượng hưởng ứng sẽ không phải những người ít đi du lịch mà phần lớn là những người yêu thích du lịch bị kìm nén nhu cầu trong thời gian dài, họ đã quen thuộc với những sản phẩm thông thường cho nên cần được tiếp cận những sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn. Sản phẩm du lịch mới có thể được xây dựng với điểm đến mới, hoặc điểm đến cũ nhưng gia tăng những trải nghiệm mới, hoặc tạo ra những phong cách du lịch mới. Đó cũng là cách làm mà Thành Nhà Hồ đang xây dựng để thu hút khách du lịch suốt 4 mùa. Chính vì vậy, ngay sau khi mở cửa lại hoạt động du lịch, Thành Nhà Hồ đã khai thác thêm tuyến tham quan di sản và làng cổ Đông Môn (xã Vĩnh Long), bao gồm các điểm tham quan: phòng trưng bày bổ sung Di sản thế giới Thành Nhà Hồ - đền thờ, bia ký nàng Bình Khương - hào thành phía Đông - đình Đông Môn - cổng Đông và tường thành phía Đông - thành nội - cổng Tây và tường thành phía Tây - nhà cổ Tây Giai - cổng Nam và tường thành phía Nam Thành Nhà Hồ. Mỗi điểm đến, du khách sẽ được trải nghiệm những sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn. Chẳng hạn, đến tham quan đình Đông Môn, du khách sẽ được chiêm ngưỡng kiến trúc đặc sắc của ngôi đình được đánh giá là một trong những đình làng to và đẹp nhất xứ Thanh. Hiện nay, đình là nơi thờ Thành Hoàng làng, đồng thời cũng là nơi chính quyền địa phương và dân làng sinh hoạt, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ và tín ngưỡng. Hay khi đến tham quan cổng Đông và tường thành phía Đông Thành Nhà Hồ, du khách sẽ được nghe hướng dẫn viên giới thiệu về cấu tạo tường thành, kỹ thuật xây dựng tường thành, chiêm ngưỡng phần tường thành đẹp nhất còn lại với những khối đá to khổng lồ; được check in những góc hình đẹp lưu niệm. Và khi tham quan thành nội, du khách sẽ được ngắm kiến trúc đôi rồng đá, bằng chứng duy nhất còn lại của các cung điện xưa; khám phá hố khai quật phát lộ năm 2021 được đánh giá là đợt khai quật có quy mô lớn nhất trong lịch sử khảo cổ học tại Việt Nam với những nền móng kiến trúc đặc sắc... Với những sản phẩm du lịch mới mẻ, hấp dẫn, thích hợp cho nhiều đối tượng du khách, lượng khách tìm đến tham quan, trải nghiệm ở Thành Nhà Hồ ngày càng nhiều. Trong tháng 7-2022, tổng lượt khách đến tham quan di sản này là 107.900 lượt, trong đó khách trong tỉnh là 70.135 lượt, khách ngoài tỉnh là 37.765 lượt.
Nhờ biết cách làm mới không chỉ với các sản phẩm du lịch dịch vụ, mà còn bằng sự năng động nhạy bén trong công tác kích cầu, du lịch Thanh Hóa đang dần xóa đi khái niệm điểm đến mùa vụ. Đây cũng chính là bước “chạy đà” thành công và sẵn sàng “bứt tốc” để du lịch vươn lên mạnh mẽ. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025, du lịch Thanh Hóa đón 16 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế là 850.000 lượt. Đồng thời, góp phần đưa du lịch trở thành 1 trong 5 trụ cột tăng trưởng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.