Mỹ và đồng minh nỗ lực gây sức ép lên Trung Quốc

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mỹ và các đồng minh thân cận trên khắp châu Âu và châu Á đang hợp tác chặt chẽ để đối phó “thách thức” từ Trung Quốc khi Bắc Kinh ngày càng cứng rắn.
Mỹ và đồng minh nỗ lực gây sức ép lên Trung Quốc
Tổng thống Mỹ (giữa) gặp các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid. Ảnh: AFP.

Lần đầu tiên, những đồng minh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thân cận nhất của Mỹ - Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand - tham dự Hội nghị thượng đỉnh thường niên của NATO - liên minh quân sự phương Tây hàng đầu, trong tuần qua.

Công bố khái niệm an ninh mới vào hôm 29/6, NATO lần đầu tiên chỉ đích danh Trung Quốc, nêu rõ “những tham vọng và chính sách của nước này thách thức lợi ích, an ninh và giá trị của tổ chức”.

Trong khi nhóm đồng minh này không xây dựng liên minh chính thức, các quốc gia như Nhật Bản và Australia - 2 nước từ lâu công khai đối đầu Trung Quốc - và châu Âu đang xích gần nhau hơn khi Trung Quốc ngày càng hành động căng thẳng.

Không chỉ vậy, Wall Street Journal nhận định "chiến dịch" của Nga ở Ukraine và quan hệ đối tác giữa Bắc Kinh và Moscow đã thúc đẩy liên minh này gắn kết chặt chẽ hơn nữa.

“Các nhà lãnh đạo châu Âu dường như từ bỏ ảo mộng về Trung Quốc, trong khi châu Á muốn hợp tác chặt chẽ với châu Âu trong chiến lược cạnh tranh lâu dài với Bắc Kinh”, Evan Medeiros - giáo sư nghiên cứu về châu Á tại Đại học Georgetown - cho biết.

Giới phân tích cho rằng sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa có thể thử thách các đồng minh trong việc cân bằng giữa điều mà họ coi là “mối đe dọa” từ Nga và thách thức lâu dài từ Trung Quốc.

Cảnh giác trước "mối đe dọa" từ Trung Quốc

Hội nghị thượng đỉnh NATO trong tuần qua chủ yếu tập trung vào Nga trong hiện tại và về lâu về dài. Mỹ và các thành viên NATO nhất trí tăng cường khả năng sẵn sàng của lực lượng quân sự ở châu Âu và bố trí thêm quân ở các nước phía đông.

Trong khi đó, lãnh đạo G7 nhóm họp vào đầu tuần này để bàn về cuộc chiến ở Ukraine và cách giảm thiểu tác động đối với lĩnh vực năng lượng toàn cầu, thực phẩm và các thị trường kinh tế khác. Họ cũng chỉ trích Trung Quốc, kêu gọi nước này đóng góp vào an ninh quốc tế và “không đe dọa, cưỡng ép, uy hiế‌p hoặc sử dụng vũ lực”.

"Trung Quốc không phải là đối thủ của chúng tôi, nhưng chúng tôi rõ ràng nhận thấy những thách thức nghiêm trọng mà nước này tạo ra”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết hôm 29/6.

Trong khi quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc vốn đã xấu đi trong thập niên qua, thì EU - đặc biệt là các thành viên lớn như Pháp hay Đức - thường đặt cam kết kinh tế lên trên các lo ngại về an ninh.

Tuy nhiên, thái độ này đã thay đổi trong vài năm qua. EU coi Trung Quốc là đối thủ "có tính hệ thống" vào năm 2019, tranh cãi về chủ đề công nghệ viễn thông 5G, vấn đề tại Tân Cương và Hong Kong, cũng như áp lực kinh tế với Lithuania trong quan hệ với Đài Loan.

Tổng thư ký NATO cũng thực hiện nghiên cứu và kêu gọi liên minh dành nhiều nguồn lực hơn nữa cho các mối đe dọa an ninh do Trung Quốc gây ra.

Trong những năm gần đây, các thành viên NATO như Vương quốc Anh đã điều tàu và máy bay vào các vùng biển và không phận xung quanh Trung Quốc, cùng với Mỹ phản đối yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Các nước thành viên châu Âu của NATO cam kết tăng cường khả năng phòng thủ sẽ cho phép Mỹ hướng thêm nguồn lực đến châu Á. Liên minh châu Âu và Mỹ cũng đã bắt đầu phối hợp để hạn chế Trung Quốc tiếp cận các công nghệ quan trọng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 28/6 gọi chiến lược của NATO là “bình cũ rượu mới”, nhấn mạnh đây là biểu tượng của “tâm lý chiến tranh Lạnh khi tự tưởng tượng ra kẻ thù và đối đầu giữa các bên”.

Nga - Trung xích gần

Động thái này từ các đồng minh của Mỹ một phần là hệ quả của sự liên kết ngày càng chặt chẽ giữa Nga và Trung Quốc. Cả hai nước này đều chỉ trích và khẳng định trật tự thế giới hiện nghiêng về phía Mỹ.

Việc cả hai hội nghị lớn của phương Tây vừa qua đều đề cập tới Trung Quốc cho thấy các đồng minh cảnh giác trước việc Bắc Kinh xích lại gần Moscow. Các quan chức Mỹ cho rằng việc đồng minh trên khắp châu Âu và châu Á bắt tay chặt chẽ với nhau sẽ giúp liên minh xử lý thách thức từ cả Nga và Trung Quốc cùng lúc.

Những điều EU và NATO đang làm, “bao gồm cả quan hệ đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cho thấy sự gắn kết ngày càng tăng giữa hai bên, nhằm đối phó mối đe dọa từ Trung Quốc và thách thức từ Nga”, Amanda Sloat - Giám đốc cấp cao phụ trách các vấn đề châu Âu tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ - cho biết.

Vào ngày 4/2, ba tuần trước khi Nga tấn công Ukraine, hai nước này đã đưa ra tuyên bố dài 5.000 từ lên án Mỹ và các đồng minh ở châu Âu và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trung Quốc và Nga xích lại gần nhau khiến Mỹ và đồng minh lo ngại. Ảnh: Reuters.

Tuần trước, ông Tập cho rằng "chiến dịch" ở Ukraine là hệ quả từ tham vọng của Mỹ và NATO.

"Khi chiến sự Ukraine nổ ra, câu chuyện đang rẽ sang cùng một hướng, hướng tới lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc", Janka Oertel - Giám đốc chương trình châu Á tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu - nhận định.

Các quan chức Mỹ cho biết việc châu Âu thay đổi quan điểm về Trung Quốc, đã khuyến khích sự hợp tác nhiều hơn nữa với các đồng minh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tài liệu chiến lược mới của NATO đề cập đến mối quan hệ tăng cường giữa Trung Quốc và Nga, cũng như mối đe dọa từ hoạt động mạng của Bắc Kinh, cùng với sự kiểm soát của Trung Quốc với công nghệ, cơ sở hạ tầng, nguyên vật liệu chiến lược và chuỗi cung ứng.

“Chúng tôi nhận thấy sự liên kết, cách sử dụng các chiến thuật hỗn hợp (hybrid tactics), cách Trung Quốc tin vào một số tuyên bố đến từ Nga và ngược lại", Julianne Smith - Đại sứ Mỹ tại NATO - cho hay. “Đây là phần rất quan trọng trong môi trường chiến lược mà NATO nhận thấy liên minh này phải đối mặt".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật