Làng cổ Phước Tích- ngôi làng trường thọ và hiếu học, giáo sư, tiến sỹ nhiều, cử nhân, thạc sỹ đếm không xuể

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế)- ngôi làng hội đủ khá nguyên vẹn những giá trị văn hóa của làng Việt xưa, là di sản quốc gia ẩn chứa nhiều điều rất đặc biệt.Theo dõi trên
Làng cổ Phước Tích- ngôi làng trường thọ và hiếu học, giáo sư, tiến sỹ nhiều, cử nhân, thạc sỹ đếm không xuể
Một ngôi nhà rường cổ ở làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Doanh Doanh.

Xem Video: Làng cổ Phước Tích- ngôi làng trường thọ và hiếu học, giáo sư, tiến sỹ nhiều, cử nhân, thạc sỹ

Phước Tích-xứ sở nhà rường cổ

Làng Phước Tích được thành lập vào năm 1470, dưới triều vua Lê Thánh Tông, khi nhà nước phong kiến Đại Việt mở mang bờ cõi về phương Nam. 

Từ xưa đến nay, xứ Huế có nhiều ngôi làng nổi tiếng về nhà rường, nhưng có lẽ chẳng nơi nào nhà rường lại dày đặc và đẹp như ở Phước Tích.  

Hiện Phước Tích còn gần 40 ngôi nhà rường cổ từ 100-300 năm tuổi, tọa lạc giữa những khu vườn rộng hàng nghìn m2 rợp bóng cây trái. 

24 ngôi nhà rường trong số này là nhà ở của người dân, số còn lại là nhà thờ họ tộc. 

Ngoài những nét chung của nhà rường truyền thống xứ Huế, nhà rường ở Phước Tích còn có nhiều nét rất riêng. 

Dưới bàn tay tài hoa của những người thợ chạm khắc làng mộc Mỹ Xuyên nổi tiếng gần đó, các bộ phận của nhà rường như vì kèo, xuyên, trách, đố, liên ba, cửa bàng khoa… được chạm trổ cực kỳ công phu và tinh tế.

Ngoài hệ thống nhà rường cổ có giá trị đặc biệt về mặt kiến trúc và mỹ thuật, từ ngõ xóm cho đến cổng của các ngôi nhà đều được trang hoàng bắt mắt bởi những hàng chè tàu thẳng tắp và những giàn hoa tigôn xanh mướt. 

Đầu làng là nơi tọa lạc của cây thị có đến hơn 600 năm tuổi, chu vi thân cây đến 3-4 sải tay người lớn. Làng có đầy đủ miếu thờ Khổng Tử, miếu thờ các vị thần linh, miếu thờ ông tổ khai canh và ông tổ nghề gốm.

Bên trong một ngôi nhà rường cổ ở làng cổ Phước Tích. Ảnh: Doanh Doanh.

Ông Lê Trọng Đào- chủ nhân một ngôi nhà rường cổ nơi đây cho biết, người dân Phước Tích coi các giá trị văn hóa của làng như máu thịt của mình nên luôn dốc sức giữ gìn. Nhiều hộ dân mặc dù cuộc sống khó khăn nhưng đã tích cóp tiền để trùng tu nhà rường nhằm giữ gìn di sản cho hậu thế. 

Những ngôi nhà rường là nhà thờ họ tộc thì được con cháu trong họ đóng góp để sửa chữa, tu bổ khi xuống cấp. Vì vậy, sau khi được công nhận Di tích quốc gia vào tháng 6/2009, làng cổ Phước Tích trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. 

Những giá trị văn hóa đặc sắc còn được gìn giữ khá nguyên vẹn ở ngôi làng này khiến du khách đến đây như lạc vào giấc mơ cổ tích.

Lập làng nhờ nghề gốm

Người dân làng Phước Tích trước đây làm ăn sinh sống hoàn toàn dựa vào nghề làm gốm. Lúc đầu, các sản phẩm gốm dân làng làm ra gồm bát, chén, bình hoa… mang tính chất đơn sơ nhưng không kém phần tinh xảo. 

Ông Lê Trọng Diễn (70 tuổi) cho hay: "Ngày xưa, người dân nơi đây sinh ra là đã làm gốm, gọi là nghề cha truyền con nối, tất cả người dân trong làng đều làm gốm".

Cây thị 600 năm tuổi ở làng cổ Phước Tích. Ảnh: Doanh Doanh.

Thế kỷ 16-17 là thời kỳ thịnh vượng nhất của làng cổ Phước Tích, đồ gốm của làng được ưa chuộng giúp người dân ăn nên làm ra. 

Thời gian này, làng có 12 lò nung gốm liên tục đỏ lửa, sản phẩm được tiêu thụ rộng khắp khu vực miền Trung. 

Hiện nay, tại căn nhà rường truyền thống của mình, ông Lê Trọng Diễn đang trưng bày những kỷ vật bằng gốm như trách, om, niêu, ấm, cối tiêu, chậu… với đầy đủ 63 mẫu mã của làng gốm Phước Tích.

 "Nghề gốm làng Phước Tích đặc trưng ở việc nung gốm với nhiệt độ cao. Các sản phẩm được chăm chút ở từng công đoạn, đòi hỏi người làm gốm phải chu đáo, tỉ mỉ", ông Lương Thanh Hiền- người có thâm niên 20 năm làm gốm tại làng, chia sẻ.

Ông Lương Thanh Hiền đang chăm chút cho sản phẩm gốm Phước Tích do ông sản xuất- Ảnh: Doanh Doanh.

Hiện nay làng có 19 gia tộc, 117 hộ gia đình. Làng được bao quanh bởi dòng sông Ô Lâu thơ mộng, là làng duy nhất của xã Phong Hòa không có ruộng. 

Nghề gốm từng gắn liền với sinh mệnh của người dân trong làng và trở thành hoạt động sinh hoạt văn hóa chủ yếu.

Hơn 5 thế kỷ thịnh vượng, thập niên 40 của thế kỷ 20, khi Pháp, Mỹ vào Việt Nam, những hàng hóa từ nhựa, nhôm dần thịnh hành, các sản phẩm gốm sứ ít được ưa chuộng, nghề gốm cũng dần mai một từ đó. Hiện nay ông Lương Thanh Hiền  là người duy nhất còn duy trì việc làm gốm Phước Tích truyền thống.

Ngôi làng có hơn 30 giáo sư và tiến sĩ, còn cử nhân và thạc sĩ đếm không xuể

Không còn bám trụ được vào nghề gốm, từ khi các lò gốm trong làng lần lượt tắt lửa, người dân làng Phước Tích bắt đầu hướng con cái theo con đường học hành. Từ đó, việc học chữ được coi là "kế sinh nhai" mới của dân làng.

Dòng sông Ô Lâu trong xanh quanh năm bao quanh làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Doanh Doanh.

Nói đến sự học, Phước Tích là ngôi làng hiếu học nổi tiếng bậc nhất xứ Huế. 

Hiện nay làng có trên 30 giáo sư, tiến sĩ ở các lĩnh vực, còn còn cử nhân và thạc sĩ nhiều đếm không xuể. 

Kể về một số tên tuổi hiếu học nổi bật, ông Lương Thanh Hiền nhắc đến PGS. TS Trương Thế Kỷ, GS.TS Phan An và hàng loạt tên tuổi nổi tiếng khác đều là những nhân tài sinh ra từ làng Phước Tích.

Ông Hoàng Tấn Minh- Trưởng làng Phước Tích cho biết: "Nói về việc học thì không nơi nào ở mảnh đất Huế qua được làng Phước Tích này. Việc học luôn được dân làng luôn đặt lên hàng đầu".

Ông Lê Trọng Nam (68 tuổi, từng là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phước Mỹ) cho biết, con em Phước Tích vươn lên từ đường học hành rồi theo nhiều nghề, trong đó nghề giáo và nghề y là hai nghề phổ biến nhất. 

Hiện gần như mọi gia đình trong làng Phước Tích gia đình ít nhất cũng có một người theo nghề dạy học.

Hầu hết người dân làng Phước Tích đều có tuổi thọ từ 80 đến hơn 100 tuổi. Ảnh Doanh Hòa.

Ông Lê Trọng Diễn chia sẻ: "Nhà tôi có 4 người con làm giáo viên, sống bằng nghề dạy học. Nghề giáo đã trở thành cái nghề cha truyền con nối của rất nhiều gia đình trong làng".

Theo đuổi con chữ, người dân làng Phước Tích đã dần quen với việc con cái họ rời quê để học tập, làm việc. 

Không khó hiểu khi vào làng chỉ bắt gặp những vợ chồng già gìn giữ, trông coi nhà rường cổ, hiếm có gia đình hai, ba thế hệ sống chung.

Ngoài nổi tiếng bởi cảnh quan, nhà rường cổ và sự hiếu học, làng Phước Tích còn được mệnh danh là làng trường thọ nhất xứ Huế. 

Người dân nơi đây giữ gìn môi trường sống xanh, trong lành, không khói bụi, không ồn ào. Dân làng Phước Tích luôn duy trì lối sống lành mạnh, thể dục thể thao, ăn uống thanh đạm…

"Vì vậy mà hầu hết người dân làng Phước Tích đều có tuổi thọ từ 80 đến hơn 100 tuổi và giữ được thâ‌n hìn‌h trẻ trung hơn so với tuổi tác. Không những vậy, người dân trong làng từ già đến trẻ đều rất ít khi gặp các vấn đề về sức khỏe, mắc bệnh tật", ông Lê Trọng Nam kể.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật