Đánh thức tiềm lực đường “5 sao” ven biển Đà Nẵng

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Được ví là tuyến đường “5 sao“ ôm quanh vịnh Đà Nẵng nhưng đến nay đường Nguyễn Tất Thành vẫn chưa phát huy hết kỳ vọng về việc thúc đẩy du lịch khu vực phía Tây Bắc TP Đà Nẵng
Đánh thức tiềm lực đường “5 sao” ven biển Đà Nẵng
Một góc đường ven biển Nguyễn Tất Thành

Sau hơn 20 năm hình thành, ngoài một số khu du lịch, dự án bất động sản ở khu vực Thanh Khê, Liên Chiểu, nhiều ý kiến cho rằng đường ven biển Nguyễn Tất Thành dài hơn 15 km, đi qua các quận Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu (xưa là đường Liên Chiểu - Thuận Phước) rõ ràng đang "ngủ quên", dẫn đến phân khu ven vịnh Đà Nẵng chưa phát huy được hết tiềm lực.

Đường du lịch nhưng... vắng du khách

Từng đến TP Đà Nẵng nhiều năm trước, gia đình anh Trần Công Thái (trú quận Bình Thạnh, TP HCM) theo thói quen vẫn tìm khách sạn tại đường ven biển Nguyễn Tất Thành. Muốn tìm phòng 3-4 sao, có view biển và gần bãi tắm Thanh Bình (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) nhưng anh Thái không sao tìm được phòng ưng ý. Khách sạn hạng sang ở đường ven biển Nguyễn Tất Thành hầu như rất hiếm. Bất đắc dĩ, anh Thái đành đặt phòng tại một khách sạn trên đường Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà).

Theo ghi nhận của chúng tôi, đường ven biển Nguyễn Tất Thành được quy hoạch lộn xộn, nhà ở, khách sạn, cơ sở sản xuất - kinh doanh, đất trống… nằm xen kẽ nhau. Theo PGS-TS Bùi Quang Bình (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng), trong cán cân về du lịch với bờ Đông thành phố, đường Nguyễn Tất Thành - phân khu vịnh Đà Nẵng - đang có những thua thiệt vì thiếu quy hoạch tổng thể và tầm nhìn dài hạn. Việc quy hoạch nhà ống tại các quận Hải Châu, Thanh Khê đã làm cạn kiệt quỹ đất thương mại - dịch vụ để phát triển du lịch. Bên cạnh đó, những quỹ đất còn trống tại quận Liên Chiểu cần phải ưu tiên cho các dự án có cách khai thác du lịch không theo lối mòn, nhằm hấp dẫn du khách. Đến năm 2030, thành phố cần thực hiện tốt việc phổ biến, triển khai, quy hoạch các dự án, sắp xếp lại không gian, tăng cường kết nối giữa Liên Chiểu - Thanh Khê, phát triển các khu du lịch chủ đề, lựa chọn nhà đầu tư bài bản để thực hiện dự án. Cùng với đó, cần lưu ý vị trí đặt các chung cư tầm trung, di dời cơ sở sản xuất ra khỏi khu vực, nâng cao công tác quản lý của chính quyền để dần phát triển, đánh thức tiềm lực đường ven biển Nguyễn Tất Thành.

Đánh thức tiềm năng

Hiện tại, một số dự án đang triển khai với hy vọng sẽ thúc đẩy khu vực vịnh Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ như: dự án xây dựng cảng biển Liên Chiểu, tuyến đường ven biển nối cảng Liên Chiểu, khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân, Mikazuki Spa & Hotel Resort, căn hộ Asiana Đà Nẵng...

Chọn đầu tư khu nghỉ dưỡng 5 sao đầu tiên tại vịnh Đà Nẵng, đại diện Da Nang Mikazuki cho rằng đường Nguyễn Tất Thành mang tiềm năng không thua kém các khu vực khác. Bên cạnh công trình khách sạn gồm 22 tầng, tổ hợp khu vui chơi - giải trí Mikazuki 365, Da Nang Mikazuki sẽ đầu tư thêm phố đêm và cầu đi bộ vào năm 2023. Dự án sẽ kíc‌h thí‌ch, thu hút thêm nhiều sản phẩm du lịch mới tại đây, không chỉ mang lại sản phẩm du lịch mới cho vịnh Đà Nẵng mà còn có ý nghĩa thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản.

"Mikazuki hy vọng thành phố sẽ có những chính sách đầu tư hấp dẫn. Qua đó nhanh chóng đánh thức tiềm lực du lịch của tuyến đường Nguyễn Tất Thành" - đại diện Da Nang Mikazuki cho biết.

Mới đây, trong buổi làm việc với các sở - ngành về việc thiết kế cảnh quan tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành, đại diện Công ty TNHH Huni Việt Nam - đơn vị tư vấn thiết kế kiến trúc - cho rằng khu vực đường ven biển Nguyễn Tất Thành vẫn chưa được phát triển đúng mức và hiện chỉ sử dụng cho nhu cầu của người dân địa phương. Do đó, mục tiêu thiết kế cảnh quan khu vực này cần mang những yếu tố biển và núi vào một thành phố đang phát triển mạnh mẽ, mang lại sự kết nối giữa những giá trị hữu hình, người dân địa phương và phát triển du lịch.

Ở góc nhìn khác, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật TP Đà Nẵng, cho rằng công tác quy hoạch đô thị cần có sự tham gia tích cực, hiệu quả của các chuyên gia tâm lý học, xã hội học và sử học. "Nói cách khác, ngoài khía cạnh kỹ thuật còn cần chú ý đúng mức khía cạnh văn hóa của vấn đề. Do vậy, việc tổ chức lấy ý kiến trong cộng đồng, những chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học... về các quy hoạch hiện nay nên chú trọng tính liên ngành này" - ông Tiếng nhận định. 

Ven vịnh Đà Nẵng - trọng tâm du lịch thành phố

Tại Quyết định 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cấu trúc đô thị được gắn với cảnh quan đặc trưng theo 3 vùng đô thị, gồm vùng ven mặt nước, vùng lõi xanh, vùng sườn đồi và 1 vùng sinh thái gồm khu vực rừng, núi, đồi phía Tây và phía Bắc, khu du lịch quốc gia Sơn Trà và huyện Hoàng Sa, các sông và hồ cùng với đường bờ biển trong vùng sinh thái. Trong đó, phân khu ven vịnh Đà Nẵng có diện tích khoảng 1.530 ha, dân số dự kiến khoảng 192.000 người. Vịnh Đà Nẵng và ven biển Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn được xác định là trọng tâm phát triển du lịch với các đặc điểm: mặt nước tự nhiên, di sản văn hóa và dịch vụ du lịch đường thủy.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật