Cụ ông bán bún bò huế 20 năm nuôi hơn 50 người con ăn học thành tài

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cụ ông Biên Hòa không vợ, bán bún bò Huế 20 năm chăm hơn 50 người nuôi con ăn học. Trong đó, một người con đã du học Nhật và thành tài khiến cộng đồng mạng đều ngưỡng mộ.
Cụ ông bán bún bò huế 20 năm nuôi hơn 50 người con ăn học thành tài
Ông Lâm Kim Hùng chủ quán bún bò Huế tại Đồng Nai không vợ nhưng có rất nhiều con nuôi. Ảnh: HTV

Trong cuộc sống, tấm lòng tử tế luôn tồn tại và lan tỏa những năng lương tích cực đến mọi người. Với câu chuyện 20 năm liền, cụ ông sống ở Biên Hòa (Đồng Nai) ngày ngày bán bún bò Huế nuôi hơn 50 người con nuôi ăn học thành tài thật đáng nể phục.

Trong cuộc sống, mỗi người đều có tâm nguyện, mục tiêu để phấn đấu. Với riêng ông Lâm Kim Hùng, ông lại hướng đến sự yêu thương, sự san sẻ đối với những người trẻ có tài năng, có ý chí vượt lên số phận.

Người cha đông con nhưng chưa từng kết hôn

Câu chuyện về người đàn ông họ Lâm này gắn liền với quán bún bò Huế lâu năm tại Biên Hòa. Được biết, quán ăn nằm cạnh trường đại học Công nghiệp nên rất đông sinh viên xin vào làm thêm. Ông thấu hiểu và đồng cảm với nhiều hoàn cảnh sinh viên nghèo, hiếu học thế nên ông đã nhận họ làm con nuôi.

Tô bún bò Huế khởi duyên "thiện lành" giữa ông Hùng và những cậu sinh viên nghèo, vượt khó. Ảnh: Webtretho

Ông vừa tạo việc làm để họ có tiền sinh sống, vừa cho họ dọn về sống cùng với ông tại quán. Họ và ông nương tựa vào nhau như một gia đình. Thật vi diệu, mối duyên gắn kết những con người xa lạ giữa dòng đời.

Trong suốt 20 năm, Ông Hùng luôn cần cù lao động và không ngừng san sẻ tình yêu thương. Ảnh: Webtretho

Cả cuộc đời mình, ông chưa từng cưới vợ nhưng hiện nay ông đã có một đại gia đình ấm áp. Tính đến năm 2022, ông Lâm Kim Hùng đã là cha của hơn 50 người con. Tính riêng năm 2021, ông Hùng đã nhận nuôi thêm 14 đứa con. Người con lớn nhất đã 40 tuổi và người con nhỏ nhất hiện là sinh viên năm nhất đại học.

  Đai gia đình ông Hùng trò chuyện thân mật với nhau bên mâm cơm. Ảnh: VTV1

Người con nuôi đầu tiên của ông Hùng là anh Nguyễn Tân Hưng, quê ở Tây Ninh. 19 năm về trước, anh chàng sinh viên Nguyễn Tân Hưng chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật Hóa học đến từ Tây Ninh. Anh Hưng tìm đến quán bún bò Huế xin một chân phục vụ. Ông Hùng vui vẻ nhận chàng trai nhỏ vào quán với giá trả công 25 nghìn một giờ làm.

Anh Hưng (bên phải) là người con đầu tiên của ông trong đại gia đình. Ảnh: Webtretho

Về phần Hưng, anh sinh ra trong một gia đình đông con, cha mất sớm, mẹ đi thêm bước nữa, 3 anh em sống cùng nhà nội. Khi hiểu hoàn cảnh của Hưng, ông thương và mang anh về sống chung một nhà.

Kể từ đây, Hưng là người con nuôi đầu tiên của ba Hùng. Sau những giờ học tập, Hưng đều ra quán phụ bán hàng, bưng bê, rửa bát giúp ba nuôi. Về phần ông Hùng, Hưng làm bao nhiêu giờ, ông trả tiền sòng phẳng.

Sau giờ học, Hưng đến quán phụ bán hàng, bưng bê, rửa bát giúp ba nuôi. Ảnh: VTV1

Không chỉ giúp những người con nuôi về kinh tế để họ trang trải học hành, gầy dựng sự nghiệp mà ngay cả dịp dựng vợ gả chồng, ông Hùng cũng đứng ra lo liệu. Cụ thể như ông đã lo toàn bộ lễ cưới của người con nuôi Nguyễn Minh Trí (quê An Giang). Không chỉ thế, ông còn dành cả sự quan tâm đến sở thích đời thường của các con. Anh Hưng kể: "Tôi nhớ có lần ba hỏi tôi thèm ăn gì không? Tôi ngây ngô trả lời từ nhỏ đến lớn con chưa bao giờ ăn sầu riêng. Thế là ba mua liền 2 trái thật to mang về."

Ông lo liệu dựng vợ, gả chồng, lo chu toàn cho ngày vui trọng đại của người con Nguyễn Minh Trí. Ảnh: Webtretho

Lan tỏa tình yêu thương

Có thể nói mỗi người con của ông Hùng là một câu chuyện. Trong đó, câu chuyện của anh Trương Thế Lịch 28 tuổi đến từ Hà Tĩnh là đặc biệt hơn cả. Được biết, Lịch hiện đang sống và làm việc tại Nhật Bản được nửa năm. Anh cũng là một người con trong đại gia đình của ông Hùng tại Biên Hòa.

Anh Lịch là người con tiếp nối phẩm chất yêu thương, san sẻ của ba Hùng. Ảnh: Webtretho

Cách đây 6 năm, ông Hùng có nhận một thanh niên trẻ xin làm thêm xuyên Tết 2016. Sau khi trò chuyện, ông Hùng hiểu hơn về lý do anh Lịch đi làm thêm, cũng như hiểu hơn về định hướng dành dụm tiền sang Nhật du học của Lịch.

Theo đó, thời điểm năm 2016, anh Lịch vừa tốt nghiệp chuyên ngành Tâm lý giáo dục tại trường đại học Khoa học xã hội & Nhân văn TP.HCM. Chàng trai trẻ ấp ủ ước mơ sang Nhật du học, tìm kiếm cơ hội vươn lên trong cuộc sống.

Đầu năm 2017, anh Lịch trở thành một thành viên trong đại gia đình ông Hùng. Ảnh: VTV1

Ông Hùng bồi hồi chia sẻ thêm về câu chuyện của Lịch rằng: "Sau Tết vào, tôi gọi Lịch vào nói chuyện riêng. Tôi hỏi con có còn muốn du học nữa không? Nếu còn, tôi sẽ hỗ trợ tiền học tiếng Nhật và chi phí bước đầu du học. Tôi nói thật và sẽ làm thật. Lịch đã chọn tin và chọn tiếp tục nỗ lực cho ước mơ của mình".

Nhìn lại, chân dung người đàn ông nhân hậu chắp cánh nhiều ước mơ của sinh viên nghèo, vượt khó. Ảnh: Webtretho

Hiện tại Lịch đang cố gắng học tập và làm việc tại Osaka nhưng anh vẫn cứ đều đặn gửi tiền về Việt Nam cho ba. Anh muốn được cùng ba hỗ trợ, san sẻ với những mảnh đời như anh năm xưa. Trong đó có Hồ Hữu Hạnh, là một người em được anh Lịch và ba Hùng nhận nuôi, đồng hành giúp đỡ.

Hồ Hữu Hạnh đag nhận sự giúp đỡ của ba Hùng và anh Lịch. Ảnh: VTV1

Câu chuyện mối duyên ba con giữa anh Lịch và ông Hùng thắp thêm niềm tin về lòng tốt giữa những con người trong xã hội. Và hành động tiếp nối "việc tử tế" của Lịch đã lan tỏa thêm tình yêu thương và tính nhân văn của thế hệ trẻ kế thừa.

Nhận được sự quan tâm, san sẻ và chắp cánh từ ba Hùng và những người anh trong gia đình, Hồ Hữu Hạnh đang nỗ lực học tập. Ảnh: VTV1

Trong cuộc sống, những việc tử tế như thế này luôn cần được chia sẻ và lan tỏa. Thật may mắn là ngoài ông Hùng, cuộc sống còn nhiều những tấm lòng tốt đẹp, biết sẻ chia như thế. Như trường hợp của người đàn ông U70 bảo trợ và di chúc để lại cơ ngơi 100 tỷ cho 30 trẻ em mồ côi.

Đây là một câu chuyện có thật của ông Bùi Công Hiệp trú ngụ tại Thủ Đức, TP.HCM. Người đàn ông U70 này vốn là chủ một xưởng cơ khí, ông có gia đình nhỏ của riêng mình với 1 vợ và 2 người con. Bên cạnh trách nhiệm làm chồng, làm cha, là một công dân có ích cho xã hội, ông còn đảm nhiệm vai trò là Giám đốc Cơ sở bảo trợ Thiên thần, "mái nhà chung" cho những trẻ em mô côi, cơ nhỡ. 

Ông Hiệp đã xây dựng nên "mái nhà chung" cho những đứa trẻ mô côi, cơ nhỡ. Ảnh: VietNamNet

Tính đến nay, "mái nhà chung" Thiên Thần đã có hơn 30 thành viên bé nhỏ. Dựa vào độ tuổi, các bé được chia thành nhiều nhóm nhỏ để dễ bề chăm sóc và dạy dỗ. Các bé sẽ được quan tâm từ miếng ăn, giấc ngủ bởi đội ngũ 10 bảo mẫu chuyên nghiệp và tận tâm. 

Được biết, cơ sở này hiện có tổng cộng 3 tầng với diện tích là 2.500 mét vuông. Tầng 1 là khu vực của trẻ sơ sinh và dưới 2 tuổi. Tầng 2 là khu vực dành riêng cho bé từ 3 đến 4 tuổi. Và tầng 3 là nơi sinh hoạt các bé từ 4 đến 7 tuổi.

Tầng 2 là khu vực sinh hoạt và học tập dành cho trẻ từ 3 đến 4 tuổi. Ảnh: VietNamNet

Ông Hiệp từng chia sẻ rằng: "Chúng là trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, chúng đã thiệt thòi hơn rất nhiều so với những đứa trẻ khác. Tôi và gia đình đã thống nhất ý kiến với nhau để xây dựng và trao quyền sở hữu Cơ sở bảo trợ Thiên Thần lại cho các bé. Tôi muốn chúng an tâm phát triển, có niềm tin vào những điều tốt đẹp và sẽ trở thành những người có ích trong tương lai".

Ông Hiệp đã dành rất nhiều thời gian, tâm trí cho tương lai của những "thiên thần". Ảnh: VietNamNet

Cả 2 câu chuyện của ông Hùng và ông Hiệp đều thật đáng trân quý, cần được lan toả trong cuộc sống này. Bạn nghĩ như thế nào về câu chuyện ý nghĩa trên đây? Hãy để lại chia sẻ của bạn ở phần bình luận bên dưới nhé!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật