Gia đình “chạy trốn” áp lực sống ở Hà Nội, cất bằng cử nhân về quê làm nông dân chăn vịt

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chúng ta trong cuộc sống vội vã xô bồ, ắt hẳn ai cũng có lúc mơ về 1 cuộc sống bình yên nơi thôn dã.
Gia đình “chạy trốn” áp lực sống ở Hà Nội, cất bằng cử nhân về quê làm nông dân chăn vịt
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, cuộc sống không đơn giản chỉ như những thước phim, và không phải ai cũng có đủ can đảm để rũ bỏ tất cả để tìm về cuộc sống thôn quê.

Bỏ phố, bỏ việc về quê làm nông dân, đó không phải là một giấc mơ màu hồng. Đó là một lựa chọn ngấm màu mồ hôi của cần cù vất vả một nắng hai sương. Đó không phải là về một mảnh vườn rộn ràng hoa trái sẵn có để check-in sáng trà chiều bánh. Đó là câu chuyện của Nguyễn Bích Ngọc và Phùng Minh Thuần.

Những tháng ngày căng thẳng trong đô thị

Nguyễn Bích Ngọc và chồng là Phùng Minh Thuần (đều sinh năm 1989) cùng các con đã về Ba Vì – quê nội của bọn trẻ – tròn 1 năm. Đó là quyết định của họ sau những biến cố, “mây đen” phủ bóng lên cuộc sống của gia đình nhỏ.

Cả 2 vợ chồng từng đều có công việc ổn định, đúng với ngành học của mình, nhưng trong lòng Thuần thời điểm ấy vẫn thấy chống chếnh.

Chị Ngọc tâm sự, chồng của cô vốn là người thích làm nông nghiệp sạch. Anh luôn mong mỏi sẽ làm được điều gì đó để tạo ra giá trị ở quê hương. Anh Thuần vẫn ấp ủ ý định về quê, vừa để tạo dựng sự nghiệp vừa để gần bố mẹ. Tuy nhiên, ông bà không ủng hộ ý định này vì sợ con vất vả.

Và rồi, sự phản đối cũng chẳng thể nào cản được ý chí kiên cường, Anh Thuần nghỉ việc, mở cửa hàng thực phẩm sạch, thời kỳ đầu cũng là thời kỳ của muôn vàn khó khăn.

Chị Ngọc chia sẻ để duy trì cửa hàng 2 vợ chồng đã phải dùng hết số tiền cưới. Thậm chí có 1 khoảng thời gian Anh Thuần chán nản phải bỏ đi Hòa Bình, đến ở làng của đạo diễn Lưu Trọng Ninh, trồng trọt, cải tạo đất ở đó. Thời gian sinh con đầu lòng do áp lực công việc chị phải thôi việc để chăm lo cho cửa hàng và con cái. Anh đi 8 tháng thì về. May mắn là cửa hàng lúc đó kinh doanh cũng ổn và có lãi chút đỉnh nên tạm đủ sống. Tuy vậy, chị vẫn cảm nhận thấy có gì đó vẫn bất ổn ở bên trong anh, như một vỏ bọc mà mình không chạm được vào.”.

Thuần nói rất rõ ràng, mong mỏi của anh là tự mình sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp sạch, sống trọn vẹn với nó, tự tin với nó. Và hơn hết, anh muốn thực hiện ý tưởng đó ở trên chính quê hương mình. Anh quyết định bỏ tất cả, về quê sống. Cả nhà dắt díu nhau về đúng thời điểm Covid-19 căng thẳng năm ngoái.

Quyết định của Thuần và Ngọc gây sốc với nhiều người. Ai cũng hỏi họ có bao nhiêu tỷ trong tài khoản rồi mà đòi về quê. Ngọc “thú nhận”, chẳng những không có tiền dự trữ, họ còn đang nợ nhiều lắm, ông bà nội bọn trẻ còn phải gánh vác thêm. Thuần khởi nghiệp lần hai với nghề nuôi vịt lấy trứng.

Thuần không mua cám công nghiệp mà cho vịt ăn cám nhà làm từ ngô, thóc, cá và cả bèo, cỏ nữa. Tuần 2, 3 lần, anh chở trứng lên nội đô bán. Ở nhà, bố mẹ anh trồng rau, nuôi cá, nuôi bò cũng theo kiểu hữu cơ, tận dụng phân bón và nước từ hầm biogas.

Còn Ngọc hoàn toàn bỡ ngỡ với việc đồng áng, không biết tí gì về nương ruộng. Chính cô cũng từng phản đối ý định về quê của chồng. Cô sợ, hoang mang không biết sẽ làm gì để kiếm sống, sẽ sống chung với bố mẹ chồng ra sao. Từ hồi cưới, họ hiếm khi về quê, lại nghe nói bố chồng rất nghiêm khắc, Ngọc cũng hơi ngần ngại.

Nhưng bỏ qua tất cả, cô hiểu, chỉ có về quê, được theo đuổi công việc ấp ủ từ lâu, Thuần mới hạnh phúc. Cô gật đầu khi anh, một lần nữa ngỏ ý rủ về quê sống.

“Về quê, mình mới gắn bó và yêu quý bố mẹ chồng hơn. Mình cảm nhận được tất cả những phẩm chất tốt đẹp của ông bà: yêu thương con cháu, chịu thương chịu khó, cách đối nhân xử thế với họ hàng, làng xóm. Những điều này trước kia mình không thấy, vì không ở gần, không tìm hiểu đủ lâu..

Hiện tại thu nhập của gia đình mình chỉ tạm đủ thôi, nhiều khi còn không đủ. Được cái ở quê nhiều đồ ăn sạch, không khí trong lành, không phải thuê nhà, ga, gạo cũng không phải mua. Cả nhà lại được quây quần, ông bà được gần con cháu.”.

Hai em bé của gia đình cũng thích nghi tốt với cuộc sống ở quê. Với một số người, việc cho con học ở quê có thể là “thiệt thòi”; nhưng với vợ chồng Ngọc, dạy con có tình yêu thương với ông bà, bố mẹ, biết chia sẻ, kiên trì, dũng cảm… quan trọng hơn kiến thức. Những phẩm chất đó có thể được tạo ra trong chính những sinh hoạt hàng ngày bên gia đình, trong nếp sống gần gũi với thiên nhiên.

Sau 1 năm, từ việc sợ hãi về quê, Ngọc đã thấy hạnh phúc và yên bình. Cô rung động khi nhìn ngắm những khoảnh khắc lao động của bố mẹ và chồng. Nhiều khi thấy vui vì sáng ngủ dậy thấy quả mướp đắng ở giàn nhà mình leo sang bờ tường được chị hàng xóm vắt “trả” lại…

1 năm qua cũng là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của vợ chồng Ngọc từ khi kết hôn. Ngọc cảm nhận được hạnh phúc, sự vững vàng của Thuần, họ hiểu nhau, chia sẻ với nhau nhiều hơn.

Về quê, không ai có thời gian để buồn vì việc gần như kín mít từ sáng tới tối, trời nắng cũng như trời mưa: Nhặt trứng, cắt cỏ cho bò, cá, dọn chuồng, bốc phân bón cỏ… Việc nhiều làm không xuể, cả nhà lao ra làm, vất vả nhưng an yên.

Riêng Ngọc, bố mẹ chồng không cho động vào việc đồng áng, mà chỉ để cô chăm chút từng bữa ăn, quán xuyến nhà cửa, thỉnh thoảng phụ một số việc vặt ngoài vườn. Vợ chồng cô cũng đón tin vui khi về quê ít lâu, Ngọc mang bầu song thai.

“Giá trị mà mình nhận được lớn nhất, mà thú thực là khi quyết định về quê mình chưa nghĩ tới, đó là sự hòa hợp giữa các thành viên trong nhà. Quan trọng nhất là sự yên tâm, vững vàng đi bên cạnh chồng.

Nếu để so sánh với những bất ổn về tâm lý của anh trước đây, những áp lực anh ấy phải chịu và sự lo lắng của mình trước khi về quê, mình bằng lòng với cuộc sống hiện tại.

Vợ chồng mình chỉ biết cố gắng hơn để kinh tế dần ổn, sẽ bớt việc cho bố mẹ một chút. Chúng mình về quê ở hẳn, lao động nghiêm túc chứ không phải rong chơi. Cũng may là gia đình có nền tảng sẵn về nông nghiệp nên cũng đỡ chật vật hơn.”, cô trải lòng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật