1. - Bà nhớ mua ít bánh kẹo và hướng dương về để Tết nhí nhách đấy nhé. Thế nào mà các cháu nó chả sang.
- Ông khỏi phải lo. Đây với kia, giờ hàng quán như nấm, tôi ù ra mua lúc nào chả được.
Ông Bảo nhắc đến các cháu ở đây là mấy đứa công nhân trong dãy nhà trọ cách nhà ông chỉ mấy bước chân. Ngay từ dạo Công ty GTP còn mới đang xây dựng chưa đi vào hoạt động, nghe người ta đồn công ty này lớn lắm, chủ tịch là người Hàn Quốc, giám đốc lại là người con của quê hương, về mở công ty để tạo cơ hội việc làm cho dân xứ này. Thể nào mà chả có khối công nhân xa nhà có nhu cầu tìm thuê ở trọ. Nhân có mảnh đất vườn khá rộng rãi, ông quy hoạch rồi gom tiền, vay mượn thêm xây được 5 phòng.
Ở sát cạnh đấy nhưng hôm nào cũng chỉ mỗi lúc buổi sáng chớp nhoáng ông bà mới gặp bọn trẻ. Ấy là lúc chúng dậy tập thể dục, đi chợ, ăn sáng. Khu nhà trọ nhốn nháo chừng độ hơn tiếng rồi im bặt đến tận khuya. Đa số các ngày trong tuần, cánh công nhân tăng ca suốt, đến mãi tận 9 rưỡi tối mới về, xào nấu, giặt giũ ăn xong là tắt điện đi ngủ. Hiếm lắm mới có chủ nhật công nhân được thảnh thơi đi mua sắm hay xem ti vi giải trí ngày cuối tuần. Nhưng hễ được ngày nghỉ thế nào khu nhà trọ lại nhộn nhịp tổ chức bữa liên hoan. Cả xóm làm nồi lẩu và mời ông bà. Nhiều lần từ chối cũng chẳng được, chúng lại bưng bát canh, đĩa thức ăn sang tận nơi.
- Chúng con ở đây đều xa nhà, đứa tận Hải Phòng, Thái Bình, đứa mãi tít Hà Giang, Sơn La. Đi làm suốt ngày suốt tháng, nhiều khi nhớ quê, nhớ gia đình lắm mà chẳng sao được. Hai bác cũng như bố mẹ chúng con thôi, có gì mà bác phải ngại.
May nhanh nhảu. Cô hoạt và khéo miệng nhất dãy. May quê ở Sơn La, có bà dì lấy chồng dưới xuôi mách nên giới thiệu cho vào làm ở công ty này. Ông Bảo vốn mê hoa, chuẩn bị đến Tết, ông dành ra đến cả buổi để đi săn mấy chậu hoa đẹp ở chợ cây cảnh cuối huyện. Chợ này chuyên bán các loại cây hoa chậu cảnh, có những cây được chủ tỉa tót uốn éo, lên thế lên dáng đẹp hẳn hoi, giá có cây lên tới vài triệu.
Càng gần ngày Tết, người ta càng khuân về nhiều cây đẹp. Đi một vòng ông nhìn hoa hết cả mắt. Cây đẹp thì nhìn là thấy rõ hẳn rồi, nhưng hỏi giá, cây nào cũng vượt quá túi tiền của ông. Cuối cùng ông rước về chậu bạch trà và chậu hồng trà. May mà ông đã chuẩn bị mang giá đỡ hàng theo. Ông đặt mỗi chậu một bên, cân xứng. Thế mà đi đường có đoạn ông phải dựng xe, gạt chân chống rẽ vào quán nước bên đường châm điếu thuốc, làm chén nước nghỉ ngơi.
Tuổi cao đường dài đi một mạch với hai chậu hoa thì ông chịu. Nếu như thời trẻ thì đoạn đường ấy với ông chẳng là gì. Ông đã từng đi bộ đến khu này cùng đoàn dân công để làm thủy lợi đắp đê đến hàng tháng trời mà bữa cơm chỉ có hai lượt xới. Thời ấy nhà nào có cái xe đạp cũng đã là xa xỉ. Ông phải cẩn thận chứ ngộ nhỡ xảy ra va chạm khổ lây con cháu. Bà Thêu vẫn luôn bảo, sắp Tết rồi ra đường phải quan sát kỹ kẻo không vạ người thì cũng vạ đến thân. Năm nào nghe đài đọc báo chả thấy thống kê số vụ tai nạn giao thông với những con số kinh hoàng.
Về đến nhà, thằng Hải thấy ông thì nhảy cẫng lên mừng reo:
- Bà ơi, ông đã về. Ông còn chở hai cây hoa về nữa. Bà ra mà xem!
Bà Thêu nghe cháu báo tin thì hấp tấp chạy ra. Ôi chao, có hai cái chậu hoa mà ông đi suốt cả buổi cơ đấy. Ông Bảo cười. Sắp Tết rồi cứ thong thả thôi chứ vội gì. Tôi và bà chỉ quanh quẩn đàn gà và vườn rau, làm thì đã làm quanh năm suốt tháng chứ làm gì với mấy ngày Tết. Hai bà cháu hò nhau cùng ông Bảo ì ạch khiêng chậu xuống. Chỉ chục phút sau, hai chậu hoa xinh tươi đã được khoe sắc bên thềm. Hồng trà chíu chít nụ, chúm chím những cánh hồng duyên dáng đáng yêu. Bạch trà đã có vài bông xòe nở, trắng muốt, tinh khôi. Thằng Hải đưa tay chạm khẽ một bông trà. Đẹp tuyệt bà ạ. Bà ơi, có hoa nở là sẽ thấy Tết bà nhỉ. Bà Thêu cười xoa đầu thằng cháu. Đúng là Tết làm cho người già cũng như trẻ nhỏ, trong lòng cứ rộn lên, xốn xang. Ừ, đúng rồi. Hoa nở là Tết đến, mà Tết đến là mùa xuân cũng theo về con ạ.
2. Hôm Chìa xuất hiện trước cửa nhà hỏi thăm phòng trọ của May làm ông Bảo ngớ người. Hóa ra, con bé May đã có chồng. May nhìn xinh xắn thế mà anh chồng trông có vẻ cục mịch, ăn nói cộc lốc, dáng người bụi bặm. Anh ta từ Sơn La xuống thăm vợ vác theo một cành mận rõ to. Ông Bảo điện cho May và kiểm tra chứng minh nhân dân xong thì trao cho Chìa chiếc chìa khóa. Anh ta chui tọt vào phòng và nằm lì đến tận tối. Bà Thêu xuống phòng gõ cửa mời lên nhà ăn cơm cùng nhưng anh ta kêu đi đường mệt nên muốn nghỉ ngơi. Tối về, cả xóm lục tục kéo sang phòng hỏi thăm câu chuyện câu trò. May vác cành mận lên nhà ông Bảo khi ông bà đã chuẩn bị mắc màn đi ngủ.
- Chồng con xuống thăm chẳng có gì, chỉ có cành mận này chặt ở trên nương về tặng hai bác làm quà. Bác nhớ thỉnh thoảng phun nước lên cành. Phải đủ ẩm thì hoa mới nở đều bác ạ.
Ông Bảo mừng quýnh, lôi được cái bình gốm dưới nhà kho, lau chùi cẩn thận rồi đặt lên bàn cắm cành mận. Hợp quá. Thật đáng quý, loài mận cổ đây mà. Thân cây phủ đầy rêu, mốc trắng, gốc sần sùi và có màu nâu thẫm. Trên cành bật ra những chồi nhỏ nhắn, li ti. Con bé tinh ý đáo để. Biết ông thích chơi hoa chắc là dặn dò trước, bảo chồng vất vả mang xuống.
Ông Bảo nhận thấy hình như May không vui khi thằng Chìa xuống chơi. Lâu lâu vợ chồng mới gặp nhau tưởng xoắn xuýt lắm nhưng sang đến giữa tuần đã thấy hai vợ chồng lời qua tiếng lại. Chỉ ở nhà chơi game suốt, buổi trưa tiện ra quán làm bát phở thế mà tối vợ đi làm về vẫn phải lọ mọ rau cỏ cơm nước. Mâm cơm dọn đến tận nơi mà phải mời gã mới chịu dậy cầm đến đôi đũa.
- Bác chịu nó thật. Đàn ông đàn ang thế thì mày chắc chẳng được nhờ cậy vào chồng rồi.
Bà Thêu thấy May bưng mâm đĩa ra giếng rửa mới lân la tỉ tê tâm sự. May như được chạm vào tia mạch ngầm lâu nay đã cất giữ, nén sâu, giờ mới được giãi bày bèn mở lòng bộc bạch. Cô và Chìa kết hôn được ba năm. Anh ta là gã vũ phu, lười làm. Ban đầu gã tham gia làm phu đào vàng trái phép cho ông chủ người dưới xuôi. Sau bị phát hiện và mỗi lần Công an đến truy quét, Chìa và những người đào thuê lại chạy vào rừng lẩn trốn. Lán trại, máy móc thiết bị đào vàng của họ thường bị cơ quan chức năng đốt cháy phá hủy, không cho tái sử dụng.
Chìa lại gia nhập vào một công ty khác nhưng công ty này chẳng bao lâu bị thua lỗ, dừng hoạt động. Cầm chút tiền được thanh toán, anh ta nướng hết vào những cuộc đỏ đen. May sáng tối khoác gùi lên nương làm rẫy, vượt qua những tảng đá tai mèo lởm chởm và những con dốc chùn chân. Lúc đi là nắm cơm, chai nước, dao, rìu, gậy, lúc về gùi lại chứa đầy rau xanh, măng rừng, bó củi hay những bắp ngô.
Cực nhọc là thế nhưng về đến nhà May phải hầu hạ Chìa như người ở. Không vừa ý chuyện gì là gã túm tóc May quấn vào cột nhà hành hạ. Lần ấy, sau trận đòn của Chìa, cái thai gần 4 tháng tuổi đã bỏ May ra đi làm cô khóc cạn nước mắt. Chịu không nổi, May mới quyết tâm rời xa bản và con người mà cô vẫn gọi là chồng. Xa vợ, sống vất vưởng qua ngày cũng chán, gã cạy cục, gây sức ép, xin địa chỉ từ bà dì.
- Thế lần này xuống đây tìm cháu, nó muốn cháu cùng trở về bản à?
- Trên đó làm vất lắm mà vẫn nghèo, anh ta không chịu được đâu bác ơi. Con khuyên bảo nếu anh ta muốn ở lại đây thì xin vào làm công ty. Hai vợ chồng cùng làm rồi tích cóp nhưng anh ta chưa chịu.
Ngõ xóm đang yên đang lành bỗng xảy ra chuyện ồn ào. Cái xóm lâu nay vốn yên tĩnh và an ninh trật tự tốt thế mà lại xảy ra mất trộm ở nhà bà Phấn đối diện với nhà ông Bảo. Không phải là đêm hôm khuya khoắt mà là ngay lúc chập tối nhá nhem. Trong lúc nhà bà Phấn quây quần ăn cơm dưới sân thì kẻ trộm trèo qua tường bao leo lên cây xoài rồi đu sang tầng 2 vào nhà. Kẻ gian lục lọi, bẻ khóa hòm và lấy đi vài chục triệu cùng mấy trăm ngàn lẻ mà cô con dâu bà Phấn còn để trong túi áo vắt trên móc lúc đi làm về vội chưa kịp cất.
Êm nhẹ và rút nhanh đến nỗi chỉ đến khi ăn cơm xong chị mang áo đi giặt mới biết mấy trăm ngàn bỗng dưng không cánh mà bay. Lúc đầu chị tưởng chồng con cầm. Sau hốt hoảng mở hòm mới khẳng định chắc chắn là bị kẻ gian đột nhập vào nhà lấy trộm. Mọi người xúm đông xúm đỏ đứng chật sân quan sát rồi phỏng đoán vụ trộm, cùng nhắc nhở nhau: "Tháng củ mật cẩn thận kẻ gian" đúng là chả thừa chút nào. Mọi người nhớ cẩn thận đấy nhé.
Thấy bất an, ngó qua dãy trọ ông Bảo nhìn vào phòng, vẫn thấy Chìa mặc quần đùi áo ba lỗ nằm tênh hênh trên giường cắm mặt vào cái điện thoại. Ông Bảo hắng giọng:
- Mấy chị em nó thường hay về muộn. Cậu ở nhà nhớ thỉnh thoảng đảo mắt trông cho cả xóm nhé. Cẩn thận không có gì trộm nó khoắng sạch rồi lại ngồi khóc với nhau cả lũ đấy!
Chìa nhỏm đầu dậy, ngáp mấy ngáp rồi cười lớn:
- Ôi dào, thân ai người ấy lo. Mà cổng khóa, cửa khóa thế này thì trộm giời mà lấy được, bác lo gì.
Ông Bảo lắc đầu. Bọn trẻ bây giờ chủ quan quá. Cẩn tắc vô áy náy, lúc phòng thì không lo, để xảy ra chuyện không may rồi thì có mà làm bại cũng không gỡ lại được.
3. Bà Thêu đi chợ mua được hai cân hành về muối dưa. Món này ăn vào Tết là hợp nhất. Ăn kèm với bánh chưng và món giò xào cho đỡ ngán. Năm nào bà cũng làm đến hai lọ to mới đủ đến ngoài Tết. Con cháu về chỉ hỏi thăm món dưa hành của bà mà chẳng hỏi món nào khác. Bà đổ hành ra rổ rồi tỉ mẩn bóc vỏ ngâm vào chậu nước vo gạo.
- Gớm, bà làm thế thì có mà đến Tết cũng chả có dưa ăn. Để dịch ra đây tôi làm cho!
Ông Bảo ngồi sà xuống. Bà Thêu nhìn ra cổng rồi nhỏ nhẻ. Tôi nghi kẻ trộm nhà bà Phấn chẳng phải là ở đâu xa xôi đâu. Ngay đây đấy. Ông Bảo nhìn vợ chằm chằm. Thì chắc là chỉ ở trong thôn này, xã này thôi chứ nhẽ nào lại ở xã bên, huyện bên. Bà nói thế ai mà chả nói được. Bị ông Bảo cười giễu nên bà Thêu nhấm nhẳng. Ở ngay xóm trọ của mình đấy thôi. Ông thử đoán xem nào?.
Nói đến đấy thì ông Bảo không khó gì để đoán ngay được ý của bà vợ. Ông giật mình. Lẽ nào bà Thêu nói đến cái thằng Chìa?. Ông Bảo dập xóa ngay ý nghĩ đó. Người miền núi người ta thật thà chứ chẳng gian xảo như dưới xuôi. Nghi ngờ mà không có chứng cứ là tội cho người ta. Nếu mà đến tai vợ chồng nó thì có phải là to chuyện rồi không. Nó thuê trọ nhà ông, chưa tháng nào thiếu tiền phòng một xu. Hôm nào dãy trọ có món tươi cải thiện, con May còn mời mọc và bưng lên tận nhà biếu ông bà. Hôm vừa rồi, nó lại còn tặng ông cành mận rõ đẹp nữa. Ăn ở như thế có điều gì trách được nó đâu. Nghĩ thế, ông ném ngay cái củ hành đang bóc dở xuống đất, giọng gắt gỏng:
- Tôi là tôi cấm bà có ý nghĩ đấy nhá.
Bà Thêu bất ngờ trước thái độ của ông chồng. Thực ra mấy hôm nọ, vài lần bà bất chợt nhìn thấy Chìa đứng ở trong sân nhìn chằm chằm về phía nhà bà Phấn. Lát hắn đi ra cổng, qua lại mấy lần. Bà Thêu chỉ hỏi bâng quơ mà làm gã giật bắn người rồi lủi nhanh vào trong phòng, đóng sầm cửa lại. Mà bà nhìn gã đó như người thiếu ngủ mặc dù ở nhà suốt, chả phải làm lụng gì. Lần nào gặp, gã cũng ngáp ngắn ngáp dài. Chỉ có người nghiện mới có những biểu hiện như vậy. Nếu thế thì con May khổ rồi.
Xóm trọ công nhân đã rục rịch nhận quà Tết. Ai cũng hớn hở với túi quà của công ty gồm có hộp bánh, gói mì chính, can nước mắm và chai dầu ăn. Hôm đó mọi người về muộn hơn thường lệ vì Công đoàn tổ chức chương trình "Tết ấm sum vầy". Ông Bảo chốc lát lại đảo mắt sang vẫn thấy dãy trọ lặng như tờ. Mãi đến 10 giờ đêm, điện sáng trưng cả khu. Yên tâm trở vào nhà, ông mới vừa chạm lưng xuống giường thì nghe có tiếng nhốn nháo. Tiếng con May khóc rấm rứt, vọng vào đêm nghe rõ mồn một. Ông Bảo bồn chồn bật dậy. Bà thử sang xem con May thế nào. Chắc vợ chồng lại xảy ra chuyện gì chăng?.
Bà Thêu còn đang ngái ngủ cũng loẹt quẹt đôi dép sang đến nơi thì Hiền, Thắm, Bình và chị em ở những phòng bên cạnh đã đứng chật phòng. Ba lô và những túi đồ khác được vứt vung vãi ra khắp giường. May ngồi giữa đống đồ đạc, mặt nghệt ra, đôi mắt đờ đẫn. Quả khóa hòm bị quẳng dưới nền nhà. Thằng Chìa to như thế cũng bốc hơi từ bao giờ.
- Thằng Chìa trốn thật rồi bác ơi. Hôm nọ nửa đêm bắt được quả tang nó dậy hít thuốc, con đã tỉ tê, ngọt nhạt, khuyên bảo. Ấy thế mà cuỗm được số tiền tiết kiệm của con, nó chuồn luôn. May mà tiền dành dụm, con chủ yếu để trong tài khoản.
- Chồng với chả con. Sau đợt này thì đừng có mà tin nó nữa. Chấm dứt cho nó nhẹ nợ, em ạ.
Giọng Thắm gay gắt. Bạn bè thấy chướng mắt người ta mới khuyên nhủ chân thành thế. May cũng đã nghe nhiều người khuyên trước đó nhưng cứ nghĩ tình nghĩa vợ chồng chẳng thể dứt bỏ được ngay, còn nước còn tát. Vợ chồng nhà nào chả có lúc nọ lúc kia. Nhưng niềm tin nơi May giờ đã tan tành theo mây khói. Bà Thêu khẽ ngồi xuống cạnh giường. May gục hẳn vào vai bà rấm rứt. Tết nhất đến nơi rồi. Tưởng vài bữa nữa, công ty cho nghỉ, hai vợ chồng dắt díu nhau về quê. Rồi khi ra Tết, Chìa sẽ trở lại nơi này và xin vào công ty làm ăn tử tế. Ai ngờ.
4. Nhìn Thắm, May, Hiền và toàn thể dãy nhà trọ gom những túi quà Tết mới nhận còn chưa sử dụng chất chung vào một hộp để ở ngoài sân làm bà Thêu ngạc nhiên. Quà Tết được tặng ý nghĩa vậy mà chúng lại mang quà ra đại lý bán lại sao. Được đáng bao nhiêu mà làm vậy. Những thứ đó thiết yếu, nhà nào mà chẳng phải dùng? Bà Thêu cầm một túi quà lên ngắm nghía. "Mất công mang đi mang lại, cho bác mua lại một túi nào. Giá cả thế nào cứ bán lại cho bác như thế". May đón lại túi quà từ bà Thêu. "Hàng giả đó bác. Chúng con mang đến phân xưởng bây giờ để tập kết trả lại công ty mà".
Bà Thêu nhìn kỹ. Bên ngoài nắp chai không bọc nylon như các chai dầu ăn khác. Mở nắp ra lại không có nút nhựa bên trên. Chai nước mắm vừa bật đã thấy có mùi. Bà Thêu chép miệng. Làm ăn hùng hục cả năm, xin nghỉ cái phép còn khó hơn người đi đãi vàng. Thế mà có mỗi gói quà cho người ta còn là hàng giả. Coi thường công nhân quá.
28 Tết, các phòng khác đã khóa kỹ, then cửa chốt cẩn thận, đồ đạc thu gọn góc phòng, dắt díu gọi nhau bắt xe về quê ăn Tết. May dọn dẹp sạch sẽ cả khu, chăn màn phơi phong giăng kín sân.
- Thế bao giờ mới định về nhà mà hôm nay vẫn còn ở đây?
May buồn rầu:
- Năm nay con ở lại đây ăn Tết thôi. Nhà còn đâu nữa mà về!
Bà Thêu lặng người khi May kể. Cô nghe người thân gọi xuống báo tin, thằng Chìa mấy ngày nay đã dẫn một đứa con gái về ở cùng. Đồ đạc của May nó đem vứt hết. Đứa con gái theo về cùng thằng Chìa nghe đâu cũng là dân nghiện, bỏ nhà đi bụi từ lâu, chúng gặp nhau cùng hội cùng thuyền. Trời lạnh, đêm xuống càng lạnh hơn. Câu chuyện của May làm bà Thêu xót xa. Bà khẽ mỉm cười, lau những giọt nước mắt đang lặng lẽ lăn dài trên má May.
- Thôi nào, Tết nhất rồi. Ai lại ngồi đây mà nước mắt ngắn nước mắt dài thế kia. Con cứ sang nhà đón Tết với hai bác. Nhà bác có gì ăn nấy. Qua mấy hôm Tết, cả dãy trọ trở lại nhộn nhịp. Rồi lại bận túi bụi với việc công ty ngay thôi mà!
May đứng lên, cô chậm rãi bước theo bà Thêu, gạt bỏ nỗi phiền ưu trong lòng. Nơi giữa căn nhà, cành mận đã rạo rực hoa. Những nụ hoa mỏng manh, kiêu hãnh làm bừng sáng cả gian phòng. May chợt thấy ấm áp và gần gũi như mùa xuân quê hương đang ở ngay bên mình. Hoa mận về xuôi vẫn cứ thắm sắc và bền bỉ. Như người phụ nữ miền sơn cước kiên cường, mạnh mẽ và dẻo dai. Năm mới sẽ mang đến những điều mới mẻ. Bao niềm vui còn đang chờ đợi May phía trước…