Những tình huống bi hài khi dạy online

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mở lớp học trực tuyến, cô Khánh Linh, giáo viên lớp 2 một trường công lập ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, thấy cả nhà một nam sinh đang ăn cơm.
Những tình huống bi hài khi dạy online
Học sinh lớp 4, trường Tiểu học Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội học Zoom sáng 6/9. Ảnh: Trường Tiểu học Đa Tốn

Vì chưa vào giờ học, cô Linh tạm thời chưa nhắc nhở, nghĩ rằng gia đình truy cập sớm vào lớp rồi tranh thủ cho con ăn cơm. Cô giáo cũng thông cảm bởi để tiện cho các bé có phụ huynh kèm cặp, nhà trường phải xếp giờ học online vào 19h30, khung giờ ăn tối của nhiều gia đình.

Tuy nhiên, khi các học sinh khác bắt đầu vào lớp và chào cô giáo, cô Linh vẫn nghe thấy tiếng quát, giục ăn nhanh từ phụ huynh của em kia. Cô giáo chưa kịp nhắc nhở, những em khác nghe thấy tiếng quát, bắt đầu chú ý vào camera và nhao nhao hỏi "Nhà Quân đang ăn cơm à?", "Eo ơi sao cậu ăn chậm thế?", "Quân ăn món gì thế? Nay tớ được ăn thịt gà đấy"...

"Các con trật tự, bạn nào còn làm việc riêng hay ăn uống dở thì nhanh chóng hoàn thành để chúng ta bắt đầu buổi học", cô Linh vội vàng nhắc. Đến lúc đó, phụ huynh của Quân mới giật mình, nhận ra mình chưa tắt camera và tiếng. Cô giáo thấy người mẹ vội vàng mang máy tính đặt lên trên bàn học của con trai và cho Quân lên ngồi vào bàn ngay sau đó.

Đến 10 phút sau, tiết học mới diễn ra do học sinh quá say sưa nói về ẩm thực, đồ ăn. "Sau buổi học hôm đó, tôi nhắc nhở chung phụ huynh cố gắng cho con ăn trước giờ học, chú ý tắt camera và micro khi cần thiết", cô Linh kể. Dù vậy, cô giáo 35 tuổi vẫn tiếp tục vấp phải tình huống khó xử khác.

Trong buổi học Toán tối 10/9, bố của một học sinh cởi trần đi phía sau bàn học của con, nói lớn "Ô sao cô giáo con béo thế?". Cô Linh giật mình, vì tiếng nói lớn lọt vào micro, cũng vì ngượng. "Tôi vội vàng tìm nút tắt micro của người học, đồng thời nhắc nhở học sinh chỉ mở micro khi phát biểu", cô Linh nói.

Từ khi dạy online, cô Linh cảm thấy căng thẳng và áp lực hơn vì biết ngoài học trò, phụ huynh cũng theo dõi tiết học. Gần đây, cô chú ý hơn trong việc kiểm soát bật, tắt micro của học trò, đồng thời nhắc nhở phụ huynh tránh việc ăn mặc quá thoải mái và xuất hiện trong camera khi con đang học.

Cùng tâm trạng với đồng nghiệp, cô Hà, giáo viên lớp 2 một trường tiểu học ở TP Thủ Đức, TP HCM, cũng gặp nhiều tình huống khó xử khi phụ huynh xuất hiện trên màn hình lớp học.

Trong những buổi tập trung, làm quen với cách học mới trước khi học chính thức vào ngày 20/9, phần lớn phụ huynh kèm con. Đa số tế nhị, không để mình lọt vào khung camera lớp học, thỉnh thoảng chỉ xuất hiện khi con lúng túng thao tác máy tính. "Tuy nhiên, cũng có một số phụ huynh chưa tế nhị, ngồi kế bên con nhưng lại làm việc riêng, gọi điện, cười nói, thỉnh thoảng quên tắt micro gây ồn. Có bữa tôi còn nghe tiếng người thân trong gia đình gọi vọng ra", cô giáo kể.

Chưa kể một lần cô giáo ngượng khi người thân học trò nhận xét khiếm nhã về mình, vô tình âm thanh lọt vào lớp học. Cô trấn tĩnh một lát rồi ôn tồn nhắc học sinh tắt micro, dù sau đó cảm xúc dạy học đã giảm đi phân nửa. Nhiều học sinh ở nhà trọ chật hẹp nên không gian sinh hoạt của gia đình hiện rõ lên như mẹ nấu cơm, cha dỗ dành em bé. "Điều này khá tế nhị, giáo viên rất khó nói trực tiếp với phụ huynh. Chỉ mong cha mẹ các em hiểu và khéo léo, cẩn thận hơn một chút, dành không gian yên tĩnh, gọn gàng nhất cho con học tập", cô chia sẻ.

Một cô giáo tiểu học khác tại quận Bình Tân cảm thấy khó xử bởi phụ huynh can thiệp sâu vào chuyên môn trong giờ học. Giáo viên lúng túng vì không biết xưng hô thế nào cho phải khi 2-3 thế hệ cùng xuất hiện trong lớp. Một số ông bà, cha mẹ không chỉ ngồi học với con mà còn tham gia phát biểu trong lớp. Không chỉ thắc mắc về việc học, nhiều phụ huynh còn góp ý cô giáo phải thay đổi cách dạy, giáo án, cách ra bài tập.

"Không giải đáp thắc mắc của phụ huynh thì bất lịch sự, nếu giải đáp thì mất thời gian của lớp, học sinh cũng không quan tâm và hiểu gì", cô giáo nói và cho rằng nếu muốn trao đổi chuyên môn, thậm chí phê bình những điều chưa hay của giáo viên thì nên điện thoại trực tiếp hoặc nhắn trên nhóm Zalo phụ huynh.

Nhiều giáo viên khác chia sẻ, việc dạy trực tuyến như "làm dâu trăm họ". Không chỉ khó về chuyên môn, vất vả trong công việc mà thầy cô còn chịu nhiều áp lực vô hình với những tình huống bi hài. "Nhiều ban giám hiệu hiểu, thông cảm thì giáo viên còn được an ủi. Nhưng cũng có hiệu trưởng nghiêm khắc, giáo viên sẽ bị phê bình nặng nếu để xảy ra điều tiếng không hay. Trong khi nhiều giáo viên cũng là phụ huynh, có áp lực như bao người trước dịch bệnh, cũng phải lo con cái học hành", một cô giáo ở TP HCM nói.

Hiện nay cả nước có gần 20 triệu học sinh phổ thông, trong đó hơn 7,35 triệu học sinh thuộc 26 tỉnh, thành phố tổ chức học trực tuyến do ảnh hưởng của Covid-19. Tại Hà Nội, khoảng 2 triệu học sinh Hà Nội học trực tuyến do thành phố giãn cách, trường học đóng cửa từ đầu tháng 9. Trong khi đó, hơn 1,3 triệu học sinh phổ thông TP HCM cũng bắt đầu năm học mới bằng những tuần đầu tập trung lớp học, làm quen các học trực tuyến, ôn lại bài cũ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật