Gởi con nhỏ vào trận đánh lớn

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, cùng với quân và dân Sài Gòn – Gia Định, đồng bào người Hoa đã không tiếc xương máu, góp phần làm nên cơn địa chấn lịch sử. “Trong số những chiến sĩ cách mạng người Hoa ấy, cô Lâm Cúc, nguyên cán bộ Hoa vận Sài Gòn – Gia Định, được xem là mẫu người cộn‌g sả‌n kiên cường, chung thủy, chiến đấu dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng” - bà Dao Nhiễu Linh, Trưởng Ban Công tác người Hoa TPHCM, tự hào nói.
Gởi con nhỏ vào trận đánh lớn
Bà Lâm Cúc với vết thương tựa hình chữ S, trong đợt tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968

Tuổi thơ dữ dội

Mới 3 tuổi, Lâm Cúc đã được cha mẹ bế đến định cư tại vùng đất phương Nam trù phú, để tránh loạn lạc. “Cuộc đời cách mạng của tôi như đã được định trước, khi vào Trường Tân Chung - Sóc Trăng với đa số giáo viên, học sinh là con em người Hoa và một số người thầy sau này tôi mới biết là những chiến sĩ cách mạng” - bà Lâm Cúc bồi hồi nhớ lại. Ngoài bài giảng hằng ngày trên lớp, bà Cúc và một số nữ học sinh khác được thầy, cô chọn ra để giảng thêm những bài học về lòng yêu nước, chống ngoại xâm của dân tộc.

Mới 14 tuổi, Lâm Cúc đã sớm giác ngộ cách mạng. Ban đầu, bà cùng một số học sinh người Hoa đi rải truyền đơn, viết khẩu hiệu ở các chợ, các khu dân cư. Sáng tạo hơn, Lâm Cúc còn dịch các tờ truyền đơn từ chữ Việt ra chữ Hoa, sau đó đưa vào các xóm có đông người Hoa sinh sống để bà con hiểu thêm về cách mạng. “Ngày đầu tiên tham gia cách mạng là những kỷ niệm đẹp mà tôi không thể nào quên. Sau giờ học, ăn vội bát cơm, chúng tôi lại chạy ùa vào các xóm để rải truyền đơn. Sau khi ngồi lại để họp rút kinh nghiệm, đứa nào cũng ôm bụng cười khi hay rằng mình vừa bỏ truyền đơn nhà bạn bè và bạn bè thì đến bỏ vào nhà mình” - bà Lâm Cúc cười giòn.

Sự mưu trí, dũng cảm của nữ học trò người Hoa Lâm Cúc đã khiến nhiều người cảm phục. Năm 1950, vừa bước sang tuổi 16, Lâm Cúc được tổ chức đưa vào khu giải phóng Cà Mau – Bạc Liêu, để rồi hai năm sau trở thành nữ cán bộ tuyên huấn trẻ người Hoa, trở về hoạt động tại thị xã Bạc Liêu, với nhiệm vụ vận động, tuyên truyền quần chúng tham gia cách mạng. Năm 1956, có một sự kiện trọng đại trong cuộc đời nữ chiến sĩ cách mạng người Hoa, đó là bà được kết nạp Đảng cộn‌g sả‌n VN khi bước sang tuổi 22.

Ở tuổi 72, dù sức yếu, song bà Lâm Cúc vẫn nhớ như in những ngày gởi lại 5 con nhỏ cho người thân chăm sóc để cùng đồng đội tham gia tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời Lâm Cúc là năm 1954, sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Gèneve được ký kết cũng là lúc bà kết hôn với một cán bộ Hoa vận khác là ông Huỳnh Nghị (nguyên phó trưởng Ban Công tác người Hoa TPHCM). Bà Cúc tâm sự: “Lẽ ra, tôi và ông ấy định hai năm sau (1956), tức là sau tổng tuyển cử, thống nhất đất nước như Hiệp định Gèneve đã ký kết thì mới kết hôn, nhưng vì yêu cầu của tổ chức, để thuận lợi cho hoạt động nên vợ chồng tôi phải chấp hành”. Lễ cưới của hai cán bộ người Hoa được tổ chức đơn sơ nhưng đầy ấm cúng tại chiến khu Cà Mau – Bạc Liêu. “Và quà tặng ý nghĩa nhất cho ngày vui của chúng tôi là những người đồng đội, đồng chí luôn giơ tay hình chữ V - chữ V biểu tượng cho chiến thắng, hy vọng hai năm sau nước nhà thống nhất” - bà Cúc xúc động nhớ lại.

Vết thương hình chữ S

Tuy nhiên, sự mong đợi của đôi vợ chồng trẻ người Hoa và những chiến sĩ cách mạng đã tạm gác lại khi đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm ra sức phá hoại Hiệp định

Gèneve, đàn áp khủ‌ng b‌ố khốc liệt phong trào yêu nước và cách mạng của nhân dân miền Nam. Thế là mọi người phải lao vào cuộc chiến đấu mới.

Năm 1967, bà Lâm Cúc được điều về Sài Gòn công tác tại Ban Tuyên huấn Hoa vận, ban đầu cơ sở đặt tại 341/10 đường Gia Phú, là một xưởng in bí mật dưới hầm sâu, thường xuyên in truyền đơn và báo Công nhân giải phóng (tiếng Hoa). Theo yêu cầu của tổ chức, bà Lâm Cúc phải thường xuyên bồng bế 5 đứa con nhỏ (lớn nhất 8 tuổi, nhỏ nhất 1 tuổi), liên tục đổi nhà để thuận lợi cho hoạt động và theo lời cấp trên là để chuẩn bị cho “trận đánh lớn sắp tới”.

Ở tuổi 72, dù sức yếu, song bà Lâm Cúc vẫn nhớ như in những ngày gởi lại con nhỏ cho người thân chăm sóc, cùng đồng đội tham gia tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ngay trong đêm mùng một Tết, cùng với lực lượng cách mạng người Việt, cán bộ, chiến sĩ và lực lượng cách mạng người Hoa đã đồng loạt tiến lên, làm chủ hoàn toàn tình hình ở nhiều khu xóm lao động và tiến đánh một số mục tiêu đầu não của địch. Tại quận 5, lực lượng vũ trang cánh Hoa vận đã làm chủ một số khu vực thuộc đường Nguyễn Trãi và Nguyễn Huỳnh Đức, cùng với lực lượng vũ trang các cánh hợp đồng tác chiến, tập kích bót Bà Hòa, tức ty cảnh sát đặc biệt Chợ Lớn. Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra, các chiến sĩ cách mạng lâm vào tình thế khó khăn.

Trước tình thế ấy, bà Lâm Cúc được cấp trên giao nhiệm vụ đem hai khẩu súng và một bọc thuốc nổ giao cho cánh quân sự đang bám trụ. Dưới vỏ bọc một người dân chạy loạn tìm người thân, bà Lâm Cúc đã hoàn thành nhiệm vụ, giúp anh em ta có điều kiện đánh trả quyết liệt các đợt phản kích của địch. Sau đó, trong đêm khuya, dưới những cơn bom đạn, bà tiếp tục cùng đồng đội đi tìm bác sĩ cứu chữa các thương binh. Bà Lâm Cúc còn vận động bà con lao động người Hoa giúp các lực lượng cách mạng rút lui về hậu cứ an toàn, kể cả số thương binh.

Chỉ tay vào vết thương trong đêm Mậu Thân, trên cánh tay trái tựa hình chữ S, bà Lâm Cúc xúc động: “Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã gây ảnh hưởng cách mạng rất lớn trong đồng bào người Hoa, nhất là giới công nhân lao động. Họ càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ và sự tất thắng của cách mạng”.

Ngày 30-4-1975, niềm tin tất thắng ấy đã thành hiện thực. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà Lâm Cúc là thành viên ban lãnh đạo Báo Sài Gòn Giải Phóng Hoa văn. Từ năm 2000 đến nay, bà nghỉ hưu và ở cùng người con trai lớn tại quận 5 - TPHCM.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật