U ẩn tiếng đờn kìm

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khách vừa bước vô hàng rào dâ‌m bụt ông Năm chủ chợ Vàm Nhon nhận ra người quen hỏi:
U ẩn tiếng đờn kìm
Ảnh minh họa

Khách vừa bước vô hàng rào dâ‌m bụt ông Năm chủ chợ Vàm Nhon nhận ra người quen hỏi:

- Phải Ba Phước đó không?

- Dạ con đây!

- Gió nào mà thổi con trai nhà Hội Đồng đến đây vậy?

- Thân bèo nổi trôi về đây nhờ ông Năm giúp đỡ.

Ông Năm kéo tay người đàn ông ngồi xuống băng đá:

- Có gì nói đi!

- Nghe ông Năm vừa sửa sang lại nhà lồng chợ, con định đem gánh hát về hát ít hôm  giúp vui cho bà con ở đây không biết ông Năm cho phép không?

Ông Năm nhìn nhìn người đàn ông, nói:

- Ủa cháu làm bầu gánh hát hồi nào vậy? Hát bội hay hát cải lương?

- Hát cải lương, mười năm!

- Chừng nào gánh hát tới vậy ba? - Ông Năm hỏi.

- Nước lớn mai.

- Sao mà cháu thành bầu hát vậy?

- Chuyện dài lắm chú ơi. Nhưng cũng tại cái mê đờn ca của con hồi nhỏ. Mới 7 tuổi ông già mướn thầy đờn về dạy cho con, mục đích tối tối chiều chiều đờn cho ông già nghe. Ông già ghiền nghe đờn gui ta phím lõm. Ngày con lớn lên đờn ca đã nhập vào máu nên tụ tập tay chơi khắp xứ về ca hát, riết rồi anh em đề nghị con đứng ra làm bầu gánh hát. Ngày ông già con mất lúc ấy con đang lưu diễn ở Bạc Liêu không về kịp. Má con đứng trước đầu hòm trách người đã khuất: “Tại ông tập cho thằng nhỏ đờn ca, nay ông chết nó không về, ở dưới âm ty ông đừng phiền nó nghen!”. Con về nghe anh em kể lại cũng tội nghiệp cho ông già lúc lâm chung cần nghe tiếng đờn kìm mà không có. Từ đó, tiếng đờn của con nửa như ai oán, nửa như nghẹn ngào người nghe day dứt không nguôi.

Vậy thì bữa nào con đờn cho thím con nghe vài bản coi! Bà ấy cũng ghiền nghe đờn lắm!

-  Vậy là tiện rồi!

Ông Năm dẫn Ba Phước đi vòng ra nhà lồng chợ. Nhà lồng mới lợp lá xé còn nguyên mùi lá, dài ngót mười lăm mét, ngang chừng bảy mét trên khuôn đất chợ khá rộng. Ông Năm nói thêm:

- Khu này dư sức chứa năm bảy trăm người, gánh hát ở đây cả tháng không sao, hết gạo chú bao.

***

Vừa mới xế chiều tiếng trống rao hát đã lan đi khắp các ngả sông rạch, đám con nít xôn xao, người lớn rộn ràng : “Gánh hát cải lương  Phước Đồng mới về đào kép trẻ măng, ca hay lắm mấy bà ơi! Gánh hát này đi tới đâu cũng chật rạp”.

Cậu Ba Phước trong bộ áo bà ba xám đi tới lui ngoài cửa rạp thấy bà con chen nhau giành mua vé, đã vô bên trong đầy rạp rồi mà bên ngoài còn đông lắm.

Rạp hát che bằng vải kaki cũ, không biết tại đám con nít chen lấn hay người ta cố ý xé mà khi màn vừa vén thì bên hông rách tét ra chừng năm sáu thước người xem tràn vô báo hại phe giữ trật tự mệt gần chết.

Cậu Ba Phước nghĩ ngợi: “Nếu tình hình này suôn sẻ thì có thể trả tất nợ nần cho ông cả Tám, nợ tiền dù người ta không lấy lãi, không đòi nhưng vì uy tín và chỗ ơn nghĩa nên phải hoàn vốn càng sớm càng tốt”. Đêm hát trót lọt, màn hạ rồi mà khán giả còn mê mẩn tâm thần. Hẹn nhau đêm mai.

Đêm hát thứ hai đông hơn đêm trước, bán hết vé rồi cậu Ba ra lệnh xả giàn cho bà con vô ra thoải mái, ý kiến đề nghị này của ông Năm chủ chợ muốn đãi bà con trong làng đêm hát chơi cho vui sau những ngày lao động ngoài đồng áng cực nhọc.

Cậu Ba ôm giỏ xách tiền ém vô rương lòng đầy phấn khởi. Từ khi thành lập gánh hát đến nay đã đi gần hết miệt sông nước, có thạnh có suy, nhưng thạnh chưa nơi nào hơn ở đây! Cậu Ba vỗ vai cặp đào kép chánh nói: “Ráng với anh nghen các em! Anh không xử tệ với em út đâu! Nếu có kha khá anh sắm thêm áo mão, mua hai chiếc xe hàng đi lưu diễn lần ra miền Trung một lần cho biết!”.

Kép Minh Thành và Đào Kim Liên nhìn Ba Phước:

- Tụi em luôn hết mình vì anh, vì nghệ thuật!

Đêm thứ ba gánh Phước Đồng diễn vở tuồng “Thoại Khanh Châu Tuấn” vừa rao hát xong đàn bà rủ nhau: “Đêm nay giá nào cũng coi cho bằng được! Thương cho Thoại Khanh hiếu nghĩa chung tình hết mức!”.

Niềm phấn khởi của cậu Ba Phước đang cao hứng thì bỗng dưng Vân Hà đưa cho cậu Ba miếng giấy. Vân Hà là đứa cháu gọi bằng cậu, cha mẹ nó thôi nhau, Hà không nơi nương tựa nên cậu cưu mang dạy đờn ca cho theo gánh hát diễn những vai phụ vì nghề của Hà còn non kém.

Cậu Ba cầm lá thư chữ viết vội vã, tóm gọn mấy dòng: “Anh Ba, hai em không thể nán lại với anh được, đã đến lúc tụi em phải rời xa anh! Ân nghĩa của anh  mấy năm qua truyền dạy tụi em luôn khắc ghi trong lòng, hứa sẽ đền đáp một ngày thật gần. Mong anh tha lỗi cho hai em. Ký tên  Minh Thành, Kim Liên”. Ba Phước cầm tờ giấy lật qua lật lại mà mồ hôi rơi xuống đồm độp. Cậu nhìn ra sân chép miệng: “Tụi nó bỏ đi thật rồi!”. Điều này cậu đã có nghĩ tới sẽ có một ngày… không ngờ là nó đi quá sớm chưa kịp trở tay. Tin đào kép chánh bỏ đi không mấy chốc rộ lên trong đoàn. Cậu Ba họp đoàn khẩn cấp, để chấn chỉnh tình hình. Không khí im lặng của cuộc họp gần như ngộp thở.

Cậu Ba ôn tồn nói:

- Chuyện  Minh Thành, Kim Liên ra đi là điều phải đến, biết rằng, gánh mình không thể cầm chân người ta ở lại được! Điều này anh không trách, nhưng hơi buồn là hai đứa nó không nán lại với anh ít hôm để có thời gian tập dượt cho Minh Hậu với Ngọc Bích vững vàng để thay vai. Chuyện này, tôi đề nghị với anh chị em trong đoàn tuyệt đối giữ kín không để lọt ra ngoài, nếu để lọt ra ngoài thì nồi cơm của chúng ta bị bể ngay. Đêm hát vẫn tiến hành bình thường, nhưng đến khi trình diễn tôi sẽ có ý kiến với bà con, mong bà con thông cảm. Còn phần hai em Minh Hậu và Ngọc Bích từ bây giờ cho đến tối phải ráo riết tập tuồng để thay thế Minh Thành và Kim Liên.

Thời gian nhích dần tối, đêm hát đầy lo lắng trong lòng cậu Ba Phước. Rồi cũng qua, mặc dầu  đào kép mới còn nhiều điểm kém khuyết không sánh được Minh Thành và Kim Liên nhưng không đến đổi tệ, ít nhiều vẫn giữ được niềm tin yêu trong lòng khán giả với đoàn. Cậu Ba đôi phần yên tâm, nói với Hậu và Bích:

- Cố gắng tập dượt tuồng tối mai nghen, nên lưu ý ở đoạn Lâm Sanh với Xuân Nương chia tay phải mùi lâm ly mới được. Càng mùi càng ăn khách đó!

- Dạ! Tụi em hiểu, có thử tập dượt mấy lần rồi!

- Vậy là hay lắm! Ngoài vở tuồng tối mai, tiếp những vở kế hai em phải cố gắng tập dượt cho ngon lành nghen!

***

Chiều nào gánh hát Phước Đồng cũng đi rao hát, đào kép chuẩn bị tô son điểm phấn, nhưng rồi ôm mặt đẹp ngủ gà ngủ gật bên cánh gà vì trời mưa. Đến ngày thứ năm tình hình ăn uống trong đoàn có phần eo hẹp, ông Năm chủ chợ cho người đem qua hai giạ gạo nói với cậu Ba: “Con cứ yên tâm ở đây gạo ăn cả năm không hết!”. Gạo thì có, nhưng đồ ăn sao đây! Tài chánh đã báo hết tiền rồi! Cậu Ba đi tới lui nghĩ cách, cuối cùng nói với anh em trong đoàn:

- Này anh chị em! Ông trời chẳng lẽ mưa hoài sao! Có mưa phải có nắng chớ! Nhân mưa này ta ra ngoài ruộng lượm số ốc về luộc làm gỏi bắp chuối, rau muống thì bóp giấm chấm mắm kho trở bữa chắc ngon lắm!

Đào kép trẻ tung ra ruộng một hồi mang về cả thau nào ốc, cua, cá, rau muống… đoàn chế biến ăn phủ phê. Tụi kép trẻ đùa: “Kiểu này,  gỏi ốc, mắm kho ăn ghiền rồi sao mấy ông?”. Có người lắc đầu: “Ghiền sao nổi!”. Mặc dầu ngán ốc đến tận cổ, nhưng cậu Ba phân công hai đứa con trai mỗi sáng xách thùng ra ruộng để cải hoạt cho bữa cơm những khi ế ẩm hát không được!

Thấy trời mưa liên tiếp Minh Hậu và Ngọc Bích xin về nhà thăm nhà ít hôm, nắng sẽ xuống. Ngày Minh Hậu về đoàn nhưng không thấy Ngọc Bích. Hậu kể lại với cậu Ba:

- Ngọc Bích về nhà gặp ông bầu Trung nói gì đó rồi rước về Long Xuyên hát rồi!

Cậu Ba không nói lời nào, có lẽ những chuyện đào kép đến và đi đối với cậu là việc bình thường. Cậu nói với Hậu:

- Em có định bỏ đi không?

- Dạ, em thề theo cậu chừng nào đoàn không hát nữa thì thôi!

     Cậu Ba trịnh trọng mời Hậu ngồi xuống ghế nói:

- Em ráng kềm cho con Vân Hà thay cho Ngọc Bích nghen! Vân Hà có khiếu diễn, giọng hát làn hơi cũng khá có nét cải lương lắm, anh hy vọng nó không kém gì Ngọc Bích đâu?

***

Trong những ngày mưa dầm, đám cưới của Hà cùng cháu của ông Năm được tiến hành. Ông Năm luôn miệng hứa với cậu Ba: “Nhà cháu tui rảnh rỗi lắm, nếu tới dịp đi hát chú cho cháu dâu tiếp tục đi hát, nếu nó muốn theo nghề”. Vân Hà có chồng, kéo theo một số trong anh chị đoàn cũng thành chồng vợ trong xóm.

Hôm chia tay với bà con ở chợ Vàm Nhon cậu Ba luôn nói: “Gần Tết gánh hát Phước Đồng sẽ trở lại với bà con bằng những vở tuồng mới hay đặc sắc, bà con ở lại mạnh giỏi”. Đặc biệt nói với cháu Hà: “Con ở đây nhín thời giờ học tuồng cho thuộc, cậu trở lại tiếp tục đi hát nghen con!”.

Vân Hà nhìn cậu Ba nghẹn ngào, nói:

- Dạ! Con đợi cậu! Nghĩ thương cho cậu quá, đã mấy lần đào kép bỏ đi cậu lục lạo khắp các hang cùng ngõ hẻm tìm những tài năng đem về hướng dẫn chỉ dạy thêm nghề cho đến khi thành tài rồi người ta bỏ đi vào những gánh hát lớn. Cậu biết thế nhưng vẫn làm, vì sự đam mê đờn ca nên cậu chấp nhận trò chơi nghiệt ngã này!

Cậu Ba Phước biết Vân Hà rất có năng khiếu ca hát và nó cũng mê hát cải lương. Bất đắc dĩ lắm cậu Ba Phước mới chấp nhận gả cho cháu ông Năm chủ chợ chớ trong lòng cậu đau như xé, còn Vân Hà nghĩ thương cậu như cha không dám cãi lời chớ trong lòng luôn ôm mộng làm đào hát cải lương.

Trước khi ra về cậu Ba Phước nhìn đống đồ nghề chất ở nhà lồng chợ quyến luyến không nỡ rời. Nhưng ý nghĩ thoáng ra trong đầu: “Mình về củng cố lại đào kép rồi trở lại trước Tết, có bỏ nghề đâu mà buồn!”. Nghĩ vậy, cậu Ba tới lui căn dặn ông Năm: “Cho con gởi một số đồ hát trong rương có khóa để ở nhà lồng chợ đó nghen ông Năm! Gần Tết tụi con trở lại!”.

Vân Hà trông chờ cậu Ba trở lại dẫn đi hát, trông chờ… một con, hai con… vẫn trông chờ. Bà Năm ghiền nghe cải lương đêm đêm bắt Vân Hà đánh son phấn hát trích đoạn cải lương cho bà nghe. Bà Năm vui ra mặt nói: “Con khỏi đi hát cứ ở đây đêm đêm hát cho bà nghe đủ rồi!”.

Những buổi trưa hè Vân Hà nhớ ánh đèn, nhớ sân khấu hát ru con, tiếng ru xa vắng nghe vời vợi. Lâu rồi chủ gánh hát không trở lại ông Năm cạy rương ra lấy áo mão của quân quan cho bà con lối xóm ai dùng được thứ nào thì lấy. Chỉ có bàn thờ tổ ông Năm đem về nhà để trên cao, đốt nhang thay cho gánh hát Phước Đồng. Cô đào Vân Hà hết hát ru con đến hát ru cháu. Cậu Ba cứ bôn ba tìm nghệ nhân mới. Hoàn cảnh giặc giã mỗi lúc một ác liệt nên đêm đêm cậu Ba rót tâm sự vào tiếng đờn kìm thêm u ẩn theo dòng thời gian.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật