Tin liên quan
Đẳng cấp của “anh lớn”
Trước hết, nếu nhìn từ góc độ đội tuyển Việt Nam, sự tiến bộ của các học trò huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo là điều ai cũng có thể nhận thấy. Điều đó đã thêm một lần được chứng minh trong trận thắng Indonesia 4-0, khi hầu hết các cầu thủ đều cho thấy họ đang ở độ chín cả về chuyên môn lẫn tâm lý thi đấu.
Đối phó với một Indonesia sẵn sàng dùng tiểu xảo và thậm chí chơi rắn quá mức cần thiết, các học trò của HLV Park Hang-seo đã giữ được sự tỉnh táo, bình tĩnh để tiếp tục triển khai lối đá kỹ thuật và hiệu quả. Cái cách mà đội tuyển Việt Nam thể hiện hoàn toàn “trên cơ” đối thủ cho thấy rõ sự chênh lệch về đẳng cấp giữa hai đội.
HLV Shin Tae-yong của Indonesia được đánh giá cao hơn ông Park Hang-seo ở Hàn Quốc, nhưng rõ ràng, trong cuộc đọ sức giữa hai người đồng hương vừa rồi, Indonesia của ông Shin đã không cho thấy họ là đối thủ tương xứng với Việt Nam của ông Park. Indonesia thật sự hoàn toàn không có biện pháp gì để đối phó với Việt Nam. Lối đá rắn của Indonesia là một lựa chọn rất “thủ công” để ngăn cản một đối thủ vượt trội hoàn toàn về kỹ chiến thuật và tư duy chơi bóng.
Ngay cả yếu tố thể lực, điều mà Indonesia với nòng cốt là các cầu thủ U22 được đánh giá rất cao, cũng không đem đến lợi thế cho đội bóng này. Sau hiệp đấu đầu tiên liên tục phải đuổi theo bóng trong những pha đập nhả bài bản của đội tuyển Việt Nam, phần lớn các cầu thủ Indonesia đã xuống sức thấy rõ trong hiệp 2 và dẫn đến tình trạng “vỡ trận” của đội bóng này.
Nhìn đội tuyển Việt Nam thi đấu, chúng ta có thể nhận thấy tư thế cửa trên của các học trò ông Park Hang-seo. Họ hoàn toàn làm chủ trận đấu, chủ động tăng giảm tốc độ cuộc chơi và triển khai những chiến thuật đã được luyện tập kỹ càng cực kỳ thoải mái. Đó chính là hình ảnh mà người hâm mộ Việt Nam muốn thấy ở đội bóng đang đứng đầu Đông Nam Á.
Sự thụt lùi của những “người hàng xóm”
Nhìn vào kết quả của các đội bóng Đông Nam Á khác cùng tham dự vòng loại World Cup 2022, chúng ta càng thấy được sự vượt trội của đội tuyển Việt Nam trong khu vực ở thời điểm này.
Malaysia và Thái Lan, những đội bóng nằm cùng bảng G với Việt Nam, đều bại trận trước UAE với những tỷ số cách biệt. Tất nhiên, cũng cần phải nói rằng, UAE là một đội bóng rất mạnh với nhiều sự bổ sung chất lượng từ các cầu thủ nhập tịch và có lợi thế đá sân nhà. Mặc dù vậy, cách thua của Malaysia và Thái Lan cũng cho thấy những đội bóng này đang tụt lùi so với chính họ ở thời gian trước đây, bất chấp những nỗ lực cải thiện đội bóng từ hai HLV Tan Cheng Hoe và Akira Nishino.
Ở các bảng đấu khác, Myanmar, Philippines, Singapore và Campuchia đều chỉ là các đội bóng không được đánh giá cao, thậm chí cam phận lót đường. Họ đã phải nhận những trận thua “vỡ mặt”. Singapore thua Uzbekistan tới 0-5, Palestine 0-4; Campuchia thua Iran tới 0-14, còn Myanmar thua Nhật Bản 0-10, thua Kyrgizstan 0-7! Đây là những tỷ số cho thấy Đông Nam Á vẫn là “vùng trũng” của bóng đá châu Á, ngoại trừ Việt Nam. Nên nhớ rằng, thầy trò ông Park từng đối đầu với các đại diện hàng đầu châu lục ở ASIAD hay Asian Cup và dù có thất bại cũng đã tạo ra rất nhiều khó khăn cho những đội bóng đó.
Nếu như việc vô địch SEA Games, AFF Cup hay có vị trí cao nhất khu vực trên bảng xếp hạng của FIFA chưa nói lên hết sự vượt trội của Việt Nam ở Đông Nam Á thì với hệ quy chiếu là những màn trình diễn cấp châu lục, thầy trò ông Park đang chứng tỏ họ đang đứng ở một đẳng cấp hoàn toàn khác so với những “người hàng xóm” của mình.
BOX: Nếu đội tuyển Việt Nam lọt vào vòng loại cuối cùng của World Cup 2022 khu vực châu Á, thầy trò ông Park Hang-seo sẽ đuổi kịp thành tích mà Thái Lan đã làm được ở vòng loại World Cup 2018. Thái Lan khi đó là đại diện Đông Nam Á duy nhất lọt vào vòng loại cuối cùng của Châu Á, tuy nhiên, thành tích của “Những chú voi chiến” là rất đáng thất vọng khi họ không thắng nổi trận nào, hòa 2, thua 8 và đứng bét bảng đấu của mình.