Tin liên quan
Indonesia đang chạy đua với thời gian để tìm tung tích tàu ngầm KRI Nanggala chở theo 53 người mất tích từ sáng sớm 21/4, trong khi nhiều quốc gia cũng cử lực lượng tới hỗ trợ. Tuy nhiên, dù đã triển khai hàng chục tàu chiến, tàu ngầm, trực thăng, hải quân Indonesia vẫn chưa định vị được tàu ngầm sau hai ngày tìm kiếm, ngay cả khi đã phát hiện vệt dầu loang trên biển.
James Goldrick, giảng viên ngành Chính sách và Chiến lược Hàng hải thuộc Đại học quốc gia Australia, cho rằng có hai thử thách lớn mà các lực lượng cứu hộ phải đối mặt trong các chiến dịch tìm kiếm tàu ngầm mất tích.
Đầu tiên là hạn chế trong khả năng phát hiện tàu ngầm, loại khí tài vốn được thiết kế để ẩn mình dưới lòng biển và né tránh mọi biện pháp tìm kiếm. "Ít có khả năng KRI Nanggala được theo dõi chặt chẽ khi bắt đầu lặn trong cuộc diễn tập. Cực kỳ khó để bám theo dấu vết tàu ngầm bằng hệ thống định vị thủy âm (sonar), ngay cả khi các lực lượng duy trì khoảng cách rất gần trong diễn tập", ông nhận xét.
KRI Nanggala có thể di chuyển theo lộ trình được vạch sẵn, nhưng yếu tố chắc chắn duy nhất là vị trí của nó trong lần liên lạc cuối cùng lúc 3h ngày 21/4. Dấu hiệu đầu tiên cho thấy một tàu ngầm có thể gặp nạn, trừ khi xảy ra va chạm với tàu mặt nước, là thủy thủ đoàn không nổi lên để liên lạc hoặc gửi báo cáo về sở chỉ huy theo thời gian đã định trước.
Hải quân các nước có quy trình định sẵn để kiểm tra và triển khai tìm kiếm nếu tàu ngầm không báo cáo về sở chỉ huy, chúng được kích hoạt ngay khi có dấu hiệu mất liên lạc. "Quy trình này gồm tìm kiếm tàu ngầm (SUBLOOK), tàu ngầm mất tích (SUBMISS), cuối cùng là tàu ngầm chìm (SUBSINK) khi có đủ bằng chứng cho thấy tai nạn đã xảy ra", Goldrick nói.
Khi phát hiện tàu ngầm mất tích, lực lượng tìm kiếm chỉ có thể khoanh vùng "khu vực nghi vấn", bởi họ không thể biết chính xác vị trí tàu ngầm dưới lòng biển, dù công nghệ săn ngầm hiện đại đến đâu và lực lượng tìm kiếm có đông đến như thế nào. Tàu ngầm di chuyển càng nhanh và giãn cách giữa mỗi lần liên lạc càng dài thì khu vực tìm kiếm này càng mở rộng.
Một số tàu ngầm được trang bị phao đánh dấu khẩn cấp, có thể được thả lên mặt biển khi gặp sự cố để cho thấy vị trí gặp nạn. Tuy nhiên, nó chỉ có thể được kích hoạt nếu các thủy thủ trong tàu ngầm không bị bất tỉnh hoặc thiệt mạng trong tai nạn.
Ở những vùng biển nông, phao khẩn cấp có thể nối với tàu ngầm bằng dây cáp. Chúng sẽ tự tách ra khi tàu ngầm chìm ở các vùng biển sâu, buộc lực lượng tìm kiếm phải tính toán và ước lượng vị trí gặp nạn sau khi xem xét hàng loạt yếu tố như hướng gió và dòng hải lưu. Họ cũng phải đưa ra tính toán tương tự khi phát hiện mảnh vỡ hoặc vệt dầu loang, bởi chúng đều chịu ảnh hưởng của các yếu tố môi trường biển.
Thử thách thứ hai là địa hình phức tạp dưới đáy biển, bởi rất ít vùng biển có đáy bằng phẳng. "Rất khó để phát hiện thân tàu nguyên vẹn giữa các thực thể dưới đáy biển. Đó là chưa kể tới trường hợp thân tàu bị ép nát và phá hủy ở độ sâu lớn, điều xảy ra khi chiếc ARA San Juan của Argentina chìm xuống vùng nước sâu hơn 900 m ở Đại Tây Dương năm 2017", Goldrick cho hay.
Quá trình tìm kiếm tàu San Juan kéo dài hơn một năm, dù lực lượng cứu hộ đã khoanh vùng bằng phương pháp tam giác đạc dựa trên tín hiệu thu được từ tiếng nổ phát ra khi vỏ tàu bị nước biển ép nát. Xác tàu San Juan chỉ được phát hiện cuối năm 2018 nhờ quét sonar tần số cao kết hợp với tàu lặn không người lái. Điều tương tự có thể xảy ra với KRI Nanggala trong kịch bản xấu nhất.
"Kể cả khi tìm thấy tàu ngầm, không có gì bảo đảm những người bên trong còn sống sót, dù vỏ tàu chưa bị phát hủy. Một số khoang có thể còn dưỡng khí, nhưng nguồn dự trữ rất hạn chế. Đó là vấn đề then chốt", Goldrick nhận xét.
Thời gian không ủng hộ thủy thủ đoàn KRI Nanggala. Tham mưu trưởng hải quân Indonesia Yudo Margono cho biết thủy thủ đoàn tàu ngầm KRI Nanggala có đủ dưỡng khí đến rạng sáng 24/4, bởi lượng oxy dự trữ đủ dùng cho 72 giờ sau khi mất điện toàn tàu.
Thủy thủ tàu ngầm bị chìm có thể thoát hiểm qua ống phóng lôi và nổi tự do lên mặt biển, nhưng quy trình này rất phức tạp và rủi ro tỷ lệ thuận với độ sâu gặp nạn. KRI Nanggala mất tích ở vùng biển sâu tới 700 m, quá sâu để thủy thủ đoàn có thể tự thoát ra ngoài và nổi lên an toàn, dù thân tàu có thể còn nguyên vẹn.
Về lý thuyết, lực lượng cứu hộ có thể sử dụng một chiếc chuông cứu nạn đặc biệt áp vào thân tàu, bơm khí vào để đẩy nước biển ra, cho phép thủy thủ mở cửa thoát hiểm, với điều kiện thiết bị này có thể tiếp cận cửa tàu ngầm và độ sâu không vượt quá giới hạn vận hành của máy bơm.
Frank Owen, thư ký viện Tàu ngầm Australia, nhận định 700 mét là độ sâu khiến các đội cứu hộ trên thế giới đều bất lực. "Hầu hết hệ thống cứu hộ tàu ngầm chỉ có thể hoạt động ở độ sâu khoảng 600 mét. Chúng có thể vươn xuống sâu hơn, do có biên độ an toàn trong thiết kế, song các thiết bị như máy bơm hay hệ thống liên quan sẽ mất khả năng hoạt động. Các phương tiện cứu hộ có thể lặn xuống độ sâu đó, nhưng chưa chắc đã vận hành được", ông nói.
Tàu ngầm Nanggala mất tích ngoài khơi đảo Bali. Đồ họa: AFP.
Khoảng cách đến vị trí tàu ngầm mất tích cũng cản trở nỗ lực chạy đua với thời gian của Indonesia. Tàu cứu hộ tàu ngầm MV Swift Rescue của Singapore khởi hành ngay chiều 21/4 nhưng phải đến ngày 24/4 mới tiếp cận được hiện trường, trong khi tàu Malaysia chỉ có thể tới đích sau ba ngày nữa.
Quân đội Mỹ có thể vận chuyển phương tiện cứu hộ lặn sâu (DSRV) đến Indonesia bằng đường hàng không, nhưng nó vẫn phải được đưa lên tàu và di chuyển bằng đường biển đến hiện trường. Tàu cứu hộ của Ấn Độ cũng phải mất 6 ngày để tới khu vực được khoanh vùng.
"Mọi hệ thống cứu hộ đều có mặt quá trễ để có thể giúp thủy thủ đoàn. Đó là chưa kể KRI Nanggala vẫn chưa được tìm thấy", Goldrick nói.