7 bước thể hiện bản thân trên CV

Duongnguyen Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Việc thể hiện bản thân trên CV là bước đầu tiên trong hành trình chinh phục nhà tuyển dụng. Trên thực tế nhà tuyển dụng sẽ tiếp nhận đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn hồ sơ xin việc gửi về ứng tuyển.
7 bước thể hiện bản thân trên CV
Ảnh minh họa

Do vậy CV xin việc ấn tượng và giới thiệu bản thân tốt sẽ khiến họ có thiện cảm với bạn. Để lọt vào “mắt xanh” của nhà tuyển dụng ngay từ vòng duyệt CV, bạn đọc có thể tham khảo 7 bước thể hiện bản thân trên CV sau đây.

Ghi rõ thông tin cá nhân

CV xin việc được xem là văn bản kết nối giữa nhà tuyển dụng với ứng viên. Chính vì vậy, ứng viên phải ghi rõ thông tin cá nhân của mình để nhà tuyển dụng có thể nắm bắt và tiện liên hệ khi cần. Nội dung các thông tin cá nhân cần được đề cập trong CV gồm họ và tên, địa chỉ nhà ở, địa chỉ email, số điện thoại, năm sinh…

Chú ý rằng bạn nên kiểm tra thật kỹ thông tin cá nhân sau khi soạn thảo CV để đảm bảo rằng chúng thật cụ thể và chính xác. Ngoài ra, phần thông tin cá nhân không nên trình bày quá nhiều và dài dòng. Bạn chỉ nên dành một phần nhỏ trong CV cho chúng mà thôi.

Nêu bật điểm mạnh của bản thân trong đoạn giới thiệu

Tham khảo các mẫu CV đẹp và chuyên nghiệp, bạn có thể thấy không thể thiếu một đoạn ngắn giới thiệu về bản thân của người ứng tuyển. Đoạn văn này tuy rất vắn tắt nhưng lại là điểm sáng giúp CV thu hút và gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.

Trong đoạn văn giới thiệu bản thân, ứng viên cần nêu bật giá trị và nhấn mạnh ưu thế của bạn. Chẳng hạn bạn có điểm mạnh gì về tính cách? Bạn có tiềm năng gì? Kinh nghiệm trong công việc của bạn dồi dào thế nào? Phương châm làm nghề và lý tưởng nghề nghiệp của bạn ra sao?... Bạn nên chắt lọc “tinh hoa” và trình bày các nội dung trên chỉ khoảng vài dòng. Hãy sử dụng những động từ và tính từ mạnh để giúp đoạn văn ngắn gọn mà thu hút.

Đề cập đến mục tiêu nghề nghiệp của bản thân

Hầu như nhà tuyển dụng nào cũng quan tâm đến mục tiêu nghề nghiệp bởi đây là nơi thể hiện bản thân của bạn, cho thấy bạn làm việc vì điều gì và sẽ mang đến giá trị gì cho công ty. Nếu mục tiêu nghề nghiệp của bạn phù hợp với những mong đợi của nhà tuyển dụng, bạn sẽ dễ dàng được họ lựa chọn phỏng vấn. 

Hiểu được điều đó, trong phần này, bạn nên nêu rõ bạn sẽ làm gì nếu được trúng tuyển, bạn mong muốn đạt được điều gì trong công việc tương lai. Hãy thể hiện bạn là người có tố chất làm việc chuyên nghiệp, tiềm năng và chí cầu tiến. Những yếu tố này là điều nhà tuyển dụng rất coi trọng.

Liệt kê các kỹ năng của bản thân

Một ứng viên có nhiều kỹ năng phục vụ cho công việc bao giờ cũng hấp dẫn nhà tuyển dụng. Vì thế ứng viên cần liệt kê các kỹ năng của bạn thân và chú thích chúng nếu cần. Đây là phần quan trọng có tác động đáng kể đến quyết định của nhà tuyển dụng.

Dưới đây là một vài kỹ năng mà đa số nhà tuyển dụng đều mong muốn ứng viên có được:

- Kỹ năng chuyên môn: Là những kỹ năng liên quan đến chuyên môn ngành nghề ứng tuyển. Chẳng hạn, nếu ứng tuyển ở vị trí kế toán thì bạn nên nêu kỹ năng tính toán và thu thập số liệu. Còn khi ứng tuyển vào làm nhân viên kinh doanh, kỹ năng đàm phán là điều cần nói đến trong CV.

- Kỹ năng giao tiếp: Là kỹ năng lắng nghe, biểu đạt và thuyết phục đối tượng giao tiếp. Đây là kỹ năng mà hầu như công việc nào cũng cần có.

- Kỹ năng hợp tác: Là kỹ năng tương tác và phối hợp làm việc nhóm. Ngày nay vấn đề về hợp tác nhóm luôn được nhà tuyển dụng chú trọng. Do đó họ thường đòi hỏi ứng viên cần có kỹ năng hợp tác tốt với đồng nghiệp, đưa ra các sáng kiến, truyền cảm hứng và thúc đẩy tinh thần làm việc của cả nhóm. 

- Kỹ năng giải quyết vấn đề: Là kỹ năng thích nghi với môi trường, nắm bắt vấn đề và phản ứng nhanh nhạy, linh hoạt trong từng tình huống. Ứng viên có kỹ năng này rất được nhà tuyển dụng yêu thích.

- Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin: Là kỹ năng thành thạo các phần mềm tin học văn phòng và phần mềm chuyên dụng cho vị trí ứng tuyển. Với sự bùng nổ công nghệ như hiện nay, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin trở thành kỹ năng thiết yếu ở mỗi ứng viên.

Tạo danh sách các thành tựu đạt được

Các thành tựu từng đạt được là “khu vực” hấp dẫn nhà tuyển dụng nhất trong CV của ứng viên. Hãy thống kê các thành tựu trong học tập, nghiên cứu và làm việc trước đây thành một danh sách cụ thể và toàn diện. Khi trình bày thành quả, ứng viên cần nêu càng cụ thể càng tốt, gồm: năm, tên giải thưởng, thứ hạng… Hãy lập thành danh sách tạo mục hoặc lập bảng để nội dung được hiển thị rõ ràng, logic.

Giới thiệu về sở thích cá nhân

Một số nhà tuyển dụng bên cạnh kỹ năng, chuyên môn, kinh nghiệm còn quan tâm đến sở thích của ứng viên. Bởi lẽ sở thích là tấm gương phản chiếu tính cách của ứng viên đó. Một ứng viên có nhiều sở thích hữu ích cho công việc thì ẩn chứa nhiều tiềm năng phát triển hơn ứng viên khác.

Đừng nên nghĩ rằng mục sở thích chỉ là lấp đầy khoảng trống trong CV. Bạn hãy điền vào đây những sở thích cụ thể và có liên quan đến vị trí ứng tuyển. Ví dụ như đọc sách (ứng tuyển vị trí biên tập viên, giáo viên), làm đẹp (ứng tuyển vị trí nhân viên kinh doanh mỹ phẩm), viết blog (ứng tuyển vị trí nhân viên Marketing),…

Trình bày kế hoạch phát triển sự nghiệp

Bước cuối cùng khi thể hiện bản thân trong CV chính là trình bày kế hoạch phát triển sự nghiệp. Thông qua phần này, nhà tuyển dụng sẽ hình dung được rằng bạn là ứng viên chuyên nghiệp, cầu tiến, có định hướng và biết nhìn xa trông rộng.

Tại mục này, ứng viên cần lập ra các kế hoạch ngắn hạn và dài hạn. Lưu ý rằng các kế hoạch lập ra nên bám sát vị trí việc làm bạn ứng tuyển và mang tính thực tiễn, phù hợp với tính cách của bạn.

Với 7 bước thể hiện bản thân trong CV đã chia sẻ ở trên, hy vọng đã đem đến cho bạn đọc những gợi ý hữu ích để tạo được một CV ấn tượng. Nhờ đó bạn sẽ nhanh chóng chinh phục được nhà tuyển dụng và giành lấy cơ hội được phỏng vấn ở vòng sau.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật