Nông dân Thừa Thiên – Huế vượt khó sản xuất vụ Đông Xuân

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ đầu đầu vụ sản xuất Đông Xuân 2020 – 2021, nông dân tỉnh Thừa Thiên – Huế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai và tình hình mưa rét kéo dài.
Nông dân Thừa Thiên – Huế vượt khó sản xuất vụ Đông Xuân
Nông dân tỉnh Thừa Thiên-Huế gieo cấy lúa đông xuân 2020. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN

Bước vào vụ sản xuất Đông Xuân 2020 – 2021, ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của các đợt bão lũ, khiến đồng ruộng bồi lấp, hệ thống thủy lợi bị hư hỏng, nhiều đồng ruộng bị ngập úng. Tỉnh Thừa Thiên – Huế đang tập trung hỗ trợ tối đa cho nông dân khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo tiến độ sản xuất theo khung thời vụ.


*Nỗ lực khôi phục sản xuất


Vụ Đông Xuân 2020 – 2021, nông dân xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền gặp nhiều khó khăn do tình trạng cát bồi lấp đồng ruộng. Những ngày này người dân nơi đây khẩn trương làm đất để chuẩn bị gieo sạ vụ lúa mới.

Ông Phan Châu, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền cho biết, sau các đợt bão lũ, cát bồi lấp gần 4 sào ruộng (mỗi sào 500m2) của gia đình tôi. Năm nay, mức độ cát bồi lấp đồng ruộng rất nặng, dày từ 40 - 60cm. Gần 10 ngày qua, cả gia đình phải bám ruộng để thu dọn cát bồi lấp, để chuẩn bị làm đất gieo sạ vụ Đông Xuân.


Bị cát bồi lấp 3,5 sào ruộng, gia đình ông Hoàng Phương, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, phải thuê xe xúc, máy ủi để dọn lớp đát cát bị vùi lấp sâu.

Lau mồ hôi trên trán, ông Phương chia sẻ, mới đầu vụ sản xuất đã gặp khó khăn, tính riêng tiền thuê máy xúc, máy ủi đã gần 2 triệu, còn chưa kể ngày công san đất trả lại bằng bằng cho đồng ruộng và tiền thuê xe vận chuyển cát đang tập kết ở bờ. Dù vất vả, nhưng ông phải cố gắng xử lý sạch cát, nếu không đất sẽ bạc màu, ảnh hưởng đến năng suất lúa.


Vụ Đông Xuân năm nay, Hợp tác xã Nông nghiệp Đông Phú, xã Quảng An, huyện Quảng Điền dự kiến đưa vào sản xuất khoảng 240 ha lúa; trong đó, cơ cấu 90% giống lúa 4B dài ngày.

Tuy nhiên qua các đợt lũ bão cuối năm 2020, khiến gần 1 km kênh mương bị sập, 2 ha diện tích bị bồi lấp cát, đường giao thông nội đồng bị hư hỏng 2.500m, nhiều diện tích bị ngập úng.


Ông Lê Văn Thứ, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đông Phú, cho biết, đầu vụ Đông Xuân nông dân gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai và tình hình mưa rét kéo dài. Từ sau mưa lũ đến nay, hợp tác xã mới chỉ khắc phục khoảng 500m kênh mương, tuyến còn lại do nước còn ngập chưa thể tiến hành gia cố, nên việc khơi thông đồng ruộng gặp khó.


Để đảm bảo cho bà con kịp sản xuất theo khung thời vụ, hợp tác xã đã tổ chức tiêu úng kết hợp tiêu triều làm khô ráo đồng ruộng để bà con tiến hành làm đất, xuống giống. Đến thời điểm này, hợp tác xã đã gieo cấy gần 130 ha lúa; phấn đấu đến ngày 7/1 sẽ hoàn thành 233 ha nhóm giống dài ngày 4B.


Khó khăn nhất hiện nay là thiệt hại về cơ sở hạ tầng, kênh mương phục vụ sản xuất ước tính khoảng 1,2 tỷ đồng. Ông Thứ đề nghị các cấp chính quyền quan tâm bố trí kinh phí để nâng cấp, tu sửa hệ thống thủy lợi để đảm bảo sản xuất thắng lợi.


Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên – Huế, tình hình bão lũ dồn dập những tháng cuối năm 2020 đã khiến 815 ha rau màu các loại và 726 ha cây ăn quả bị thiệt hại; hàng trăm tấn hạt giống dự trữ trong dân bị ướt, ẩm mốc làm thiếu hụt lượng giống rau màu, lúa để cung ứng cho sản xuất vụ Đông 2020 và vụ Đông Xuân 2020-2021.


Có 171 ha đất lúa bị bồi lấp; diện tích ruộng bị bèo tây bồi lấp 163 ha. Hệ thống kênh mương bị hư hỏng nặng với chiều dài hơn 180 km; có hơn 60 trạm bơm bị tốc mái, hư hỏng nhà trạm, cửa đi, bị ướt mô tơ điện, bồi lấp bể hút và bể xả; hơn 50 đập dâng ở hai huyện miền núi Nam Đông, A Lưới  bị hư hỏng nặng; hơn 55 km đê bao nội đồng bị sạt lở hư hỏng nặng.


*Tập trung hỗ trợ nông dân


Để khôi phục sản xuất sau lũ bão, ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tập trung chỉ đạo các địa phương khắc phục thiệt hại, chuẩn bị sản xuất vụ Đông Xuân năm 2020 - 2021.

Ngành yêu cầu các địa phương triển khai xử lý bèo tây lấp ruộng; giải phóng đất cát bồi lấp ruộng; huy động nguồn lực tu sửa hệ thống kênh mương, đê bao nội đồng, đê điêu, hồ chứa nước phục vụ sản xuất theo phương châm nước xuống đến đâu kiểm tra tu sửa đến đó; chỉ đạo các hợp tác xã nông nghiệp chủ động hợp đồng mua giống cây trồng còn thiếu, trước mắt là giống lúa.


Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã tổ chức phân bổ 2,15 tấn giống rau, 1.005 tấn giống lúa, 5 tấn hạt giống ngô từ nguồn hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho người dân phục xụ sản xuất.


Ông Phan Văn Lự, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền cho biết, vụ Đông Xuân 2020 – 2021, huyện Quảng Điền kế hoạch sản xuất 4.200 ha lúa; trong đó có 750 ha giống dài ngày.

Để khắc phục thiệt hại thiên tai, đảm bảo sản xuất đúng khung lịch thời vụ, huyện chỉ đạo các địa phương, hợp tác xã nhanh chóng xử lý diện tích bị bèo và đất cát bồi lấp; đồng thời chỉ đạo nông dân bón vôi để xử lý đất. Đến nay, 124 ha đất bị bèo bồi lấp ruộng đã xử lý xong; 15 ha đất cát bồi cơ bản đã giải phóng.


Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các xã huy động nguồn lực để khắc phục hệ thống thủy lợi để đảm bảo tưới tiêu, tổ chức đấu úng; chuẩn bị cơ cấu giống, làm đất, gieo sạ đảm bảo hoàn thành gieo cấy trước ngày 5/1 theo lịch thời vụ. Ngoài ra, dự phòng cơ cấu giống trong trường hợp lúa chết do thời tiết thì có giống để gieo cấy lại.


Hiện nay, thời tiết mưa rét kéo dài nên việc triển khai sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân gặp nhiều khó khăn. Nhiều diện tích gieo trồng vẫn bị ngập chưa thể tiêu úng, làm đất để gieo sạ. Nhiều diện tích trồng màu, đất còn ướt không sản xuất được nên việc cung ứng cho thị trường Tết sẽ thiếu hụt rất nhiều.


Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên – Huế Hồ Vang, từ cuối tháng 11/2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên – Huế đã làm việc với các địa phương, yêu cầu ưu tiên chuẩn bị nguồn giống và khôi phục hệ thống kênh mương nội đồng bị thiệt hại do mưa lũ. Với sự hỗ trợ của các tổ chức, ban ngành và chủ động của các địa phương đến nay cơ bản nguồn giống đã đủ.


Đối với các vùng thấp trũng cần chủ động vật tư nông nghiệp, máy bơm, tiến hành tiêu úng, làm đất ngay khi thời tiết thuận lợi. Trường hợp mưa kéo dài không tiêu úng kịp, những vùng bố trí cơ cấu giống dài ngày phải chuyển đổi sang giống ngắn ngày để đảm bảo thời vụ sản xuất.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật