Dưới gốc sao đen

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mỗi năm, đến dịp Vu Lan, tôi nhớ bà ngoại, nhớ cậu Ba quá đỗi. Năm nay, không còn mẹ, nỗi nhớ càng đầy. Bà tôi, mẹ tôi, cậu tôi, những bóng mát tỏa xuống đời tôi đã về trời. Cây sao đen trước nhà tôi bị chặt sau một đêm mưa, để phòng bão, mười ngày nay giơ những cánh tay không lá giữa không trung, nhìn thêm xót lòng.
Dưới gốc sao đen
Trở về tuổi thơ. Tranh của họa sĩ TRẦN NGUYÊN

Ngày xưa ở xóm nhỏ Hoàng Thành Bắc, nhà tôi thỉnh thoảng cũng bị kẻ gian chặt buồng chuối, buồng dừa, trộm gà. Trước những việc như vậy, bà ngoại tôi cố nén cả ngày nhưng đến chiều sẫm thì không nhịn được nữa. Cơm chiều, bà bỏ bữa. Đợi cả nhà ăn xong, bà bứt rứt ra ngõ, đứng vịn gốc dừa, chửi cho tan xác loài tham lam vô sỉ. Dĩ nhiên cái đứa gian manh đâu đấy lóng tai nghe rõ từng câu, nhưng nó không phải là bọt khí để thổi là tan. Cậu tôi bảo thôi, bà vùng vằng không thôi. Mẹ tôi phải ra an ủi, dỗ bà vào nhà.

Hồi ấy đời sống khó khăn, bà lo xa, tính nhẩm giỗ ông còn bao nhiêu tháng rồi nuôi cặp gà đợi đến dịp. Trước đám giỗ ba hôm, bà sai cậu tôi đi mời giáp vòng chòm xóm. Chặp tối bà ra sân nhốt cặp gà, lấy đá dằn lên cái giỏ nan hẳn hoi rồi mới gọi mẹ tôi dọn cơm ở nhà ngang. Nào ngờ giữa bữa ăn, cả nhà nghe vẳng một tiếng “oác”, mẹ tôi ra xem thì chỉ thấy cái giỏ tre chỏng chơ, cặp gà đã biến mất.

Hồi đó, muốn mua gà, vịt phải đợi phiên chợ, mà chợ mỗi tháng chỉ có sáu phiên, muốn mua phải canh phiên chợ xã khác, đội nón đi từ mờ sớm mới kịp. Bà nghẹn ngào không chửi được, nói đứt quãng: “Sao mà tệ quá? Sao mà đành đoạn bắt gà lúc tui sắp đám giỗ ổng chớ? Đứa nào ăn cặp gà đó sẽ bị mắc cổ cho coi!”. Nói xong nước mắt trào ra, bà nâng khăn xéo lên lau mắt dưới ánh đèn leo lét trông thật tội nghiệp. Mẹ tôi vuốt ngực bà: “Thôi, bỏ đi mẹ. Để sớm mai con đi chợ Đập Đá mua cặp khác làm giỗ cha, nghen mẹ”.

Tự nhiên, nửa khuya hôm đó, nhà chú G. xôn xao xôn xao. Thím G. cầm đèn chạy từng nhà kêu vọng vô, hỏi có ai đẻ ngược, nhờ qua vuốt cổ chồng bà. Lũ nhỏ trong xóm nhiều đứa hiếu kỳ chạy theo thím G. thành một dây rồng rắn từ nhà này sang nhà khác. Các cô các bác hỏi ăn gì nửa đêm mà mắc xương, thím G. lý nhí nói ăn thịt gà. May sao, nhà bác Hai Khanh trong xóm có chị Câm đẻ ngược.

Lúc thím rước chị Câm về, mắt chú G. đã trợn trừng. Chị Câm giơ tay phải cào cào mấy cái, rồi giơ tay trái cào cào mấy cái, mảnh xương gà trở mình, trôi xuống bao tử. Thật là kỳ diệu!

Chú thím G. không sang nhà tôi ăn giỗ. Giỗ ông xong, bà tôi mang bánh ít qua biếu, chú thím đưa hai tay đón lấy, không dám ngẩng mặt nhìn. Về nhà, bà tôi thở ra nhẹ nhõm: “Nhà nó còn biết xấu hổ là phước. May quá, con Câm ông Khanh cứu nó kịp, chớ nó bề gì thì tui ân hận suốt đời”. Chị tôi khúc khích: “Chú G. ăn đêm không thấy đường gỡ xương nên mắc cổ, chứ lời bà ngoại đâu mà linh vậy?”.

Không hiểu sao, từ ấy trở đi, nạn chặt dừa chặt chuối giảm dần, trong xóm thỉnh thoảng mới mất trộm vặt, nhà tôi không ngoại lệ, nhưng không thấy bà tôi vịn gốc dừa chửi nữa. Bữa mất cái áo bà ba may bằng tơ sống, bà ngồi quạt quạt. Trời không nóng, tôi đoán là bà quạt cho đỡ tiếc, bèn đến gỡ cây quạt lá dừa, phẩy phẩy sau lưng bà. Hơi gió phất phơ, tôi chợt nhận ra mái tóc bà ngoại bạc trắng, và thoảng nghe tiếng bà niệm A di đà Phật.

Bà vẫn hay niệm Phật trước mỗi buồn vui. Cậu tôi bắt mạch, kê thuốc cứu sống được một mạng người, bà niệm Phật. Cậu tôi nhử chim cuốc về nấu xôi, bà niệm Phật. Nhân cậu vắng nhà, tôi rủ bạn mang tổ chim sẻ cậu bắt được, bỏ lên ngọn dừa xóm khác, lúc về tôi bị cậu đánh đòn, bà cũng niệm Phật. Chỉ có một điều bà không hỏi Phật, là vì sao bà bênh tôi vô điều kiện, yêu chiều tôi vô điều kiện, yêu nhất trong đám cháu nội ngoại của bà.

Mẹ tôi cũng yêu tôi vô điều kiện, nhưng khác với bà, mẹ nghiêm khắc với tôi vô cùng. Là để tôi biết dừng trước việc không nên làm.

Là để tôi biết ước mơ là tốt, nhưng phải tự thực hiện, không ỷ lại, tham lam, cuồng loạn. Là để dạy tôi điều gì mình không muốn, tuyệt đối không làm cho người.

Bà tôi, mẹ tôi, cậu tôi, những bóng mát tỏa xuống đời tôi đã về trời.

Từ hôm cây sao đen bị chặt cành đến nay, trời nắng gắt gao, dường như có bao nhiêu nắng đều nghiêng hết về khoảng trống mà tán cây để lại sau khi biến mất theo lưỡi cưa vô cảm. Mỗi ngày tôi tưới nước và trò chuyện với nó. Cái gốc cây chững chạc gan lỳ không hề kêu rên nửa tiếng khi bị cắt cành, kỳ lạ thay, khi tôi chạm tay vào, lại ngân lên vô vàn điều mà ngôn ngữ không thể diễn tả được.

Là hơi thở nhẹ tỏa ra từng mao mạch, là cái trân mình ráng chịu khi dòng nước lưu chuyển vá víu vết thương, là từng giọt nước mắt thầm lan trong thớ gỗ, để hơi cây tỏa sang tôi không phải là tiếng xuýt xoa rên rỉ mà chỉ là nỗi vui mừng trìu mến. Tôi cảm nhận tất cả qua làn vỏ xù xì. Thương lắm là thương!

Bóng mát ơi, hãy quay về nhé, xanh rộng, đầy chở che an ủi!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật