Áp dụng khoa học công nghệ: “Cú hích” giúp nâng hiệu quả lao động sản xuất

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thay vì tự cung tự cấp, nhiều địa phương miền núi, vùng đồng bào DTTS đã bắt tay vào sản xuất hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, để hàng hóa thực sự có giá trị cao, mang lại đời sống ấm no, phát triển cho bà con… đã đến lúc cần phát huy mạnh mẽ vai trò của khoa học - công nghệ.
Áp dụng khoa học công nghệ: “Cú hích” giúp nâng hiệu quả lao động sản xuất
Áp dụng KHCN đã giúp nâng cao sản lượng, chất lượng nông sản

Sống trên đất giàu tiềm năng… bà con vẫn nghèo

Tây Bắc được đánh giá là vùng có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển nông – lâm nghiệp. Hiện nhiều sản phẩm nông - lâm đặc sản của các tỉnh vùng Tây Bắc đã được xuất khẩu (chủ yếu là xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc), như: Xoài, chuối, nhãn, vải…

Tuy nhiên, quá trình đưa các sản phẩm này ra với thị trường thế giới vẫn còn nhiều trở ngại như: Tính hiệu quả thấp, tính chuyên nghiệp không cao từ khâu tổ chức sản xuất đến tiêu thụ; còn hiện tượng tranh mua, tranh bán, ép giá, ảnh hưởng đến quyền lợi của bà con nông dân, doanh nghiệp và cả sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, đến nay vẫn còn rất nhiều sản phẩm đặc sản của các địa phương ở Tây Bắc chưa được tận dụng giá trị để thúc đẩy xuất khẩu. Hạn chế này dẫn đến việc, một bộ phận không nhỏ đồng bào đang sống trên những địa bàn giàu tiềm năng, lợi thế… nhưng đời sống bấp bênh do sản xuất chủ yếu dựa vào tự nhiên và kinh nghiệm sẵn có, năng suất lao động thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao.

Sản xuất hàng hóa chưa phát triển, dẫn đến việc tỷ lệ hộ nghèo ở các địa phương vùng Tây Bắc còn rất cao, nhiều nơi có tới 60 - 70% hộ DTTS là hộ nghèo.

Áp dụng khoa học công nghệ - kết quả bất ngờ

Nhằm giải quyết những hạn chế mà Tây Bắc đang phải đối mặt, từ năm 2013, Chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” đã được triển khai tại 12 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang) và 21 huyện Tây Thanh Hóa, Tây Nghệ An.

Thực hiện Chương trình, các nhà khoa học đã xây dựng nhiều mô hình thử nghiệm phục vụ xuất khẩu tại 2 tỉnh Sơn La và Yên Bái gồm: Chè, gạo, hoa quả đặc sản và thủy sản. Khoanh vùng nghiên cứu và phát triển dược liệu (tam thất, ô đầu, đan sâm, ý dĩ, sâm Lai Châu, Hoàng Liên chân gà, tục đoạn, táo mèo, hà thủ ô đỏ, cốt khí củ…) tại Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Lạng Sơn… Nuôi trồng đông trùng hạ thảo tại Sơn La, Điện Biên, Lai Châu; du lịch sinh thái tại Hòa Bình, Lào Cai; nông nghiệp và công nghệ cao ở Lào Cai; trồng cây Mắc ca tại Sơn La, Điện Biên, Lai Châu…

Cùng với đó, hỗ trợ tư vấn chính sách, xây dựng quy hoạch vùng sản xuất nông, lâm sản; xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ và quảng bá thương hiệu; phát triển chuỗi cung ứng nông, lâm sản cho một số sở, ngành, địa phương (UBND tỉnh Sơn La, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, Sở Công Thương Điện Biên). Các mô hình này đều đã khẳng định tính hiệu quả và hoàn toàn có thể ứng dụng và nhân rộng.

Cụ thể, với mô hình, “Sử dụng đất với cơ cấu cây trồng có hiệu quả kinh tế và bền vững về môi trường vùng lưu vực sông Đà thuộc 3 tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên”, sau khi ứng dụng mô hình, 1 héc-ta ngô đã cho hiệu quả kinh tế tăng 8,6 triệu đồng so với trước đó; 1 héc-ta chè (sản xuất theo hướng người nông dân sản xuất và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm) tăng 9,7 triệu đồng/héc-ta. Đáng lưu ý là, việc áp dụng kỹ thuật canh tác mới này đã giúp giảm xói mòn đất hơn 40% so với kỹ thuật canh tác truyền thống; giảm thiểu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tăng số lần thu hoạch…

Tương tự, cây táo mèo và chùm ngây được xem là dược liệu quý, nhưng giá trị gia tăng của các sản phẩm này vẫn thấp do chưa có công nghệ và thiết bị chế biến sau thu hoạch. Vậy nhưng, sau khi các nhà khoa học tập trung nghiên cứu lắp đặt dây chuyền công nghệ có lò sấy bằng công nghệ hồng ngoại, sản phẩm sản xuất ra đã đạt được tiêu chuẩn ngặt nghèo của các nước phương Tây và Mỹ, mở ra cơ hội xuất khẩu cho một số sản phẩm dược liệu…

Rõ ràng, khi khoa học - công nghệ được áp dụng vào sản xuất nông - lâm nghiệp, giá trị thu được trên diện tích đất đều tăng bất ngờ. Đây chính là cơ sở để thúc đẩy phát triển các mô hình sản xuất - kinh doanh tập thể hay hộ gia đình cho hiệu quả cao. Đồng thời là nền tảng để xây dựng các vùng nguyên liệu quy mô, chất lượng; tạo ra sinh kế bền vững cho đồng bào vùng Tây Bắc.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật