AP: Trung Quốc hoãn công bố thông tin Covid-19, “kìm chân” WHO

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Điều tra của AP cho thấy Trung Quốc hoãn công bố các thông tin quan trọng về SARS-CoV-2 khiến WHO không thể phản ứng kịp thời với Covid-19.
AP: Trung Quốc hoãn công bố thông tin Covid-19, “kìm chân” WHO
Người dân đeo khẩu trang ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 7/3. Ảnh: Getty

Trong suốt tháng 1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công khai khen ngợi Trung Quốc vì đã "phản ứng nhanh" với virus corona chủng mới. Tổ chức này cũng nhiều lần cảm ơn chính phủ Trung Quốc đã chia sẻ bản đồ gen của virus này "ngay lập tức", đồng thời khẳng định sự hợp tác và cam kết minh bạch của nước này "rất ấn tượng".

Tuy nhiên, đằng sau những lời khen đó là một thực tế rất khác. Điều tra của hãng tin AP cho thấy Trung Quốc đã có một khoảng thời gian trì hoãn đáng kể khiến cho WHO không nhận được những thông tin cần thiết nhằm đối phó với sự lan rộng của virus SARS-CoV-2.

Theo hãng tin này, các quan chức WHO công khai khen ngợi Trung Quốc bởi họ muốn nhận được nhiều thông tin hơn về đại dịch Covid-19 từ chính phủ nước này. Dù vậy, trong các cuộc họp kín hồi tháng 1, WHO đã phàn nàn Trung Quốc không chia sẻ đủ dữ liệu để đánh giá về sự lan rộng của virus khi lây từ người sang người cũng như nguy cơ của loại virus này với phần còn lại của thế giới.

"Chúng tôi chỉ nhận được những thông tin rất tối thiểu. Rõ ràng những thông tin này chưa đủ để phác thảo một kế hoạch phù hợp", nhà dịch tễ học Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật Chương trình khẩn cấp của WHO trong dịch Covid-19 cho biết trong một cuộc họp nội bộ.

AP đánh giá rằng thông tin mới này không nhằm mục đích ủng hộ Mỹ hay Trung Quốc mà cho thấy tình trạng WHO bị mắc kẹt ở giữa trong nỗ lực thu thập dữ liệu về đại dịch với thẩm quyền rất hạn chế. Mặc dù các nước thành viên có nghĩa vụ báo cáo với WHO về những vấn đề có ảnh hưởng đến y tế công cộng nhưng tổ chức này không có quyền bắt buộc cũng như không thể tiến hành một cuộc điều tra độc lập về dịch bệnh bên trong các quốc gia này. Thay vào đó, WHO phải phụ thuộc vào sự hợp tác của các nước thành viên.

Phát hiện này cũng cho thấy rằng thay vì nói WHO thông đồng với Trung Quốc như Tổng thống Trump nhận định thì thực tế là WHO phải giữ bí mật việc Trung Quốc cung cấp rất ít thông tin cho tổ chức này và khen ngợi Trung Quốc để đảm bảo nhận được nhiều thông tin hơn.

Trong tuần thứ 2 của tháng 1, người đứng đầu các chương trình khẩn cấp của WHO Michael Ryan nhận định với các đồng nghiệp rằng đã đến lúc "thay đổi cách thức" và cần phải gây sức ép nhiều hơn với Trung Quốc do lo ngại viễn cảnh như dịch SARS năm 2002 ở quốc gia này sẽ lặp lại.

Ông Ryan cũng cho biết rằng Trung Quốc đã không hợp tác như những điều mà một số quốc gia khác từng thực hiện.

"Điều này không xảy ra ở Congo và những nơi khác", ông Ryan nhận định khi nhắc đến dịch Ebola bùng phát năm 2018, đồng thời cho biết: "Chúng tôi cần xem xét các dữ liệu... Việc này vô cùng quan trọng ở thời điểm này".

Trung Quốc đã giải mã được toàn bộ hệ gen của virus SARS-CoV-2 ngày 2/1, nhưng phải tới ngày 30/1, WHO mới có thể công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu.

Dù vậy, theo AP, cả WHO và các nhà chức trách được nêu tên trong câu chuyện trên đều từ chối bình luận nếu hãng tin không có bản ghi âm hoặc văn bản về những cuộc họp đã nêu

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật